Phát biểu trước thềm kỷ niệm, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cho đến khi tiêu diệt được hiểm họa này.
Theo nhà lãnh đạo này, Mỹ không bao giờ sợ hãi, bất chấp làn sóng tấn công gần đây và sẽ đánh bại các mối đe dọa khủng bố mới, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. “Chúng ta không thể đầu hàng trước những kẻ muốn chia rẽ chúng ta. Chúng ta không thể phản ứng theo cách làm xói mòn nền tảng xã hội chúng ta” - ông Obama nhấn mạnh.
Trong một diễn biến cho thấy mối đe dọa khủng bố nhằm vào Mỹ vẫn còn đó, thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri hôm 9-9 gọi các vụ tấn công 15 năm trước là “cái tát” vào mặt Mỹ và các đồng minh. Xuất hiện trong đoạn video đưa lên mạng, Al-Zawahiri còn lên tiếng đe dọa những vụ tấn công tương tự sẽ còn tái diễn hàng ngàn lần nếu Mỹ “tiếp tục tội ác của mình”.
Lời đe dọa trên như một lời nhắc nhở nước Mỹ còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn sự tái diễn của một vụ 11-9 khác ngay cả khi 3.600 tỉ USD đã được chi cho an ninh quốc gia trong suốt 15 năm qua. Theo báo cáo của Viện Watson về các vấn đề công và quốc tế thuộc Trường ĐH Brown (Mỹ), khoản chi tiêu này đã tăng mạnh trong 2 năm gần đây, riêng năm 2015 là 300 tỉ USD. Báo cáo dự báo tổng số tiền dành cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ tăng lên 4.700 tỉ USD vào năm 2017.
Điều đáng nói là nỗ lực trên vẫn chưa thể giúp người Mỹ cảm thấy yên tâm hơn trong lúc này. Một cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cho thấy khoảng 42% người Mỹ cảm thấy đất nước kém an toàn hơn so với trước sự kiện 11-9. Tỉ lệ này trong cuộc khảo sát năm 2014 là 27%. Không ít người sợ sẽ xảy ra thêm những vụ tấn công do các phần tử khủng bố “cây nhà lá vườn” gây ra, tương tự vụ xả súng tại TP Orlando khiến 49 người thiệt mạng hồi tháng 6 qua.
Nỗi lo khác đến từ thực tế rằng Mỹ vẫn còn can dự vào một loạt cuộc chiến chống khủng bố ở nước ngoài, trong đó nổi bật là Iraq, Syria, Libya... Theo một số chuyên gia, những cuộc xung đột ở Trung Đông, mối đe dọa của IS, xu hướng cực đoan hóa trên mạng và hàng loạt vụ tấn công ở châu Âu và Mỹ khiến cuộc chiến chống khủng bố đối mặt thêm nhiều thách thức.
Chẳng hạn như Al-Qaeda, dù trở nên suy yếu sau cái chết của thủ lĩnh Osama bin Laden nhưng không vì thế mà xem thường nguy cơ đến từ nhóm này. Nhóm Mặt trận al-Nusra từng là chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria trước khi đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham và tuyên bố cắt đứt quan hệ với mạng lưới khủng bố này. Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, giới chức Mỹ cho rằng tuyên bố này không đáng tin nên vẫn lo ngại nguy cơ các thành viên nhóm này lên kế hoạch tấn công khủng bố khắp nơi.
Trong khi đó, IS đã chứng tỏ khả năng tiến hành các cuộc tấn công đơn giản nhưng gây nhiều thương vong khắp thế giới bất chấp những thất bại trên chiến trường gần đây tại Iraq và Syria. “Mối đe dọa khủng bố đang tồi tệ hơn và lan rộng về mặt địa lý. Hiện có đến 100.000 người tham gia các tổ chức khủng bố khác nhau trên thế giới - cao hơn nhiều so với 15 năm trước” - ông Richard Clarke, từng là cố vấn về chống khủng bố cho 3 tổng thống Mỹ, đúc kết.
Bình luận (0)