xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bắc Cực ngày càng “nóng”: Người Mỹ chậm chân

NGÔ SINH

Trong khi Nga có khoảng 25-40 chiếc tàu phá băng đang hoạt động thì lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chỉ có 2 chiếc. Một chiếc gần… 40 tuổi và 1 chiếc bị bỏ xó

Chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định nước Mỹ có những quyền lợi quan trọng về kinh tế và văn hóa ở Bắc Cực. Thế nhưng, báo The New Zealand Herald nhận định: Mỹ tụt hậu trong cuộc đua quốc tế khẳng định quyền lợi ở Bắc Cực. Vì dồn sức quá nhiều vào các điểm nóng Trung Đông và châu Á, Washington dường như đã bỏ quên một mặt trận đang ấm lên rất nhanh này.

Phớt lờ cuộc chơi

“Bắc Cực đã là một sân chơi. Nhiều quốc gia đang cố hiện diện nhiều hơn ở nơi đây và đó là vấn đề đáng lưu tâm” - hạ nghị sĩ Dân chủ John Garamendi nhận xét.

Theo ông, trước mắt, Mỹ cần sở hữu nhiều hơn nữa tàu phá băng - loại tàu có thể vận hành trong những điều kiện thời tiết thay đổi liên tục. Hiện Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ có 2 chiếc đang hoạt động nhưng 1 chiếc đã gần… 40 tuổi và 1 chiếc… bị bỏ xó.

Trong khi đó, theo kênh Fox News, Nga có 25 tàu phá băng, 6 chiếc trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thậm chí, vị đại diện đặc biệt đầu tiên của Mỹ ở Bắc Cực, Đô đốc Robert Papp - cựu Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ - khẳng định Nga có hơn 40 tàu phá băng. Rõ ràng là người Nga đang dẫn đầu ở khu vực này khi thực hiện những chính sách cụ thể và hiệu quả.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Begich chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama đã bỏ qua Bắc Cực trong khi cuộc chiến giành ảnh hưởng đang diễn ra sôi động ở khu vực trên. “Cứ như là họ chưa bao giờ nghe nói về nó cả vậy” - ông này mỉa mai.

Ông Begich cảnh báo Nga có thể thống trị các quyền lợi kinh tế ở Bắc Cực nếu Mỹ không mau chóng hành động. Còn ông Bill Hartung, Trung tâm Chính sách quốc tế, nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Lầu Năm Góc chưa thực sự xác nhận nhu cầu này vì cho rằng sẽ chẳng ai tấn công chúng ta từ phía đó”.

 

Tàu phá băng Polar Star của Mỹ Ảnh: ADN
Tàu phá băng Polar Star của Mỹ Ảnh: ADN

 

Theo báo Washington Examiner, trong khi Nga nhận thức một cách sâu sắc những cơ hội ở miền cực Bắc thì các nhà lãnh đạo cũng như quan chức Mỹ không thừa nhận tầm quan trọng mang tính quyết định của khu vực vốn có thể giúp Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông.

Đô đốc Robert Papp đã kêu gọi chính quyền để tâm xây dựng các chính sách đưa ra thi hành tại Hội đồng Bắc Cực khi Mỹ tiếp nhận chiếc ghế chủ tịch vào năm 2015. Nhật báo Alaska Dispatch News tiết lộ: Theo đô đốc, trong vòng 2 năm tới, ở cương vị này, mục tiêu chính của Mỹ là thuyết phục công chúng về tầm quan trọng của Bắc Cực đối với nước Mỹ. Theo đó, Mỹ cần chi hàng tỉ USD cho các trang thiết bị mới ở Bắc Cực với các tàu phá băng hạng nặng.

Đầu tư nhỏ giọt

Áp lực về ngân sách đã khiến Mỹ trì hoãn đầu tư vào các chương trình mới, đặc biệt khi quân đội không tiên liệu những thách thức về mặt quốc phòng ở Bắc Cực. Ông Papp nhấn mạnh rằng Mỹ cũng cần khảo sát các khả năng tài chính khác, kể cả yêu cầu những công ty muốn khai thác khoáng chất và dầu thô ở Bắc Cực góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo đảm an toàn cho chính họ.

“Chúng ta đã không đầu tư nhiều nguồn lực vào những vấn đề thiết yếu trong giao thông đường thủy qua vùng biển Bắc Cực” - ông Papp nhấn mạnh, đồng thời hy vọng cương vị chủ tịch Hội đồng Bắc Cực sắp tới sẽ khiến Mỹ chú ý đến những thách thức phát sinh từ hiện tượng lớp băng che phủ Bắc Cực tan đi.

Tại Diễn đàn Ý tưởng Washington vào tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thừa nhận quyền lợi nước Mỹ bị thách thức khi các tuyến hàng hải mở ra và Nga gia tăng hoạt động thương mại ở Bắc Cực. Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của Mỹ đã vạch ra chiến lược để phản ứng trước sự thay đổi ở khu vực trên nhưng vẫn chưa đưa ra được thời gian hành động cụ thể.

Trong tình hình đó, đại tá quân đội về hưu David Hunt, cựu cố vấn an ninh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ, nhận định nước Mỹ hầu như không nỗ lực đầu tư tài chính thích hợp để phát triển tàu phá băng.

Trong tài khóa 2015, quốc hội Mỹ đã chi 8 triệu USD để đóng tàu phá băng mới trong khi mỗi con tàu như thế tốn phí gần 1 tỉ USD! Ngoài ra, phải chi 300 triệu USD trang bị các bộ phận mới để biến con tàu đang hoạt động thành tàu phá băng. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ than phiền họ không thể kham nổi chi phí đó, còn hải quân nước này lấy cớ rằng Lầu Năm Góc cắt giảm chi tiêu 70 tỉ USD trong 2 năm tới để thoái thác.

Theo ông Hunt, Mỹ cần xúc tiến việc khai thác nguồn tài nguyên năng lượng ở Bắc Cực. Đối với Mỹ, phản ứng một cách hiệu quả nhất trước thực tế ảnh hưởng của Nga ngày càng gia tăng ở Bắc Cực có thể là ngón đòn đánh mạnh vào Nga. Ông cho rằng như thế, Mỹ vừa làm giảm đi tầm ảnh hưởng của Nga về năng lượng vừa có thể bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và tài nguyên của mình.

 

Đuổi theo “cái bóng” của Nga

Nước Mỹ đang đối mặt với thách thức về ngân sách. Tuy nhiên, xét về quyền lợi, Bắc Cực không khác biệt với bất kỳ khu vực quốc tế nào. Theo đài CNN, Mỹ cần bảo vệ và nhanh chóng thể hiện vai trò thủ lĩnh trong lĩnh vực hàng hải. Thái độ phớt lờ và không tham gia vào cuộc đua ở Bắc Cực sẽ không làm cho các vấn đề này phai mờ.

Do đó, chính sách về Bắc Cực của Mỹ cần ưu tiên 4 điểm sau: 1. Phát triển chiến lược cũng như chính sách theo hướng nắm giữ vai trò dẫn đầu ở Bắc Cực hiện đang nằm trong tay Nga. 2. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển. 3. Rút kinh nghiệm ở Bắc Cực, thể hiện vai trò đầu tàu trong lĩnh vực hàng hải khắp thế giới. 4. Khai thác hơn nữa nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi ở khu vực Alaska.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo