xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão trên biển

Nguyễn Ngọc Trường

Ta đang sống trong thời kỳ biển động. Yếu tố địa - chính trị và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang làm gia tăng các cuộc tranh chấp lãnh hải trên hầu khắp các châu lục khi thế giới bước vào thế kỷ đại dương

Các hòn đảo nhỏ, các bãi đá ngầm, các đảo san hô, từ vùng Bắc cực nơi các núi băng đang tan chảy để lộ khả năng khai thác nguồn tài nguyên phong phú tới vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, từ vùng biển Ấn Ðộ Dương tới biển Ðông và biển Hoa Ðông, đâu đâu cũng đang chứng kiến sự gia tăng các cuộc tranh chấp về chủ quyền.
 
Tại phía Ðông Ðịa Trung Hải - nơi tồn tại tranh cãi dai dẳng, từ năm 2009, vấn đề trở nên căng thẳng hơn khi lần đầu tiên phát hiện có dầu khí. Năm 2011, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus đều phái tàu chiến hộ tống các tàu thăm dò.
 
 Sự phát minh ra công nghệ mới đã đặt các nguồn tài nguyên thiên nhiên ẩn sâu dưới lòng biển vào tầm với của các quốc gia mà khi xưa chưa ai nghĩ tới. Trung Ðông chiếm 56% tỉ lệ trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với khoảng 20% lượng dầu giao dịch thế giới đi qua eo biển Hormuz của Iran. Mỹ duy trì một lực lượng hải quân hùng hậu để bảo vệ con đường biển huyết mạch chuyên chở dầu lửa, cũng như vai trò chủ đạo của Mỹ trong ván cờ địa - chính trị Trung Ðông, đồng thời tạo sức ép thường trực lên Iran.
 
img
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và tàu cá Đài Loan đối đầu gần quần đảo Senkaku
hôm 25-9-2012.Ảnh: blog.newscom.com

Hơn 300 năm kể từ khi các nước phương Tây bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, họ làm chủ các đại dương thế giới để thống trị đất liền. Phần lớn các cường quốc hàng hải của thế kỷ XIX chẳng còn mấy nước đi qua hết thế kỷ XX. Ðầu thế kỷ XXI, thay thế vào vị trí của họ là các cường quốc biển mới trỗi dậy, thách thức vị trí chủ đạo của các cường quốc biển còn lại. Một vài nước trong số họ đang tích cực mở rộng không gian sinh tồn của mình, chèn lấn và thu hẹp không gian sinh tồn của những nước nhỏ hơn.

Các cuộc tranh chấp ồn ào nhất hiện nay đang diễn ra liên quan đến quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư, Hoàng Sa - Trường Sa. Kiểm soát chúng, người ta sẽ có các nguồn dự trữ về năng lượng, kim loại quý, các kho cá khổng lồ cho tương lai và làm chủ các con đường biển huyết mạch. Những yêu sách lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc đặt quốc gia này vào thế đối đầu với hầu hết các nước trong khu vực và các nước lớn liên quan luôn chống lại nỗ lực của bất kỳ nước nào tìm cách độc bá các vùng biển Ðông Á.

Tại biển Hoa Ðông, Tokyo khởi xướng việc chuyển giao 3 trong số 5 hòn đảo của quần đảo Senkaku từ tay tư nhân thành sở hữu nhà nước, kích hoạt cuộc khủng hoảng ngoại giao với Bắc Kinh, đẩy hai cường quốc biển mạnh nhất ở châu Á vào tình trạng đối đầu trực diện. Tình trạng công thủ trên biển diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong mấy tháng qua giống như một cuộc chiến tiêu hao sinh lực cho dù chưa một tiếng súng nào được nghe thấy. Cả Nhật Bản và Trung Quốc thấy rằng bất cứ ai chiến thắng ở Senkaku/Ðiếu Ngư sẽ có cơ hội chiến thắng trong các bất đồng khác.

Tuy nhiên, cuộc tranh chấp tại biển Hoa Ðông khó leo thang thành xung đột vũ trang do Nhật Bản có liên minh quân sự với Mỹ. Ðầu tháng 12 vừa rồi, thượng nghị viện Mỹ đã thông qua một văn bản tái khẳng định cam kết của Mỹ với Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh, cảnh báo rằng một cuộc tấn công vũ trang vào "trong các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản quản lý" sẽ vi phạm các điều khoản của hiệp ước này. Theo thượng nghị sĩ Jim Webb, "văn bản sửa đổi này khẳng định rõ ràng việc Mỹ công nhận sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và lập trường này sẽ không thay đổi trước các mối đe dọa, ép buộc hay hành động quân sự".

Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ biến biển Ðông thành lãnh hải riêng. Bắc Kinh đã tuần tự xây dựng thành phố Tam Sa, phát hành loại hộ chiếu in chìm đường chín đoạn bao trọn biển Ðông, trao quyền cho cảnh sát biển Trung Quốc chặn bắt, khám xét các tàu "xâm nhập trái phép" vào vùng biển Ðông... Ðiều này vi phạm lãnh hải các nước trong khu vực cũng như cản trở tự do lưu thông hàng hải, thách thức quyền tự do hàng hải quốc tế.

Giữa tam giác của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa, có độ sâu 5.000 m, là vùng sâu nhất của biển Ðông, Trung Quốc muốn tạo vùng hoạt động an toàn cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể uy hiếp lãnh thổ Mỹ, Ấn Ðộ và một số nước lớn khác. Mỹ đã khởi động thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ðông Á, trong đó Philippines là một bộ phận. Biển Ðông trở thành nơi "ngọa hổ tàng long".

Sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột ở Ðông Á giúp hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện lâu dài tại khu vực, với động cơ chính là kiềm chế sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh vừa tái khẳng định mục tiêu phát triển thành "cường quốc biển". Hải quân, binh chủng "con cưng" của Trung Quốc, sẽ nỗ lực bứt phá hai tuyến phòng vệ hải đảo của Mỹ, vươn ra Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương. Hải quân Nhật Bản từ cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay được trao sứ mệnh mới, với cách tiếp cận rất khác so với chính sách an ninh mà nước này theo đuổi từ sau năm 1945. Các sự kiện kết nối dường như báo hiệu một mùa dông bão mới trên biển mới chỉ bắt đầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo