xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bệnh” đã di căn

NGUYỄN CAO

Nếu coi hiện tượng khủng bố “sói đơn độc” là một căn bệnh thì theo các chuyên gia chống khủng bố châu Âu, nó đang di căn rất nhanh

Chiều 18-7, một thanh niên Afghanistan 17 tuổi xin tị nạn ở Đức đã dùng búa bổ củi và dao tấn công du khách Hồng Kông đi tàu lửa từ Treuchtlingen đến Wurtzbourg, bang Bavaria - Đức. Gã vừa đâm chém loạn xạ vừa hô to bằng tiếng Ả Rập “Allahu Akbar!” - Thánh Allah vĩ đại, một khẩu hiệu cửa miệng của những chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Sau đó, hung thủ nhảy xuống tàu chém tiếp một người dắt chó đi dạo trên đường chạy trốn trước khi bị cảnh sát bắn chết. Trong số 4 du khách bị chém, 2 người bị thương nặng hiện vẫn còn nằm viện.

“Chiến dịch tử vì đạo”

Vài ngày sau, trên trang mạng của tổ chức Nhà nước tự xưng vùng Iraq và Syria (ISIS) xuất hiện một clip video quay cảnh một thanh niên giống hung thủ nêu trên, tự xưng là chiến binh của “Vương quốc Hồi giáo”. Gã tuyên bố sẽ tiến hành “một chiến dịch tử vì đạo ở Đức”. Thanh niên này còn dứ dứ một con dao trước ống kính, miệng hăm dọa: “Nhà nước Hồi giáo sẽ tấn công các ngươi khắp nơi, trong làng, trong thành phố và sân bay của các ngươi”.


Ali David Sonboly và hình ảnh hung thủ tại hiện trường được camera an ninh ghi lại Ảnh: Internet

Ali David Sonboly và hình ảnh hung thủ tại hiện trường được camera an ninh ghi lại Ảnh: Internet

Các chuyên gia chống khủng bố phương Tây hết sức bất ngờ về clip video này vì trước đó, bản thân hung thủ chưa bao giờ để lại bất cứ video hay thông điệp nào cho thấy gã là người của ISIS.

Hồi năm ngoái, một thân một mình đến Bavaria - cửa ngõ chính của gần 1 triệu người tị nạn, trong đó có khoảng 150.000 người Afghanistan - hung thủ được một gia đình Đức nhận nuôi dưỡng trong khi chờ hoàn tất thủ tục xin tị nạn. Nhận xét chung của mọi người từng tiếp xúc với hung thủ: Đây là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy gã bị cực đoan hóa.

Khám chỗ ở của gã thanh niên, cảnh sát tìm thấy cờ của ISIS vẽ bằng tay, một tài liệu bằng tiếng Pashtun (tiếng mẹ đẻ của hung thủ) chỉ cách tự học trở thành chiến binh thánh chiến như tên Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, 31 tuổi, từng làm. Mohamed là kẻ lái xe tải tông chết ít nhất 84 người, làm bị thương hơn 200 người ở TP Nice, miền Nam nước Pháp đêm Quốc khánh 14-7 vừa qua.

Mùa hè đẫm máu ở Đức

Vụ việc kể trên là 1 trong 4 vụ tấn công liên quan đến sát thủ “sói đơn độc” gốc di dân diễn ra trong tháng 7-2016 ở Đức. Đây là một hiện tượng bất thường khiến các chuyên gia chống khủng bố nghĩ tới sự di căn của “ khối u ác tính” của cái gọi là sát thủ “sói đơn độc” ở châu Âu - đặc biệt ở Pháp, Bỉ và bây giờ là nước Đức bao dung của nữ Thủ tướng Angela Merkel.

Chỉ riêng trong ngày 24-7, có tới 2 vụ liên quan đến người tị nạn Syria. Đầu tiên là vụ chém chết người bằng búa trước một cửa hàng bán thức ăn nhanh tại Reutlingen, một thành phố ở Tây Nam nước Đức. Nạn nhân là một thai phụ Ba Lan. Hung thủ, một di dân Syria 21 tuổi, còn chém bị thương 2 người khác trước khi bị người đi đường và cảnh sát bắt giữ.

Theo báo chí địa phương, hình như đây là một vụ án tình. Hung thủ ngỏ lời yêu nạn nhân nhưng bị từ chối nên xuống tay không chút thương xót. Giả thuyết này nhanh chóng được chính quyền địa phương chia sẻ trong bối cảnh khủng bố làm hoen ố hình ảnh một nước Đức thanh bình, hào hiệp.

Vụ thứ hai xảy ra tại liên hoan âm nhạc ở Ansbach, miền Nam nước Đức, khiến 12 người bị thương. Hung thủ là một di dân 27 tuổi người Syria chán đời tự sát bằng bom vì không xin được giấy chứng nhận người tị nạn.

Theo hãng thông tấn Đức Deutsche Welle, hung thủ từng tự tử 2 lần nhưng chưa tới số. Y cũng từng là bệnh nhân loạn thần chữa trị nhiều lần ở bệnh viện tâm thần. Hung thủ chết đi khiến cuộc điều tra động cơ giết người gặp nhiều khó khăn.

Cũng liên quan đến sức khỏe tâm thần và tư tưởng cực đoan là vụ án đẫm máu ở trung tâm thương mại TP Munich ngày 22-7. Sát thủ Ali David Sonboly là một người Đức gốc Iran mới 18 tuổi. Động cơ giết người của hắn là bắt chước Anders Breivik, một công dân Na Uy mang tư tưởng cực hữu (tân phát xít) bài ngoại.

Trong vụ giết người tập thể mang tên “vụ tấn công Na Uy ngày 22-7-2011” ngay trung tâm thủ đô Oslo làm chấn động cả châu Âu, Anders dùng xe bom giết chết 8 người ở Oslo và dùng súng bắn chết 69 thanh niên cắm trại trên đảo Utoya. Đây được coi là vụ khủng bố của một kẻ cực hữu.

Không như cậu trai đâm chém du khách đi tàu lửa kể trên, Sonboly chuẩn bị kế hoạch giết người trước đó hơn 1 năm. Hắn đăng ký học bắn súng tại một trường bắn ở Winnenden rồi lục lạo trên mạng “chợ đen” mua súng lục hư hỏng dạng phế liệu về tân trang. Để giết được nhiều người, Sonboly chiếm tài khoản Facebook của quán ăn McDonald gần một trung tâm mua sắm ở Munich rồi quảng cáo đợt bán hàng giảm giá mạnh nhằm lừa nạn nhân - hầu hết là thanh niên cùng trang lứa. Đến giờ hẹn trùng với ngày xảy ra “vụ tấn công Na Uy” cách đây tròn 5 năm, Sonboly vác súng ra quán rồi xông vào trung tâm mua sắm bắn chết 9 người và gây thương tích cho 21 người. Xong, hắn tự xử bằng một phát đạn vào đầu.

Theo báo chí địa phương, hầu hết nạn nhân là người gốc Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Kosovo gốc Albania. Khi tấn công, Sonboly hô những khẩu hiệu bài ngoại nhưng viện trưởng Viện Công tố Munich khẳng định đây không phải là một vụ tấn công khủng bố người nước ngoài và cũng không liên quan đến ISIS. Ông này cho biết đây là hành động của một người điên đang được chữa bệnh suy nhược thần kinh ngoại trú.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-8

Kỳ tới: Mò kim đáy biển

Ngày càng phổ biến

Theo một nghiên cứu của cơ quan an ninh Mỹ, từ năm 1968 đến 2010, trên thế giới xảy ra 5.646 vụ tấn công khủng bố mang màu sắc Hồi giáo cực đoan gây thiệt hại về người và của lớn, trong đó chỉ có 72 vụ do “sói đơn độc” thực hiện.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên thực hiện trước năm 2014 - thời điểm các thủ lĩnh ISIS bắt đầu khuyến khích những kẻ đồng chí hướng giết công dân các nước tham gia chiến dịch tiêu diệt tổ chức này bằng mọi cách. Từ đó về sau, theo một nghiên cứu của Bộ Tư pháp Mỹ năm 2015, những vụ tấn công của “sói đơn độc” đã trở nên thường xuyên hơn tại Mỹ và gần đây là tại các nước Tây Âu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo