xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bóng ma di cư” quay lại

HOÀNG PHƯƠNG

Ít nhất 2.510 người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay và con số này có thể còn tăng trong vài tháng tới

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau khi hơn 1.030 người bỏ mạng trong hành trình vượt Địa Trung Hải tìm miền đất hứa hồi tuần rồi.

Bất chấp thủ đoạn

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hôm 31-5 cho biết 62 người được xác nhận thiệt mạng và 971 người mất tích trong 9 vụ đắm thuyền chở người di cư từ Libya đến Ý, tính từ hôm 25-5 đến nay. Còn theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), nếu tính từ đầu năm đến nay, ít nhất 2.510 người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái (1.855 người).

Tuy nhiên, cơ quan này nói thêm nhiều nạn nhân nữa có thể đã chết. Đáng lo hơn, con số này có thể tăng mạnh trong vài tháng tới khi thời tiết tốt hơn và nước biển ấm lên thúc đẩy người di cư ồ ạt lên thuyền của bọn buôn người.

Tấm ảnh gây xúc động chụp một em bé di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải vào tuần rồi Ảnh: REUTERS
Tấm ảnh gây xúc động chụp một em bé di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải vào tuần rồi Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin AP, các băng đảng buôn người ở Libya ngày càng bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền từ những người khao khát tìm kiếm sự an toàn và công ăn việc làm ở châu Âu. Ông William Spindler, người phát ngôn UNHCR, cho biết vụ lật thuyền nghiêm trọng nhất vào tuần rồi phơi bày chiêu trò mới của bọn chúng: Sử dụng một chiếc thuyền chở đầy người di cư để kéo một chiếc thuyền khác, thậm chí còn chở nhiều người di cư hơn nhưng lại không có động cơ. Khoảng 550 người đã thiệt mạng trong thảm kịch xảy ra hôm 26-5 này.

Hai người Eritrea được cứu sống nói với AP rằng họ bị ám ảnh bởi có quá nhiều phụ nữ và trẻ em trên chiếc thuyền bị lật và nhiều người không sống sót. “Tôi bắt đầu khóc khi thấy cảnh chiếc thuyền bị kéo đi và khi tôi phát hiện nó không có động cơ. Có quá nhiều phụ nữ và trẻ em trên thuyền” - một người sống sót tên Filmon Selomon, 21 tuổi, nhớ lại. Cũng theo ông Spindler, việc số người di cư thiệt mạng tăng cao vào tuần rồi có thể do một số tay buôn người muốn kiếm thêm thu nhập trước khi tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo bắt đầu vào tuần tới.

Trong khi đó, ông Joel Millman, phát ngôn viên IOM, cho biết bọn buôn người ở Libya có thể đang hạ giá để hút thêm “khách hàng” (hầu hết là người châu Phi) và bắt đầu sử dụng thuyền lớn hơn (có thể chở đến 750 người) thay cho loại thuyền cao su bơm hơi. Những yếu tố này đồng nghĩa ngay cả khi dòng người di cư vượt Địa Trung Hải giảm xuống thì số người thiệt mạng trong các vụ đắm thuyền có thể vẫn tăng. Theo IOM, gần 19.000 người di cư đến Ý bằng đường biển trong tháng rồi, cao hơn gấp đôi con số của tháng trước đó nhưng vẫn ít hơn con số của cùng kỳ năm ngoái.

Nỗi lo khủng bố

Thỏa thuận mới đây giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp giảm bớt dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegea đến Hy Lạp. Đây là tuyến đường được hàng trăm ngàn người di cư sử dụng vào năm ngoái. Các cơ quan tị nạn quốc tế đang theo dõi sát sao xem liệu có sự chuyển hướng từ tuyến đường trên sang hành trình Libya - Ý kéo dài và nguy hiểm hơn hay không. “Cho đến giờ, UNHCR vẫn chưa thấy bằng chứng về việc người Syria, Afghanistan hoặc Iraq chuyển từ tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp sang tuyến đường Địa Trung Hải” - ông Spindler cho biết.

Ông này cũng lặp lại lời kêu gọi EU mở thêm nhiều con đường hợp pháp để người tị nạn đến châu Âu. Theo ông Spindler, thật “hổ thẹn” khi EU chỉ mới tái định cư chưa đến 2.000 người tị nạn trong khi kế hoạch công bố vào năm ngoái đặt mục tiêu 160.000 người.

Không chỉ gây ra nỗi lo về nhân đạo, cuộc khủng hoảng di cư có thể làm phức tạp thêm mối đe dọa an ninh mà châu Âu đang đối mặt bởi nguy cơ bọn khủng bố trà trộn vào dòng di dân. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 31-5 khuyến cáo công dân nước này cảnh giác khi đến châu Âu vào mùa hè. Washington lo ngại vòng chung kết Euro 2016 và giải đua xe đạp Tour de France diễn ra tại Pháp trong tháng 6 và 7 có thể bị tấn công khủng bố.

Ngoài ra, sự kiện ngày Thanh niên thế giới của Thiên Chúa giáo dự kiến diễn ra tại TP Krakow - Ba Lan từ ngày 26 đến 31-7 là một mục tiêu tiềm tàng khác. Châu Âu gần đây rúng động bởi một loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris - Pháp và thủ đô Brussels - Bỉ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm 2 vụ tấn công này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo