Một trong những bài phát biểu thu hút nhiều chú ý tại hội nghị an ninh hàng đầu châu Á này là của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, trong đó kêu gọi hải quân các nước châu Âu hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” hơn tại biển Đông để duy trì luật biển và sự tự do đi lại. “Nếu muốn khống chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền này (tự do đi lại trên biển) và tự mình làm việc đó” - ông Le Drian nhấn mạnh.
Dù bộ trưởng quốc phòng Pháp không nêu đích danh nước nào nhưng ai cũng biết ông nhằm vào Trung Quốc, quốc gia không ngừng leo thang những hành động đơn phương đầy khiêu khích tại vùng biển đóng vai trò quan trọng với giao thương toàn cầu này. Bắc Kinh đang quyết liệt theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại biển Đông thông qua hành động bồi lấp quy mô lớn và xây dựng cơ sở quân sự phi pháp trên các đảo nhân tạo, dẫn đến cuộc đối đầu ngày một gay gắt với một số quốc gia láng giềng và Mỹ.
Giọng điệu mạnh mẽ nêu trên đánh dấu sự tham gia nhiều hơn của Paris vào vấn đề biển Đông. Đây là bước đi tất yếu bởi nếu luật biển không được tôn trọng ở vùng biển này, hậu quả khôn lường có thể xảy ra tại những khu vực khác gần bờ biển Pháp hơn, như Địa Trung Hải.
Không chỉ thể hiện qua lời nói, cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu đã triển khai tàu hải quân đến biển Đông 3 lần từ đầu năm đến giờ và sẽ tiếp tục làm thế trong thời gian tới, theo ông Le Drian. Nỗi lo về an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương cũng là một trong những lý do đằng sau hợp đồng Pháp đóng số tàu ngầm hiện đại trị giá 40 tỉ USD cho Úc đạt được gần đây.
Lập trường của Pháp phần nào cho thấy ngay cả các nước châu Âu xa xôi cũng đang ủng hộ một phản ứng cứng rắn hơn để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc - động thái không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của họ trong khu vực mà còn để giữ gìn trật tự quốc tế và nền pháp trị. “Việc Liên minh châu Âu (EU) can dự nhiều hơn vào vấn đề biển Đông là điều Mỹ muốn thấy từ lâu. Thời điểm Pháp đưa ra lời kêu gọi cũng có thể đồng nghĩa chính phủ các nước thành viên EU ra mặt ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vài tuần tới” - bà Mira Rapp-Hooper, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định với tạp chí Foreign Policy về vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Bài phát biểu của ông Le Drian tại SLD còn ẩn chứa một thông điệp khác. Đó là ngay cả khi Trung Quốc tìm cách biến sức mạnh kinh tế đang tăng ở châu Âu thành những lợi thế ngoại giao, các nước lớn của lục địa già vẫn không nhắm mắt làm ngơ trước tham vọng của Bắc Kinh trên biển.
Do đó, dù EU cho đến giờ chỉ chủ yếu thúc giục giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông một cách hòa bình nhưng đề xuất của Pháp về việc tăng cường điều phối hoạt động tuần tra của EU ở vùng biển này được đón nhận tích cực. Bà Valérie Niquet, người đứng đầu chương trình châu Á tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (Pháp), nhận định đề xuất này nếu được thực thi sẽ đóng góp đáng kể vào sự ổn định của một khu vực có tầm quan trọng lớn không chỉ với EU mà còn của cả thế giới.
Bình luận (0)