xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Các phó tổng thống Mỹ quá... rảnh

Mạnh Kim

Những tưởng ngồi đến cái ghế phó tổng thống quốc gia siêu cường như Mỹ (Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ) là oai, kỳ thực là rất mờ nhạt. Rất hiếm phó tổng thống nước này có thực quyền

Mùa bầu cử tổng thống (TT) Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ lại bắt đầu nhộn nhịp. Khi ứng cử viên một đảng được chọn để đấu với người bên đảng đối thủ thì cũng là lúc người ta sẽ chọn một nhân vật liên danh tranh cử với vị trí phó TT. Điều cử tri thường thắc mắc là phó TT làm gì? Đáng chú ý ở chỗ ngay từ thời khai sinh Hiến pháp Hoa Kỳ, người ta đã chẳng màng đến vị trí phó TT - như tác giả Joel Achenbach viết trên Washington Post...

Ngay từ những ngày đầu lịch sử Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, những người soạn hiến pháp đã chẳng biết giao nhiệm vụ gì cho vị trí phó TT và chức danh này chỉ được hình thành muộn vào hè 1787, khi tiến trình soạn hiến pháp sắp kết thúc. Lúc đó, phó TT chẳng có quyền hạn gì cả. Nói theo Washington Post, ông ấy chỉ là nhân vật hoàn toàn mang tính tượng trưng, một “cái ghế có người ngồi cho ấm” và sẵn sàng bước lên phía trước nếu TT bị luận tội, bị truất quyền hoặc bị chết.

 


Dick Cheney, một trong số hiếm phó tổng thống có thực quyền trong lịch sử Mỹ

Dick Cheney, một trong số hiếm phó tổng thống có thực quyền trong lịch sử Mỹ

 

Cuối cùng, nhóm soạn hiến pháp mới cho phó TT một công việc cụ thể: “Phó TT Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ là chủ tịch Thượng viện nhưng không có quyền bỏ phiếu trừ khi số phiếu trong Thượng viện ngang nhau”. Đó là khởi đầu câu chuyện về phó TT Mỹ, một chức danh mà Phó TT đầu tiên John Adams gọi là “vị trí kém quan trọng nhất từng được tạo ra”.

Người kế nhiệm ghế phó TT của John Adams, Thomas Jefferson, tỏ ra ít quan tâm đến “trọng trách” mình đến nỗi buồn thỉu buồn thiu xách vali trở về quê nhà Monticello (gần Charlottesville, bang Virginia) vui thú điền viên.

Và rồi vị Phó TT thứ ba của nước Mỹ, Aaron Burr, đã trở nên nổi tiếng không phải bởi chính sách đối nội hay đối ngoại mà nhờ vụ... bắn gục đối thủ Alexander Hamilton trong một cuộc đấu súng rồi sau đó thậm chí cố thành lập một nước “cộng hòa” ly khai ở miền Viễn Tây với mình là “hoàng đế” tự phong!

Nhiều thập niên sau, phó TT tiếp tục là cái bóng mờ và tẻ nhạt trên những trang sử Hoa Kỳ. Thomas Marshall, phó TT thứ 28, từng nhạo vị trí mà ông đảm nhiệm khi than thở bằng một giọng kể chuyện đầy chất bi hài: “Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà nọ sống đầm ấm với nhau. Thế rồi ngày nọ, một người lên đường, đi đến tận vùng biển xa tít mù và người kia được bầu làm phó TT. Kể từ đó, chẳng ai còn nghe nói đến họ nữa...!”.

Khi được đề cử liên danh (vị trí phó TT) với ứng cử viên Zachary Taylor (TT thứ 12), Daniel Webster đã nói: “Tôi không có ý muốn được chôn cho đến khi tôi thật sự chết”.

Không có nhiệm vụ gì cụ thể và thậm chí được xem như một bóng ma vật vờ trong Nhà Trắng, chẳng trách nhiều phó TT chỉ ngồi nhà chơi với đám con cháu thay vì họp bàn việc “trị quốc, bình thiên hạ” với những thành viên nội các.

Phó TT thứ chín, Richard Mentor Johnson (thời TT Martin Van Buren), cũng chẳng có việc gì làm đến nỗi chán đời trở về quê nhà Kentucky mở một tiệm spa và một quán nhậu (Richard M. Johnson còn nổi tiếng bởi nợ nần như chúa chổm và ngoại hình lập dị với bộ tóc bù xù)...

 

Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden
Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden

 

Sau khi John Adams dự một cuộc họp với nội các năm 1791, không phó TT nào được thấy làm việc cùng với TT, cho đến khi phó TT Thomas Marshall đứng cạnh TT Wooddrow Wilson khi ông kinh lý châu Âu năm 1918 và 1919.

Người kế nhiệm Thomas Marshall, Calvin Coolidge, được đối xử tử tế hơn khi được TT Warren Harding mời dự họp. Tuy nhiên, người kế nhiệm Calvin Coolidge là Charles Dawes lại không được mời; rồi Phó TT Charles Curtis cũng bị cho ra rìa thời nội các Herbert Hoover. Mãi đến thời TT William McKinley, Phó TT Garret Hobart mới được trọng thị đôi chút.

Năm 1933, TT Franklin D. Roosevelt bắt đầu nâng cao vị trí phó TT khi mời vị này dự các phiên họp nội các. Chiếc ghế phó TT bắt đầu thật sự không còn là vật tượng trưng cho một chức danh hão vào thời Walter Mondale (phó TT thứ 42, nội các Jimmy Carter).

Với giới nghiên cứu sử chính trị Hoa Kỳ, Mondale là người đầu tiên thật sự mang lại quyền hạn nhiều hơn cho vị trí phó TT. Theo thời gian, phó TT bắt đầu được chú ý, được nội các giao nhiều nhiệm vụ hơn và có mặt trước công chúng nhiều hơn. Tùy “văn hóa hành xử chính trị” của mỗi nội các, vị trí phó TT có khi được đánh giá không thua mấy so với TT, đặc biệt thời nội các George W. Bush với sự can thiệp của Phó TT Dick Cheney.

Cũng với việc nâng cao vai trò phó TT, việc chọn liên danh tranh cử cũng bắt đầu trở nên quan trọng. Chẳng trách tại sao báo chí Mỹ từng hao tổn bút mực phân tích điểm lợi - hại trong việc chọn liên danh của hai ứng cử viên John McCain và Barack Obama.

Hơn nữa, theo thời gian, sân khấu chính trị Mỹ cũng đã thay đổi. Phó TT không là một chính trị gia “tay ngang”. Nhiều người trong số họ từng có bề dày chính trường với nhiều năm ngồi ghế dân biểu, thượng nghị sĩ hoặc thống đốc.

Cần nhấn mạnh là có đến 14 TT Mỹ từng ngồi ghế phó TT trước đó. Joe Biden, người từng ứng cử TT năm 1988 và 2008, cũng ngồi ghế thượng nghị sĩ từ năm 1973 đến khi vào Nhà Trắng năm 2009 với chức danh Phó TT. Tất cả có vẻ như lời chính Phó TT John Adams từng nói: “Hôm nay, tôi chẳng là gì và ngày mai tôi là tất cả”!

 

Cựu phó TT được hưởng lương hưu suốt đời nhưng không được chế độ bảo vệ (bởi mật vụ) suốt đời như cựu TT (nhưng họ được hưởng chế độ bảo vệ trong 6 tháng kể từ khi rời Nhà Trắng).

Có 5 phó TT Mỹ hiện còn sống: Walter Mondale, George H. W. Bush, Dan Quayle, Al Gore và Dick Cheney. Những phó TT thọ nhất là John Nance Garner (chết vào ngày thứ 15 trước sinh nhật thứ 99), Levi P. Morton (chết vào sinh nhật tuổi 96), Gerald Ford (chết ở tuổi 93), John Adams (chết ở tuổi 90).

John C. Breckinridge là người trẻ nhất nhậm chức phó TT (ở tuổi 36, khi trở thành phó TT năm 1857). Alben W. Barkley là người già nhất phục vụ ở ghế phó TT (ở tuổi 75 vào thời điểm ông rời chức vụ năm 1953).

Có 2 phó TT từng phục vụ cho 2 đời TT khác nhau: George Clinton thời TT Thomas Jefferson và James Madison; John C. Calhoun thời TT John Quincy Adams và Andrew Jackson.

Có 7 phó TT từ trần khi tại chức: George Clinton năm 1812, Elbridge Gerry năm 1814, William R. King năm 1853, Henry Wilson năm 1875, Thomas Hendricks năm 1885, Garret Hobart năm 1899, James Sherman năm 1912. Có 2 người từ chức: John C. Calhoun từ chức ngày 28-12-1832 để tranh cử Thượng viện; Spiro Agnew từ chức ngày 10-10-1973 bởi cáo buộc liên quan tham nhũng thời làm thống đốc bang Maryland. Có 3 phó TT từng là mục tiêu ám sát bất thành: Andrew Johnson, Thomas R. Marshall, Dick Cheney.

Có 5 phó TT được đắc cử TT: John Adams (nhiệm kỳ 1789-1797) được bầu TT năm 1796, Thomas Jefferson (nhiệm kỳ 1797-1801) được bầu TT năm 1800, Martin Van Buren (nhiệm kỳ 1833-1837) được bầu TT năm 1836, Richard Nixon (nhiệm kỳ 1953-1961) được bầu TT năm 1968 (Nixon là người duy nhất được bầu phó TT 2 nhiệm kỳ và TT 2 nhiệm kỳ).

Chỉ có một đời TT (Franklin D. Roosevelt) có hơn 2 phó TT (John Nance Garner, Henry A. Wallace, Harry S. Truman). Có 3 phó TT được trao giải Nobel: Theodore Roosevelt năm 1906 (thời điểm ông đã trở thành TT), Charles Gates Dawes năm 1925 và Al Gore năm 2007 (thời điểm ông đã rời chức vụ).

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo