xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Căn cứ nóng bỏng ở Okinawa

XUÂN MAI

Thống đốc tỉnh Okinawa nhấn mạnh cách duy nhất để bảo đảm sự an toàn của người dân địa phương là tất cả quân nhân Mỹ phải rời đi

Việc mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ tại tỉnh Okinawa - Nhật Bản không được chào đón giữa lúc người dân địa phương hoang mang trước hàng loạt vụ phạm tội liên quan đến binh sĩ Mỹ.

Đối đầu quyết liệt

Đi đầu làn sóng phản đối sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Okinawa là ông Hiroji Yamashiro, Chủ tịch Trung tâm Phong trào hòa bình Okinawa. Tự gọi mình là "một người thôn quê thô lỗ", ông Yamashiro không ít lần vướng vào rắc rối với chính quyền địa phương bởi lập trường chống Mỹ của mình. Nhân vật này tin rằng chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe có ý định tăng cường sức mạnh quân đội Nhật Bản và điều này chắc chắn sẽ đẩy nước này vào cuộc xung đột với những nước đang tranh chấp tài nguyên hoặc lãnh thổ. Điều đó có thể gây ra một cuộc xung đột khác, có khả năng tồi tệ hơn cuộc chiến tàn phá hòn đảo gần đây nhất.

Ông Yamashiro bị bắt giữ 3 lần, trong đó mới nhất là hồi tháng 3-2017 với cáo buộc phá hoại hàng rào dây thép xung quanh căn cứ Schwab của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Căn cứ này đang được mở rộng, trong đó có việc xây dựng thêm 2 đường băng mới. Tuy nhiên, hoạt động này đối mặt với các cuộc biểu tình diễn ra hằng ngày bên ngoài căn cứ và đám đông cố ngăn các công nhân xây dựng mang thiết bị đi vào bên trong.

Căn cứ nóng bỏng ở Okinawa - Ảnh 1.

Ông Hiroji Yamashiro tuần hành cùng nhiều người khác bên ngoài căn cứ quân sự Mỹ Schwab ở tỉnh Okinawa - Nhật Bản Ảnh: KYODO

Trong 152 ngày bị tạm giữ, ông quyết không chịu ký vào bản nhận tội phá hoại hàng rào, cản trở sự ra vào căn cứ và làm bị thương một quan chức địa phương. Ông Yamashiro chỉ được phóng thích trước sức ép của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc. Dù vậy, phiên tòa xét xử ông vẫn tiếp tục và phán quyết dự kiến được đưa ra vào ngày 14-3 tới. Phía công tố yêu cầu bản án 4,5 năm tù dành cho ông.

Trong vòng 10 tháng kể từ khi ông Yamashiro bị bắt giữ, hình ảnh lực lượng Mỹ thêm xấu đi bởi những vụ việc được giới truyền thông đưa tin đậm nét. Sự cố mới nhất xảy ra vào giữa tháng 12-2017. Khi đó, một khung cửa sổ kim loại của chiếc trực thăng vận tải CH-33 rơi xuống sân một trường học và khiến một đứa trẻ bị thương. Ông Takeshi Onaga, Thống đốc tỉnh Okinawa, nhanh chóng yêu cầu tất cả máy bay Mỹ đồn trú ở tỉnh này hoãn cất cánh.

Theo ông Onaga, vụ việc cho thấy kế hoạch đóng cửa căn cứ không quân thủy quân lục chiến Futenma và dời đến một căn cứ khác ở miền Đông Bắc tỉnh này đơn thuần là chuyển rủi ro đến đó. Vì thế, quan chức này và những người ủng hộ nhấn mạnh cách duy nhất để bảo đảm sự an toàn của người dân địa phương là tất cả quân nhân Mỹ phải rời đi.

Hàng xóm "không tốt"

Trước tai nạn trên là một loạt vụ bê bối liên quan đến binh sĩ Mỹ. Hôm 19-11-2017, theo cảnh sát địa phương, ông Hidemasa Taira, 61 tuổi, đã thiệt mạng sau khi lính thủy đánh bộ Nicholas James-McLean, 21 tuổi, lái xe tông vào xe ông. Nghi phạm sau đó bị bắt vì cáo buộc lái xe bất cẩn gây chết người trong lúc say rượu. Một ngày sau đó, quân đội Mỹ cấm mọi quân nhân ở Nhật uống rượu.

Trung tướng Lawrence Nicholson, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Okinawa, cũng cam kết tăng cường nỗ lực nhằm ngăn những sự cố liên quan đến binh sĩ nước này. Thế nhưng, Thống đốc Onaga dường như không bị thuyết phục và cho rằng người dân địa phương đã quá chán ngán với những lời hứa hẹn nhanh chóng bị phá vỡ của quân đội Mỹ. Ông nói thẳng mình không nghĩ lực lượng Mỹ là "hàng xóm tốt".

Đến ngày 1-12-2017, tòa án quận Naha kết án cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Kenneth Franklin tù chung thân vì sát hại một cô gái 20 tuổi trong lúc cố cưỡng hiếp nạn nhân. Vụ án xảy ra ở TP Uruma tối 28-4-2016. Với người dân Okinawa, những vụ việc như thế không khỏi khiến họ nhớ lại những tội ác tương tự trong quá khứ.

Theo thống kê của cảnh sát tỉnh Okinawa, có đến 741 vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến binh sĩ, nhân viên dân sự thuộc lực lượng Mỹ hoặc người thân của họ bị điều tra từ năm 1972 đến cuối năm 2015. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), 574 trường hợp đã bị kết án, trong đó có 129 vụ hãm hiếp, 394 vụ trộm và 26 vụ giết người.

Gây chấn động nhất có lẽ là vụ 3 quân nhân Mỹ bắt cóc và cưỡng hiếp một bé gái 12 tuổi hồi tháng 9-1995. Vụ việc đã dẫn đến những cuộc biểu tình lớn chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, với hàng chục ngàn người biểu tình kêu gọi sửa đổi Hiệp ước về quy chế các lực lượng Mỹ (SOFA). Ông Onaga cũng tận dụng chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono tại tỉnh này vào đầu tháng 12 năm ngoái để yêu cầu sửa đổi SOFA. "Người dân ở Okinawa bị sốc và lo lắng tột độ" - ông Onaga nhấn mạnh tại cuộc gặp ông Kono.

Thống đốc tỉnh nói thêm rằng người dân địa phương chỉ trích hiệp ước không công bằng và bảo vệ quá mức đối với binh sĩ, nhân viên Mỹ liên quan đến các vụ phạm tội hoặc tai nạn. Vài ngày sau cuộc gặp, sự cố liên quan đến chiếc trực thăng vận tải CH-33 chỉ càng châm thêm dầu vào lửa. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo