xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Châu Á sôi sục “cuộc chiến cá”

HUỆ BÌNH

Căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông càng tăng khi ngư trường dần cạn kiệt nguồn hải sản

Hôm 17-8, tức vào ngày Độc lập của Indonesia, nhà chức trách nước này cho đánh chìm 60 tàu cá, hầu hết treo cờ nước ngoài, bị cáo buộc đánh bắt trái phép.

Cá là quyết sách

Con số trên nâng tổng số tàu cá bị đánh chìm lên 236 kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền hồi tháng 10-2014. Theo quan điểm của ông Widodo, đây là “liệu pháp sốc” để hạn chế nạn đánh bắt cá bất hợp pháp khiến Indonesia bị thiệt hại 20 tỉ USD mỗi năm. Đối mặt mối đe dọa từ sự “xâm lấn” của tàu cá Trung Quốc đối với lãnh hải Indonesia, ông Widodo càng có thêm lý do để ứng phó cứng rắn hơn.


Hải quân Indonesia đánh chìm tàu nước ngoài đánh cá trái phép Ảnh: REUTERS

Hải quân Indonesia đánh chìm tàu nước ngoài đánh cá trái phép Ảnh: REUTERS

Indonesia không phải ngoại lệ trong cuộc chiến bảo vệ nguồn tài nguyên biển trước sự dòm ngó của tàu cá Trung Quốc. Hồi tháng 3-2016, khoảng 100 tàu Trung Quốc có tàu hải cảnh đi theo bảo vệ bị phát hiện gần khu vực bãi cạn Luconia, nơi được Malaysia xem là một phần lãnh thổ mình. Chính phủ Malaysia nhanh chóng triển khai các đơn vị của Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải và Hải quân đến đó. Đến tháng 5, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bắt giữ 10 người Trung Quốc vì khai thác trái phép san hô đen quý hiếm gần đảo Camiguin.

Theo nhận định của tạp chí Nikkei Asian Review, sự căng thẳng tại khu vực tranh chấp ở biển Đông những năm gần đây tập trung quanh ngư dân, thay vì các đơn vị quân đội. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã khuyến khích ngư dân đánh bắt xa hơn ở biển Đông. “Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới và chúng đang được sử dụng để khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông” - GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề hàng hải và Luật Biển thuộc Trường ĐH Philippines, nhận xét.

Ông Trương Hồng Châu, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cũng cho rằng thủy sản mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông. Vì thế, không có gì khó hiểu khi những ngư dân ở thị trấn Đàm Môn, đảo Hải Nam đóng vai trò rất quan trọng trong tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Nikkei Asian Review dẫn lời một ngư dân tự xưng là họ Lý, 70 tuổi, kể rằng hồi còn đi biển, công việc của ông không chỉ bắt cá. Chính quyền Bắc Kinh trợ cấp cho các ngư dân đi đánh bắt xa bờ, xây dựng lực lượng “dân quân biển” nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên biển Đông. “Khi được chính quyền yêu cầu ra biển Đông, ngư dân ở Đàm Môn phải khoác lên mình trang phục của dân quân và ra khơi” - ông Lý cho biết.

Mối nguy lớn từ Trung Quốc

Trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông lâu nay, người ta thường nói nhiều đến nguồn tài nguyên dầu khí. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tiềm năng dầu khí tại đó đã bị thổi phồng. Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ), nhận định cá mới là nguyên nhân lớn hơn (dầu khí) trong việc khiến tranh chấp leo thang ở khu vực.

Điều này cũng đúng ở biển Hoa Đông, nơi từng cung cấp hải sản dồi dào cho ngư dân Nhật Bản trước khi mọi chuyện thay đổi trong thập kỷ qua. Ông Toshiro Nomura, 67 tuổi, cho biết ông sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh cá ở quần đảo Goto thuộc tỉnh Nagasaki - Nhật Bản. Cha ông thành lập một công ty đánh cá vào năm 1961 và hoạt động đánh bắt dễ dàng. Ông Nomura tiếp quản công ty năm 2005 nhưng buộc phải đóng cửa 9 năm sau đó bởi “không có hy vọng nào cho tương lai”.

Ngoài chuyện sản lượng khai thác giảm và chi phí hoạt động tăng, lý do lớn và chủ yếu nhất là làn sóng tàu cá Trung Quốc không thể ngăn chặn được ở biển Hoa Đông. Ông Nomura than thở: “Chúng tôi bị tàu Trung Quốc cản trở rất nhiều”. Theo ông, việc một “hạm đội” gồm 200-300 thuyền cá Trung Quốc xông vào ngư trường truyền thống của ngư dân Nhật Bản không còn là chuyện lạ. Các thuyền Trung Quốc dày đặc đến nỗi thuyền của ông Nomura không thể vượt qua. “Nếu chúng ta để tình hình biển Hoa Đông như hiện tại, tất cả cá trong khu vực này sẽ là của Trung Quốc” - ông Nomura cảnh báo.

Thái độ ngang ngược của tàu cá Trung Quốc còn thể hiện ở vùng biển của Hàn Quốc. Sau vụ tàu Cảnh sát biển Hàn Quốc bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 10, Seoul tỏ ra kiên quyết và mạnh tay. Mới đây, lực lượng chức năng Hàn Quốc đã xả 600-700 viên đạn súng máy M60 để bắt bằng được 2 tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo