xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiến tranh thương mại Nhật- Trung: Kinh tế thế giới bị vạ lây

NGUYỄN CAO

Nếu xảy ra chiến tranh thương mại Nhật - Trung, kinh tế thế giới sẽ đứng trước một đợt “sóng thần” với những hậu quả khó lường

Đó là nhận định của bà Janet Hunter,  nhà sử học kinh tế Trường Đại học London, trên đài truyền hình Pháp France 24.
Nếu cuộc xung đột về  quần đảo Senkaku/Điếu Ngư biến thành một cuộc chiến thương mại thì toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ gánh lấy hậu quả. Bởi, theo bà Janet Hunter, tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay phụ thuộc  vào châu Á, vùng đất duy nhất còn giữ tốc độ tăng trưởng khá. Trung Quốc và Nhật Bản lại là cường quốc  kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới.

Sẽ thiếu iPad, iPhone

Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal (WSJ) cũng cho rằng  các nền kinh tế phương Tây vốn đang èo uột trông cậy nhiều vào thị trường châu Á để phục hồi. Nếu hoạt động kinh tế của hai cường quốc kinh tế châu Á sụt giảm thì chưa biết chừng nào thế giới mới có thể thoát khỏi cuộc khủng  hoảng kinh tế - tài chính kéo dài từ năm 2008.

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc hoặc Đức có nhà máy ở Trung Quốc hoặc Nhật Bản cần vật liệu sản xuất tại hai nước này” - WSJ nhấn mạnh. Thương mại Nhật - Trung ngưng trệ cũng khiến người tiêu dùng phương Tây  thiếu những mặt hàng mà họ rất ưa chuộng như xe hơi Nhật,  điện thoại  iPhone, máy tính bảng iPad và các món hàng điện tử khác.

Trên đài phát thanh Tiếng nói Nước Nga, nhà chính trị học Sergei Kurginian phân tích: “Đừng quên rằng Nhật là một phần không thể thiếu của thị trường thế giới. Người Nhật sản xuất phần lớn các sản phẩm điện tử chất lượng cao. Sự giảm sút hoặc trì trệ trong lĩnh vực này có thể tạo ra một sự thiếu hụt nghiêm trọng, có thể gia tăng khủng hoảng thế giới”.

img

iPhone, iPad sẽ thiếu hụt nếu xảy ra chiến tranh thương mại Nhật - Trung. Ảnh: CNET

Công ty Citibank Global Markets  đưa  thêm một dẫn chứng cụ thể: “Trung Quốc nhập khẩu 60% hàng – chủ yếu là phụ kiện và bộ phận rời - từ Nhật Bản  để sản xuất thành phẩm tái xuất sang các nước. Chiến tranh thương mại nổ ra, cỗ máy sản xuất Trung Quốc  sẽ ngưng trệ, ảnh hưởng đến cả thế giới”.

Thị trường tài chính thế giới cũng có nguy cơ bất ổn trước cuộc chiến giữa hai ông khổng lồ châu Á. Bà  Hunter kết luận: “Cái mà họ cần là sự ổn định dù là tương đối để còn nhìn thấy vốn đầu tư của họ sinh lợi. Một trận chiến thương mại Nhật -  Trung sẽ tạo ra một bầu không khí u ám rất bất lợi”.

Cơ hội cho Đông Nam Á

Greg Nance, một doanh nhân Mỹ ở Thượng Hải, chuyên nghiên cứu về chiến lược đồng minh Mỹ ở Đại học Chicago, đánh giá trong bài xã luận đăng trên tờ The Seattle Times rằng cuộc xung đột chính trị, kinh tế hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản giống như một trận cuồng phong có thể tàn phá nền kinh tế châu Á. Hai nước này, vốn là đầu tàu kinh tế trong khu vực, nếu vướng vào một trận chiến thương mại chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng về kinh tế bởi cả hai gần như phụ thuộc vào nhau hoàn toàn. 

Từ đánh giá trên, ông Nance yêu cầu Mỹ cần đứng ra làm trung gian giải quyết cuộc xung đột giữa hai nước nếu không muốn  giao thương ở châu Á bị tê liệt đồng thời kinh tế thế giới cũng bị vạ lây.

Trong thách thức cũng có cơ hội mà Philippines là nước đang đi đầu trong khối ASEAN. Trước viễn cảnh doanh nghiệp Nhật  có thể  tháo chạy khỏi Trung Quốc để tránh làn sóng  người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật và cuộc tranh chấp chính trị chưa có dấu hiệu đấu dịu, Philippines  hứa hẹn sẽ ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp Nhật.

Thứ trưởng Ngoại thương Philippines, ông Cristino Panlilio, khẳng định “Philippines không muốn trục lợi trên sự đau khổ của người khác”. Tuy nhiên, ông hy vọng sắp tới sẽ đón chào khoảng một chục doanh nghiệp Nhật.

Myanmar cũng là nước muốn Nhật đầu tư mạnh. Tokyo đã quyết định xóa 3 tỉ trong số 5 tỉ USD nợ của Myanmar. Ngày 15-10 này, hãng hàng không  All Nippon Airlines sẽ khai trương đường bay giữa thủ đô Myanmar và Tokyo - một dấu hiệu đáng khích lệ đối với Myanmar.

Khó xảy ra chiến tranh

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật chưa tính đến khả năng dời nhà máy ở Trung Quốc sang các nước khác. Một quan chức  cao cấp Nhật  giải thích: “Nhật không khuyến khích các doanh nghiệp nên hay không nên dời nhà máy. Thế nhưng, điều này vẫn có thể xảy ra dựa vào tình hình cụ thể. Chính doanh nghiệp tự rút ra bài học và tự quyết định”.

Quan hệ ngoại giao Nhật - Trung đã tròn 40 năm. Trong khoảng thời gian đó, hai nước từng xung đột với nhau không ít lần  về các vấn đề lịch sử và lãnh thổ. Tuy nhiên, những vụ va chạm này chưa bao giờ ảnh hưởng nặng tới mối quan hệ thương mại song phương. Trái lại, nó không ngừng phát triển.

Năm 2011, giao thương với Nhật chiếm 8,5% ngoại thương Trung Quốc.  Đầu tư của Nhật vào Trung Quốc cũng tăng 50% trong khi xuất khẩu vào nước này cũng tăng 10%. Riêng trong năm nay, trong khi đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm  thì đầu tư của Nhật tăng 16%. Bởi vậy, theo nhận định trang tin Tài chính Trung Quốc, khó xảy ra chiến tranh thương mại Nhật-Trung bởi cái giá phải trả quá lớn, còn lớn hơn chiến tranh quân sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo