xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chín dấu hiệu Mỹ sẽ đánh Iran

THẢO HƯƠNG

Từ đầu mùa hè năm nay, giới ngoại giao phương Tây sôi động hẳn lên. Trọng tâm của các hoạt động này là Trung Đông, nhất là Iran, mục tiêu sắp tới của Mỹ. Ông Atwan tiên đoán sẽ có một đợt leo thang về chính trị, ngoại giao, truyền thông và quân sự chưa từng thấy nhắm vào Iran, nhất là vào chương trình hạt nhân của nước này

Nhiệm kỳ hai của Tổng thống (TT) George W. Bush không còn bao lâu nữa và ông Bush phải giải quyết hồ sơ Iran trước khi ông rời Nhà Trắng. Theo ông Atwan, ngoại trừ một sự thay đổi ngoạn mục kiểu Libya hoặc CHDCND Triều Tiên – điều khó tưởng tượng dưới trướng TT Ahmadinnejad - những diễn biến gần đây cho thấy khả năng diễn ra một cuộc chiến kiểu Iraq, Afghanistan là không nhỏ. Tựu trung có 9 dấu hiệu đang chú ý sau đây:

Holocaust hạt nhân

Dấu hiệu thứ nhất là tuyên bố của TT Bush khi đề cập tới chương trình hạt nhân của Iran. Ông cảnh cáo rằng sẽ có một “Holocaust hạt nhân” (Holocaust chỉ sự kiện hàng triệu người Do Thái bị Hitler tàn sát hồi thế chiến thứ hai) nếu Iran cứ tiếp tục chương trình làm giàu uranium bất chấp các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc và nhất là lời cảnh cáo của Mỹ. Với tuyên bố này, TT Bush chuẩn bị dư luận trong nước, kể cả dư luận quốc tế, khi Mỹ quyết định dùng vũ khí hạt nhân để xử tội Iran.

Dấu hiệu thứ hai đến từ nước Pháp. TT Sarkozy bắt đầu thay thế vị trí của thủ tướng Anh Tony Blair vốn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ. Nước Pháp từ bỏ lập trường của cựu TT Chirac và hậu thuẫn chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Sau kỳ nghỉ hè ở Mỹ về, trước mặt 188 vị đại diện cho nước Pháp ở nước ngoài , ông cảnh cáo Iran không nên vượt qua lằn mức đỏ hạt nhân và Iran sẽ bị ném bom nếu không từ bỏ tham vọng thủ đắc vũ khí hạt nhân. Chủ nhật trước, ngoại trưởng Bernard Kouchner đã làm cả thế giới rúng động khi ông tuyên bố trên đài truyền hình LCI và đài phát thanh RTL: “Chúng ta cần chuẩn bị đón nhận điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ đó là chiến tranh (chống Iran)”.

Dấu hiệu thứ ba là tiết lộ của nhà báo Mỹ Seymour Hersh trong một cuộc gặp gỡ các đồng nghiệp Pháp cách đây vài tuần ở Paris. Hersh cho biết theo các nguồn tin đáng tin cậy ở Nhà Trắng thì chính quyền ông Bush đã quyết định rồi. Phe diều hâu của Phó TT Cheney đã thắng và ngày khai chiến đang được đếm ngược.

Dấu hiệu thứ tư là trên nhật báo The New York Times, William Burns, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho rằng đa số các nước Hồi giáo theo phái Sunni coi Iran là mối đe dọa cho sự ổn định khu vực vì ủng hộ khủng bố. Burns còn quả quyết rằng các nước quân chủ dầu lửa vùng Vịnh thậm chí còn coi Iran là mối đe dọa nguy hiểm hơn Israel.

Khả năng cuối cùng

Mỹ vừa bổ sung lực lượng vệ binh cách mạng Iran vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế. Đồng thời Washington cao giọng tố cáo Iran ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Iraq và Al-Qaeda làm cho số thương vong của lính Mỹ ngày càng nặng nề hơn. Đây là dấu hiệu thứ năm.

Dấu hiệu thứ sáu là Ả Rập Saudi vừa ký với một công ty Mỹ một hợp đồng trị giá 5 tỉ USD để huấn luyện 35.000 lính Ả Rập Saudi bảo vệ những cơ sở dầu lửa của nước này. Cách đây một năm, Al-Qaeda đã tấn công những cơ sở này nhưng không vào được khu vực an ninh cao. Ả Rập Saudi thừa hiểu rằng Iran có thể cho máy bay trang bị tên lửa Shihab do một cảm tử quân lái phá banh những cơ sở vừa kể, cắt đứt nguồn xuất khẩu dầu của Ả Rập Saudi.

Dấu hiệu thứ bảy: Mỹ vội vã chuẩn bị một hội nghị hòa bình quốc tế về Trung Đông sẽ được tổ chức vào mùa thu này. Đồng thời, họ thúc ép hai TT Palestine và Israel gặp nhau để loan báo một hòa ước trên nguyên tắc. Nếu thành công, Mỹ hy vọng các nước Sunni sẽ đứng về phe Mỹ và Israel để chống lại Syria, Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine là những đồng minh của Iran. Lúc đó, Mỹ sẽ có cớ để xử lý Iran.

Dấu hiệu thứ tám là TT Bush trước khuyên thủ tướng Iraq phải từ chức nhưng sau đó lại nói tốt cho ông này. Cách giải thích hợp lý nhất cho sự thay đổi đột ngột này là những kế hoạch tấn công Iran đã chín muồi và Mỹ cảm thấy không có đủ thời gian để thay đổi Chính phủ Iraq giữa đường.

Dấu hiệu thứ chín là Anh rút quân ở Basra về nước. Có hai cách lý giải động thái này: Thứ nhất, Anh không còn tin vào chiến thắng của Mỹ ở Iraq. Thứ hai, Anh sợ quân mình lãnh đủ hậu quả khi Iran đánh trả sau khi bị Mỹ tấn công. Basra ở gần biên giới Iran nhất, vì vậy nó là mục tiêu lý tưởng cho Iran trả đũa.

Cả hai chiến trường Afghanistan và Iraq hiện nay, đối với Mỹ, là một sự thất bại vì chưa đạt được mục tiêu ban đầu là sau khi đánh đổ Taliban và Saddam Hussein, cả hai nước này đều yên bình. Iran – theo phân tích của ông Atwan – trở thành khả năng cuối cùng để TT Bush gỡ gạc thanh thế và giúp Đảng Cộng hòa thắng lợi trong những cuộc bầu cử sắp tới. Dẫu cho ông thất bại đi nữa thì tên lửa Iran cũng không bay tới nước Mỹ. Chỉ có Tel-Aviv, Riyad hoặc Dubai là chịu thiệt mà thôi.

Iran: Chỉ là chiến tranh tâm lý

Liệu Tehran có coi trọng những lời đe dọa của Mỹ và mới đây là của Pháp hay không? Cho tới nay, những phản ứng của Iran cho thấy các nhà lãnh đạo nước này không tin rằng Mỹ dám tấn công Iran.

Nhật báo Jomhuri-ye Islami, xuất bản tại Tehran, viết xã luận: “Người Iran tin rằng Mỹ quá bận ở Iraq và Afghanistan cho nên không thể làm gì với Iran”.

Tổng thống Ahmadinejad tỏ ra hoàn toàn tự tin khi cho rằng sẽ không bao giờ có chuyện Liên Hiệp Quốc ban hành những lệnh cấm vận mới về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Theo nhận định của đài BBC, ban lãnh đạo Iran tin rằng những lời cảnh cáo đến từ Washington, và mới đây từ Paris, chỉ là trò chiến tranh tâm lý. Thậm chí hồi cuối tuần rồi, Ayatolah (thủ lĩnh cao cấp) Khameini tố cáo TT Bush là “tội phạm chiến tranh”. Ông còn thường nói với những người thân cận rằng chỉ có hai nước chống lại chương trình hạt nhân của Iran: Mỹ và Anh. Iran không tính Israel vì họ không công nhận Nhà nước Israel.

Hầu hết báo chí Iran đã đưa tin rất đậm những cuộc biểu tình phản chiến mới đây ở Washington. Theo họ, đây là bằng chứng cho thấy dư luận Mỹ sẽ không cho phép chính quyền ông Bush tấn công Iran.

Chiến thuật hiện nay của Iran là nắm chắc Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA) bằng cách duy trì những cuộc thương thuyết. Họ tin rằng chiến thuật này có thể đội chiếc vòng kim cô lên đầu những con diều hâu ở Washington vì nhận được sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc , hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết.

Thế cù cưa nói trên của Iran ít nhất có thể kéo dài hai, ba tháng. Trong thời gian đó sẽ diễn ra khối cuộc thương thảo song phương, đa phương và Iran sẽ được thảnh thơi tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.

Cũng trong thời gian nói trên, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng công kích Iran. Lập luận của Washington: Iran là nguyên nhân mọi sự bạo loạn ở Iraq và Afghanistan .

Theo nhận định của một số chuyên gia, chuyện Mỹ và Iran bất đồng sâu sắc (về chương trình hạt nhân của Iran) không quan trọng bằng chuyện cả hai hoàn toàn coi thường những ý định của nhau. Và đây là cách mà những cuộc chiến tranh bắt đầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo