xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có phải Gandhi mới ?

THẢO HƯƠNG

Trên các diễn đàn của ông Anna Hazare, đằng sau lưng ông thường chiếu hình ảnh ông Mahatma Gandhi, nhà đấu tranh chính trị bất bạo động lừng danh. Liệu ông Hazare có phải là một Gandhi mới của thế kỷ XXI ?

Nhìn cách ăn mặc giản dị của ông Hazare, nhiều người Ấn Độ bồi hồi nhớ đến “thánh” Gandhi. Cũng chiếc mũ trắng và bộ quần áo bằng vải trắng 100% cotton đó. Cũng một phương thức tuyệt thực, cũng một lực hấp dẫn mãnh liệt tạo nên cả một phong trào quần chúng đông đảo. Cụ thể hôm nay là phong trào chống tham nhũng, một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội Ấn Độ.

Một đời chống tham nhũng

Ông Anna Hazare sinh năm 1937 tại một vùng quê bang Maharashtra. Ông ngưỡng mộ Mahatma Gandhi nhưng người có ảnh hưởng nhiều nhất đến tư tưởng hành động của ông là Swami Vivekananda, một nhà cải cách Ấn Độ nổi tiếng ở thế kỷ XIX.

Ông Hazare tình cờ phát hiện những bài giảng của ông Vivekananda trong thời gian 15 năm phục vụ quân đội.  Sau khi chết hụt trong một lần đóng quân ở biên giới Pakistan, ông nguyện cả đời phụng sự công tác xã hội. Sau khi giải ngũ, ông Hazare trở về quê nhà Maharashtra làm công tác xã hội.

Tiểu sử chính thức của ông Hazare ghi rõ ông được nhà nước hai lần trao tặng giải thưởng công dân cao quý nhất, trong đó có giải thưởng Padma Bhushan năm 1992 nhờ có công xây dựng  “làng kiểu mẫu” Ralegan Siddhi, huyện Ahmednagar, bang Maharashtra. Mô hình phát triển làng kiểu mẫu này đã được nhân rộng sang các bang khác.

Từ thập niên 1990, ông Hazare dấn thân vào phong trào chống tham nhũng. Ông bắt đầu từ quê nhà. Nhiều cuộc biểu tình tuyệt thực đã được ông tổ chức thực hiện chống các quan tham địa phương. Kết quả, nhiều ông quan mất chức trong sự ấm ức.

Đồng thời ông cũng bị phản công với những lời tố cáo ông… tham nhũng. Cụ thể, có lần ông bị tố giác dùng một trong các quỹ tín thác để tổ chức mừng sinh nhật ông. Vụ việc khiến chính quyền bang Maharashtra thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt. Theo kết luận điều tra, có một số sai phạm về chi tiêu nhưng ông Hazare không bị kết tội tham nhũng.

img
Ông Anna Hazare trên một diễn đàn chống tham nhũng với phông nền ảnh chân dung  ông Mahatma Gandhi. Ảnh: Reuters
Mùa xuân năm 2011, tiếng tăm ông Hazare vang dậy khắp nước sau khi ông đến thủ đô New Delhi yêu cầu  chính phủ thông qua một dự luật cho phép thành lập Lokpal, cơ quan thanh tra chống tham nhũng độc lập có nhiều quyền hạn. Để gây áp lực, ông tuyệt thực. Hành động của ông thu hút hàng trăm ngàn người ủng hộ. Chẳng mấy chốc, báo chí Ấn Độ xếp ông vào danh sách những người có ảnh hưởng lớn nhất ở Ấn Độ trong lĩnh vực xã hội.
Thật vậy, ông Hazare đã làm một việc đáng nể là san bằng những khác biệt giữa các tầng lớp xã hội, tôn giáo và nghề nghiệp. Phong trào chống tham nhũng của ông đã tập hợp  được nhiều thành phần từ các tiểu thương, các bà nội trợ, viên chức nhà nước đến luật gia, tín đồ Hồi giáo và Ấn giáo. Họ tụ tập tại India Gate (khải hoàn môn Ấn Độ) ở thủ đô đốt nến, cầu nguyện như ông cha họ từng làm cách đây 64 năm theo lời kêu gọi của “Thánh Gandhi”.
Hồi đó, ông Gandhi với chủ trương bất bạo động đã thắng lớn, giành được độc lập cho nước nhà, còn hôm nay mọi người hy vọng ông Hazare sẽ thành công trong việc chống tham nhũng. Họ cũng có mặt tại Bombay và các đô thị lớn nhỏ khác của Ấn Độ hô to khẩu hiệu “Anna là Ấn Độ, Ấn Độ là Anna”.

Không giống Gandhi

Hôm qua, 27-8, hạ viện Ấn Độ đã bắt đầu thảo luận nội dung dự luật Lokpal chống tham nhũng trong một phiên họp đặc biệt nhằm thuyết phục ông Hazare chấm dứt cuộc tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ 12.

Trước đó ngày 26-8, hạ nghị sĩ Rahul Gandhi, con trai của Chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi, người có nhiều khả năng trở thành thủ tướng Ấn Độ trong tương lai, đã bắt đầu lên tiếng về cuộc tuyệt thực của ông Hazare và vấn đề chống tham nhũng.

Đầu tiên, ông Rahul hoan nghênh yêu cầu  phải có luật chống tham nhũng hữu hiệu của ông Hazare. Tuy nhiên theo ông, chỉ một văn bản luật không thôi không thể giải quyết được vấn đề tham nhũng. Ông cũng chỉ trích cuộc tuyệt thực của ông Hazare là “một tiền lệ nguy hiểm cho dân chủ”. Trên tờ The Hindu, cây bút Prabhat Patnaik phê phán tư tưởng cực đoan của ông Hazare, ví hành động tuyệt thực của ông này chẳng khác nào “kê họng súng vào đầu chính phủ và quốc hội”.

Theo ông  Rahul, vấn đề rất phức tạp, phải có một loạt cải cách luật, bao gồm cả việc thay đổi phương thức gây quỹ tranh cử và  minh bạch của những hợp đồng kinh tế của chính phủ.

Tushar Gandhi, cháu cố của ông Gandhi, cũng nói mặc dù dùng chung phương thức tuyệt thực, mục đích của ông Hazare không giống ông Gandhi. Ông Anna tuyệt thực để buộc chính phủ đầu hàng trong khi ông Gandhi nói rõ  “cuộc tuyệt thực của tôi là một hành động của thương yêu giúp một người bạn trở lại con đường ngay thẳng chứ không nhằm đánh bại kẻ thù”.

Một số người cũng phê phán dự luật Lokpal soạn thảo theo ý ông Hazare là phản dân chủ. Lokpal trở một thể chế độc lập không ai giám sát, các thành viên không phải là người được đề cử một cách dân chủ.

Không phải bây giờ mà trong 43 năm qua Quốc hội Ấn Độ đã từng thông qua các dự luật chống tham nhũng kiểu Lokpal nhưng chẳng đi tới đâu. Tờ báo kinh tế The Economic Times cho biết dự luật đầu tiên được xem xét tại quốc hội vào năm 1968 dưới trào nữ thủ tướng Indira Gandhi. Năm 1969, dự luật được thông qua nhưng sau đó hạ viện bị giải tán, dự luật cũng chết theo. Trong những năm 1971, 1977, 1985, 1989, 1996, 1998 và 2001, quốc hội cũng thông qua các dự luật Lokpal nhưng vì nhiều lý do khác nhau tất cả đều chết yểu.

Dự luật Lokpal đang được thảo luận là cái thứ 9 đầy những dị biệt khó dung hòa giữa chính phủ và ông Hazare.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo