xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đằng sau cái chết của Akhtar Mansour (*): Người bí ẩn

NGUYỄN CAO

Cho đến lúc giáo sĩ Akhtar Mansour chết đi, dưới mắt người Mỹ và người Afghanistan, thủ lĩnh Taliban đời thứ hai này vẫn là một ẩn số

Chính thức mà nói, giáo sĩ Akhtar Mansour được bầu làm thủ lĩnh tối cao Taliban ngày 29-7-2015. Song trên thực tế, tình báo Mỹ tin rằng y đã nắm quyền điều hành Taliban kể từ ngày người sáng lập tổ chức khủng bố khét tiếng này là giáo sĩ “độc nhãn” Mohammed Omar qua đời - một sự kiện ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

Những góc khuất

Nguồn tin chính thức của Taliban - đưa ra muộn hơn 2 năm - cho biết giáo sĩ Omar chết vì bạo bệnh ngày 23-4-2013. Tuy nhiên, theo Fidai Mahaz, một nhóm Taliban ly khai, giáo sĩ Omar đã bị giết vào tháng 7-2013 trong lúc nằm chữa bệnh ở Karachi - Pakistan, trong một cuộc đảo chính do Mansour cầm đầu. Mansour Dadullah, một thủ lĩnh Taliban ly khai chống Mansour, cũng xác nhận giáo sĩ Omar bị giết. Thế nhưng, thông tin này đã bị giáo sĩ Yaqoob, con trai lớn của Omar, bác bỏ.

Giáo sĩ Akhtar Mansour. (Nguồn Taliban)
Giáo sĩ Akhtar Mansour. (Nguồn Taliban)

Trong hơn 2 năm “tranh tối tranh sáng” nêu trên, Mansour mượn danh giáo sĩ Omar ban hành các chỉ thị trên website chính thức của Taliban và trong nội bộ, theo hướng củng cố địa vị, ra sức tranh chức lãnh đạo tổ chức Taliban với nhiều đối thủ rất nặng ký - nhất là giáo sĩ Yaqoob, người mà theo lẽ thường phải là người kế nhiệm cha mình. Làm thế nào mà Mansour làm được điều đó cũng chưa rõ.

Lý lịch của Akhtar Mansour là một đề tài từng gây tranh cãi. Các chuyên gia phương Tây bất đồng ý kiến về ngày sinh tháng đẻ và quê quán của y. Các năm sinh được liệt kê tuần tự là 1960, 1963 và 1965. Trong khi đó, theo tiểu sử chính thức của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA) thời Taliban cai trị Afghanistan (1996-2001) thì Mansour - đồng hương của giáo sĩ Omar - sinh năm 1968 tại làng Kariz hoặc Band-i-Taimoor thuộc huyện Maiwand, tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Về sắc tộc của Mansour, cũng có 2 nguồn tin khác nhau. Ahmed Rashid - một nhà báo lão thành Pakistan, tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng về Pakistan, Afghanistan và Trung Á - khẳng định Mansour thuộc bộ tộc Alizai nhưng có nguồn nói y thuộc bộ tộc Ishaqzai. Cả 2 bộ tộc này đều là dòng dõi đế quốc Durrani của người Pashtun.

Khi 17 tuổi, Mansour đã tham gia phong trào thánh chiến chống Liên Xô ở Afghanistan trong hàng ngũ nhóm Mohammad Nabi Mohammad dưới trướng Mohammed Omar. Chiến tranh kết thúc, Mansour và Omar học trường “Đại học Thánh chiến” Darul Uloom Haqqani ở Pakistan.

Ngôi sao Akhtar Mansour bắt đầu sáng chói một cách khó hiểu từ giữa thập niên 1990 khi Taliban chiếm được Kabul, tự xưng là Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Y được thủ lĩnh tối cao Mohammed Omar bổ nhiệm làm bộ trưởng hàng không và du lịch. Đây là chức vụ “có tiếng mà không có miếng” bởi Taliban chỉ có vài chiếc máy bay dân dụng, còn Afghanistan lúc đó là quốc gia “kín cổng cao tường” nhất trong khu vực. Tại sao Mansour được Omar tín nhiệm cao cũng là một câu hỏi không dễ trả lời.

“Cơ hội và khó đoán”

Đó là nhận xét về Mansour của giáo sĩ Salaam Alizai - một người thân cận giáo sĩ Omar thời chính phủ IEA, hiện làm việc cho chính phủ đương thời Kabul từ 8 năm nay. Khó đoán là một từ nhẹ nhàng. Có thể nói, Mansour mưu mẹo và gian xảo hơn người. Hai sự kiện dưới đây là minh chứng.

Năm 2001, Mansour từng quy hàng và xin tổng thống Hamid Karzai ân xá. Thực chất, đây là một cuộc trá hàng và ông Karzai đã sập bẫy. Tuy nhiên, người Mỹ không tin Mansour và một số thủ lĩnh Taliban khác dễ dàng từ bỏ tham vọng tái chiếm Afghanistan.

Lúc đó, theo tài liệu mật của Washington rò rỉ năm 2006, Mansour được giáo sĩ Omar giao trách nhiệm đứng đầu chính phủ đối lập ở Kandahar. Khi Mansour chạy qua Pakistan, tham gia chỉnh đốn lại Taliban thành một tổ chức nổi dậy chống chính phủ Kabul, đặc nhiệm Mỹ từng nhiều lần tổ chức bắt cóc y vào ban đêm nhưng không thành.

Sự kiện thứ hai không kém phần ly kỳ xảy ra năm 2010 khiến người Mỹ lúc đầu mừng rỡ nhưng sau đó nổi điên. Một hôm, có một người tự xưng là giáo sĩ Mansour liên hệ với người Mỹ và chính phủ Kabul nói Taliban sẵn sàng tham gia hòa đàm, hòa giải. Mỹ và chính phủ Kabul phấn khởi chấp nhận ngay vì kẻ tự xưng là giáo sĩ Mansour chỉ đưa ra yêu cầu hết sức khiêm tốn để chấm dứt cuộc nổi dậy: Ân xá thủ lĩnh các cấp và tạo việc làm cho lính Taliban khi hòa bình lập lại. Lực lượng liên quân NATO do Mỹ cầm đầu hứa cung cấp tiền bạc và sẵn sàng đem máy bay rước y đến Kabul để tiến hành hòa đàm.

Thế nhưng, kẻ tự xưng là Mansour biến mất ngay sau đó, không thể liên lạc được. Đến lúc này, Kabul và Washington mới té ngửa vì biết mình bị gạt. Trong khi đó, Mansour thật bắt đầu tỏa sáng, thăng quan tiến chức vù vù, leo lên cấp bậc cao nhất của Taliban vào năm 2015.

Nhổ được cái gai trong mắt, tất nhiên người Mỹ vui mừng hơn ai hết bởi mấy tháng gần đây, giáo sĩ Mansour làm cho họ mất ăn mất ngủ với những cuộc tấn công khủng bố táo tợn nhắm vào các mục tiêu của Mỹ lẫn đồng minh ở Kabul và các thành phố lớn khác.

Năm ngoái, tiếng tăm của Mansour càng vang dội khi Taliban hoành hành ở miền Bắc Afghanistan, chiếm được thành phố quan trọng Kunduz và lần đầu tiên, trong 14 năm nổi dậy chống lại liên quân NATO và chính quyền Kabul, cắm cờ Taliban trên tòa thị chính thành phố này. Mansour cũng là người phá đám cuộc hòa đàm hòa giải giữa chính phủ Afghanistan và Taliban bằng nhiều cách khiến Mỹ đi đến quyết định đoạt mạng y.

Kỳ tới: Akhundzada và tương lai Taliban

Ma túy và ISI

Nếu giáo sĩ “độc nhãn” Mohammed Omar sống ẩn dật và khắc khổ thì giáo sĩ Akhtar Mansour là một thủ lĩnh thánh chiến kinh doanh ngành nghề “bá đạo” nhất: ma túy. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2008 khẳng định Mansour là một trong những chức sắc cao cấp đầu tiên của Taliban dính líu đến buôn lậu ma túy.Y cũng là người giúp Taliban trở thành nhà xuất khẩu á phiện và heroin có máu mặt trên thế giới. Mansour dùng một phần doanh thu từ ma túy chia cho đàn em khiến Taliban vốn chia rẽ nghiêm trọng trở thành một tổ chức khá đoàn kết dưới trào của y, sẵn sàng hy sinh vì thủ lĩnh tối cao này.

Sức mạnh thứ hai của Mansour là ISI, cơ quan tình báo nổi tiếng của Pakistan. Kabul và Washington tin rằng ISI là nhà tài trợ chính cho cuộc nổi dậy của Taliban ở Afghanistan. Mansour thâu tóm được quyền lực trong thời gian Taliban như rắn không đầu do thủ lĩnh Omar qua đời một phần cũng nhờ ISI chống lưng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo