xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dập tắt lửa chiến tranh

Nguyễn Cao

Ngày 6-3, Tổng thống Nicaragua - ông Daniel Ortega - tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia để thể hiện “tình đoàn kết” với Ecuador. Như vậy, sau Ecuador, Venezuela, Nicaragua là nước thứ ba đoạn tuyệt với Colombia sau khi nước này xua quân qua biên giới Ecuador giết hại 23 du kích FARC. Cuộc khẩu chiến giữa Colombia với các nước láng giềng vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt.

Vị thế của Colombia rõ ràng đã suy yếu sau khi bị Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS)” phê bình” vi phạm luật quốc tế vì đã vi phạm chủ quyền Ecuador. Phê bình nhưng OAS không chính thức lên án Colombia theo yêu cầu của Ecuador và Venezuela vì Mỹ đã vận động “giảm tội” cho Colombia trước đó. Mỹ là đồng minh thân thiết của Colombia và cũng là nước chỉ điểm cho quân đội Colombia hạ sát Raul Reyes - nhân vật số 2 của FARC - và 22 du kích khác trên đất Ecuador hôm 1-3.

Ngày 6-3, hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo châu Mỹ Latinh đã khai mạc tại Cộng hòa Dominican. Ecuador hy vọng lần này Colombia sẽ bị lên án chính thức. Sự kiện 1-3 trở thành tâm điểm thảo luận của hội nghị. Hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, vấn đề biên giới ở Nam Mỹ rất nhạy cảm. Cuộc khủng hoảng chính trị ở các nước Nam Mỹ hiện nay được xem là nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua .

Trả giá quá lớn

Lịch sử Nam Mỹ từng ghi nhận một cuộc chiến giữa Peru và Ecuador vào năm 1995. Hai nước giao chiến cả tháng sau khi tranh cãi triền miên về đường ranh giới giữa hai nước. Nhưng đây không phải là một cuộc chiến lớn. Chỉ có 80 binh sĩ hai nước chết trận.

Giờ đây, nếu chỉ căn cứ vào những từ ngữ (“nói láo một cách trơ tráo”, “tay sai của Mỹ”, “bảo trợ bọn diệt chủng”...) mà “cặp bài trùng” chống Mỹ Hugo Chavez (Venezuela) - Rafael Correa (Ecuador) và tổng thống thân Mỹ Alvaro Uribe (Colombia) dùng để khẩu chiến với nhau thì có vẻ như chiến tranh sắp nổ bùng ở Nam Mỹ. Ngày 4-3, thậm chí bộ trưởng tư pháp của Venezuela còn dõng dạc tuyên bố: “Chiến tranh đã bắt đầu”. Trước đó, Venezuela, Ecuador đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, trục xuất đại sứ Colombia về nước đồng thời triển khai 9.000 quân Venezuela và 3.200 quân Ecuador ở giáp ranh Colombia. Liệu bầu không khí chính trị sôi sục này có dẫn đến máu đổ đầu rơi?

Về mặt kinh tế, có thể nói ba nước Colombia, Venezuela và Ecuador quá phụ thuộc vào nhau để có thể hy sinh lợi ích kinh tế vì lợi ích chính trị. Trao đổi thương mại giữa Colombia và Venezuela trị giá 5 tỉ USD/năm với phần nhập siêu nghiêng về Venezuela. Nước này đang thiếu sữa, thịt và một số nhu yếu phẩm khác nhập từ Colombia. Báo Financial Times của Anh kể rằng các nhà kinh doanh Colombia lo sợ trước viễn cảnh mất thị trường Venezuela nếu xảy ra chiến tranh. Đây là một thị trường đang tăng trưởng mạnh: 9 tháng đầu năm ngoái, mức tăng trưởng đạt 75%. Trong khi đó, các thị trường lớn khác, Mỹ chẳng hạn, đang giẫm chân tại chỗ, thậm chí suy giảm.

Venezuela không mua được hàng hóa Colombia thì đã có hàng hóa Brazil thế chỗ. Bởi vậy, Elias Jaua, Bộ trưởng Nông nghiệp Venezuela, đã mạnh miệng tuyên bố: “Chúng tôi không thể phụ thuộc vào bất cứ thứ gì với một nước sẵn sàng gây hấn với các nước láng giềng”.

Trao đổi thương mại giữa Colombia và Ecuador cũng đạt xấp xỉ 1,8 tỉ USD/năm. Khác với Venezuela, Ecuador hình như không dám làm mạnh như Venezuela. Carlos Lopez, Thứ trưởng Bộ Di trú Ecuador, cho biết mặc dù cắt đứt quan hệ ngoại giao, trao đổi thương mại với Colombia vẫn được tiến hành bình thường.

img
Một đơn vị quân đội Ecuador trong một buổi tập luyện

Quân lực Colombia mạnh hơn

Một yếu tố nữa khiến chiến tranh khó xảy ra nếu Colombia không muốn là tương quan lực lượng quân sự giữa Colombia và Venezuela-Ecuador khá chênh lệch.

Venezuela có thể tự tin hơn vì mới mua được vũ khí tối tân của Nga trị giá 3 tỉ USD bao gồm 53 trực thăng chiến đấu, 100.000 khẩu AK và 24 chiếc SU-30 thiện chiến. Kể từ năm 2004, Venezuela đã chi 4 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân và không quân. Tuy vậy, cho dù Venezuela và Ecuador huy động tổng số quân đội của mình thì cũng chỉ được khoảng 115.000 quân, không bằng một nửa quân số của Colombia lên đến 260.000 người.

Alfredo Rangel, cựu thành viên Hội đồng An ninh Colombia, cho biết về mặt chất lượng, quân đội Colombia hơn hẳn hai nước láng giềng do được Mỹ huấn luyện, trang bị vũ khí và cố vấn. Trong 10 năm qua, Colombia đã chi 38,6 tỉ USD cho lực lượng này. Kể từ năm 2001, Colombia còn nhận được mỗi năm 600 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ. Lính Colombia thiện chiến hơn vì từng chiến đấu với FARC mấy chục năm nay.

Venezuela và Ecuador, dù nói cứng, không thể không quan tâm đến tương quan lực lượng nói trên. Nhất là trong trường hợp bùng nổ chiến tranh, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Colombia bằng cách thuê đám lính đánh thuê kiểu Blackwater đầy tai tiếng ở Iraq chiến đấu dưới màu cờ Colombia.

Bởi vậy, nếu Colombia không muốn đánh nhau với hai nước láng giềng thì Venezuela và Ecuador cũng không dại gì khởi xướng chiến tranh. Án binh bất động là chủ trương của Colombia trong thời điểm hiện nay. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là Colombia không muốn mở mặt trận thứ hai trong khi mặt trận thứ nhất là FARC vẫn chưa giải quyết xong.

Láng giềng can gián

Xung đột vũ trang ở Nam Mỹ sẽ gây ra một thảm họa cho châu Mỹ Latinh. Sau những “cuộc chiến dơ bẩn” trong hai thập kỷ 1970 và 19 80 do các chế độ quân phiệt gây ra, nền dân chủ ở khu vực này đã được khôi phục một cách ấn tượng. Bởi vậy, tất cả các nước Nam Mỹ đều cố gắng tháo ngòi nổ chiến tranh. Họ đồng thanh lên án Colombia xâm phạm chủ quyền Ecuador đồng thời yêu cầu các bên kiềm chế. Ngay các chính phủ thân Mỹ như Chile và Peru cũng lên án hành động của Colombia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo