Người ta cho rằng nhiều khả năng chúng đã bị giết từ trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh do quan niệm “trọng nam khinh nữ” cùng chính sách 1 con áp dụng ở Trung Quốc trong hơn 3 thập kỷ.
Thế nhưng, theo một số nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc, phần nhiều hoặc thậm chí hầu hết số bé gái nêu trên có thể không hề bị giết.
Trong một công trình mới công bố, 2 giáo sư John Kennedy (Trường ĐH Kansas - Mỹ) và Sử Diệu Cương (Trường ĐH Thiểm Tây - Trung Quốc) cho rằng đơn giản là số bé gái này không được đăng ký hộ tịch sau khi ra đời. Ở đây, giới chức địa phương đã nhắm mắt làm ngơ để nhận được sự ủng hộ từ dân chúng và duy trì ổn định xã hội.
Hai vị giáo sư nêu trên đưa ra giả thuyết của mình sau khi phỏng vấn một dân làng ở tỉnh Thiểm Tây năm 1996. Ông này có 2 con gái và 1 con trai nhưng lại nhắc đến đứa con gái giữa như “đứa con không có thực”, tức không được khai sinh nên không tồn tại hợp pháp, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Nhiều cuộc phỏng vấn khác cho thấy đó là một thực tế phổ biến và 2 nhà nghiên cứu đã so sánh số trẻ sinh ra ở Trung Quốc năm 1990 với con số nam giới - nữ giới 20 tuổi ở nước này vào năm 2010. Kết quả, họ phát hiện dư ra 4 triệu người và trong số này phụ nữ nhiều hơn nam giới khoảng 1 triệu người.
Theo SCMP, nhà dân số học Lương Trung Đường ở Thượng Hải cũng tin là nhiều bé gái không được khai sinh song sau đó được đăng ký hộ tịch ở độ tuổi 10-20 để hưởng các phúc lợi xã hội như giáo dục và y tế.
Trung Quốc bỏ chính sách 1 con trong năm 2016, cho phép các cặp vợ chồng có 2 con. Thực ra, từ giữa những năm 1980, người dân Trung Quốc đã được pháp luật cho phép có đứa con thứ hai nếu con đầu lòng là gái.
Dù vậy, nước này vẫn lo ngại về những tác động đối với xã hội do tỉ lệ giới tính chênh lệch nghiêm trọng - giới trẻ nam giới vượt xa nữ giới. Theo cuộc điều tra dân số Trung Quốc năm 2010, tỉ lệ giới tính khi sinh là 118 nam/100 nữ. Tỉ lệ này trên toàn cầu là 105/100. Nhiều chuyên gia dự đoán có khoảng 24 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn không thể lấy được vợ ở Trung Quốc vào năm 2020.
Báo The Washington Post nhận định nghiên cứu mới có thể làm nguôi ngoai phần nào nỗi lo ngại đó. “Nếu 30 triệu phụ nữ thực sự mất tích thì số nam giới chênh lệch với nữ giới trong độ tuổi kết hôn sẽ còn nhiều hơn nữa. Điều đó sẽ khiến xã hội bất ổn hơn” - GS Kennedy nhấn mạnh.
Bình luận (0)