xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông

HOÀNG PHƯƠNG

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á,Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông

Tranh chấp biển Đông là một trong những nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra ở Phnom Penh -  Campuchia hôm 20-11. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có các phát biểu quan trọng tại hội nghị.

Ứng phó với thách thức mới

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều nước phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tham dự cuộc Đối thoại Toàn cầu ASEAN. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo 18 nước còn tập trung bàn về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan đến hòa bình và phát triển ở khu vực; kiểm điểm và định hướng hoạt động của EAS thời gian tới cũng như việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, tài chính, quản lý thiên tai, giáo dục, dịch bệnh và triển khai kết nối ASEAN. Hội nghị đã nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có tìm kiếm cứu nạn trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, khủng bố, thiên tai...

Phát biểu tại phiên họp toàn thể EAS, theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh EAS cần tăng cường hợp tác hơn nữa về an ninh, an toàn hàng hải vì đây chính là mối quan tâm và lợi ích chung của khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh các nỗ lực chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông; đồng thời đề nghị các nước ủng hộ ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, hướng tới COC; ủng hộ ASEAN thực hiện Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông nhằm bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố EAS về sáng kiến phát triển Đông Á và Tuyên bố EAS về phòng chống sốt rét kháng thuốc, đồng thời chính thức khởi động đàm phán về Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Còn chia rẽ về cách xử lý vấn đề biển Đông

EAS diễn ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc không thể nhất trí trong việc bắt đầu đàm phán chính thức về COC như là một phần của những nỗ lực nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực. Tại hội nghị cấp cao này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không đề cập lời kêu gọi của ASEAN trong việc mở cuộc đàm phán chính thức về COC càng sớm càng tốt.

Thay vào đó, ông Ôn Gia Bảo lên tiếng phản đối việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông khi cho rằng hai bên “cần giải quyết các vấn đề, kể cả tranh chấp lãnh thổ hay các quyền trên biển, trong một hoàn cảnh không bị những người bên ngoài quấy rầy”. Đây rõ ràng là lời lẽ ám chỉ Bắc Kinh phản đối Washington can thiệp vào các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Tân Hoa Xã dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn với các nước ASEAN và thực thi DOC theo một cách thức toàn diện và hiệu quả”.

Ngay cả nội bộ ASEAN vẫn còn chia rẽ về cách thức xử lý vấn đề biển Đông. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản diễn ra hôm 19-11, Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen tuyên bố ASEAN “nhất trí không quốc tế hóa” tranh chấp trên biển Đông, phù hợp với phát biểu trước đó của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ngay tức thì, theo đài GMA News, Tổng thống Philippines Benigno Aquino giơ tay ngắt lời: “Có nhiều quan điểm được thể hiện về sự thống nhất của ASEAN trong những ngày qua nhưng chúng tôi không xem đó là sự đồng thuận… Là quốc gia có chủ quyền, chúng tôi có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sau đó cho biết  đã gửi thư bày tỏ quan điểm của nước này đến ngoại trưởng các nước còn lại trong ASEAN. Ông Rosario nói thêm rằng Việt Nam chia sẻ những phản đối của Philippines đối với tuyên bố của Campuchia.

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã phàn nàn nước chủ nhà Campuchia về việc hạn chế thảo luận vấn đề biển Đông tại hội nghị. Thông cáo của Tokyo sau hội nghị ASEAN - Nhật Bản nhấn mạnh biển Đông là “mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và có ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định của châu Á - Thái Bình Dương”.

Sớm hoàn tất đàm phán về TPP

Cũng trong ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số nước ASEAN, các đối tác của ASEAN, đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… đã tham dự Đối thoại toàn cầu ASEAN.

Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo và đại diện một số tổ chức quốc tế đã thảo luận, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phát triển bền vững...

Phát biểu tại Đối thoại toàn cầu ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là cơ hội tốt để các nước cùng trao đổi và chia sẻ ý kiến về những vấn đề kinh tế khu vực và toàn cầu cũng như các thách thức đang nổi lên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực đóng góp vào nỗ lực chung, phù hợp với điều kiện quốc gia, trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước Mỹ, Brunei, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc đã tham dự cuộc họp cấp cao không chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam chia sẻ quyết tâm chung và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực để có thể sớm hoàn tất đàm phán.

Kêu gọi Mỹ tháo gỡ vấn đề biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đề nghị Mỹ tham gia các cuộc thảo luận về việc tìm giải pháp cho vấn đề biển Đông trong một động thái có thể chọc giận Trung Quốc.  Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN hôm 19-11, ông Aquino cho biết: “Mỗi đất nước trong số chúng ta đều có vai trò trong sự ổn định của Đông Nam Á. Mỹ hiểu rõ điều này và vì thế đã lựa chọn tham gia tìm kiếm giải pháp cho vấn đề biển Đông để bảo đảm hòa bình và sự phát triển không ngừng của khu vực”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo