Hãy khóc để tôi lau nước mắt
Trong một văn phòng ở thủ đô Tokyo, khoảng 10 người đang chăm chú xem 2 đoạn phim do một người đàn ông tên Ryusei với ngoại hình bảnh bao mang đến.
Đoạn phim đầu tiên là câu chuyện về người cha câm điếc và con gái của ông. Cô bé mắc phải một căn bệnh khủng khiếp, sau đó được chuyển tới bệnh viện. Người cha, do không thể giao tiếp bình thường cũng như giải thích mình là người thân của cô bé nên bị nhân viên bệnh viện ngăn lại. Đoạn phim kết thúc với phân đoạn người cha khóc như mưa trong khi con gái ông chết mà không có ai bên cạnh.
Ryusei chiếu 2 đoạn phim lấy nước mắt khán giả. Ảnh: BBC
Đoạn phim thứ hai nói về một con chó mắc bệnh hiểm nghèo. Sau 15 phút, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của một nửa số người có mặt trong khán phòng. Tiếp đó, Ryusei cầm một chiếc khăn bông lớn đi xung quanh, nhẹ nhàng lau nước mắt cho những khán giả đang trong cơn xúc động mạnh.
Trả lời phỏng vấn của đài BBC (Anh), Ryusei nói: “Thời gian đầu tham gia các buổi hội thảo như thế này, tôi chưa quen việc nên xảy ra một vài rắc rối. Do làm chưa tới nên tôi không thể khóc, vì vậy không thể làm khán giả khóc theo. Còn bây giờ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Tôi khóc và mọi người không cầm được nước mắt”.
“Trai đẹp khóc”
Trong tiếng Nhật, chức danh của Ryusei gọi là “ikemeso danshi”, dịch sang tiếng Việt là “trai đẹp khóc”. Mục đích duy nhất của Ryusei là khiến mọi người chảy nước mắt. Ngành dịch vụ mà ông đang làm có ý tưởng là giúp mọi người thể hiện tính dễ tổn thương của mình.
Người Nhật hiếm khi khóc lóc trước mặt người khác, đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các “trai đẹp khóc” như Ryusei là đưa mọi người xích lại gần nhau để họ phối hợp làm việc tốt hơn.
Hầu hết các đoạn phim của Ryusei đều tập trung vào chủ đề vật nuôi bị bệnh hoặc mối quan hệ cha - con gái, với khách hàng mục tiêu là phụ nữ. Tại buổi hội thảo nói trên, người đàn ông duy nhất là chủ công ty, nhân vật sắp xếp màn giải tỏa tâm lý bằng cách lấy nước mắt của nhân viên.
Các công ty có thể chọn lựa một số kiểu “trai đẹp khóc” từ nhà cung cấp dịch vụ. Trai đẹp có thể đóng vai nha sĩ, huấn luyện viên, giám đốc nhà tang lễ, thậm chí người đánh giày. Đa số trai đẹp đều ở trong độ tuổi khoảng 20, trong khi Ryusei nói ông là một trong những ngoại lệ khi đã bước sang tuổi tứ tuần.
Người đề ra ý tưởng “hội thảo khóc” là Hiroki Terai, một doanh nhân luôn xác định đường lối “kinh doanh” của mình là khiến cho người Nhật bày tỏ cảm xúc của họ. Ý tưởng nảy ra khi Hiroki được 16 tuổi. Không có người bạn nào ở trường, anh đành ăn bữa trưa một mình trong nhà vệ sinh.
“Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Sau đó, tôi tìm hiểu sâu hơn về cảm xúc. Người ta có thể mỉm cười nhưng ẩn chứa trong lòng lại là những thái cực khác” – Hiroki nhớ lại.
Dự án đầu tiên của anh là tổ chức lễ ly hôn cho một cặp vợ chồng có đời sống hôn nhân đổ vỡ. Đỉnh điểm của buổi lễ là đập vỡ chiếc nhẫn bằng một cái búa. Cặp vợ chồng cho biết khóc là thời điểm họ cảm thấy được giải tỏa nhất. Vì lý do này, Hiroki quyết định mở “công ty khóc” vào năm 2013, bắt đầu bằng các hội thảo mở cửa cho tất cả người dân Tokyo.
“Mọi người sẽ đến và khóc cùng nhau. Khi họ khóc, họ nói rằng bản thân cảm thấy thực sự tốt hơn sau đó. Vấn đề duy nhất là suy nghĩ của phái mạnh khi rơi lệ. Mọi người nghĩ rằng họ muốn mít ướt hoặc là những kẻ yếu đuối” – Hiroki chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao lại chọn “trai đẹp” để khích lệ mọi người cùng khóc, anh Hiroki trả lời: “Tôi nghĩ điều đó rất khác biệt so với cuộc sống thường ngày. Một điều thú vị”.
Kkhách hàng mục tiêu là phụ nữ. Ảnh: BBC
Trong khi đó, sau khi xem những đoạn phim như của ông Ryusei, nhiều khán giả ngạc nhiên bởi phản ứng của mình. Chẳng hạn cô Terumi, diễn viên hài, thú nhận: “Tôi nghĩ mình sẽ không khóc. Nhưng tôi thực sự đã khóc rất nhiều. Cha tôi vẫn còn sống. Giờ tôi hơn 30 tuổi. Đôi lúc, tôi cư xử không tốt với cha mình và tôi bắt đầu cảm thấy hối hận”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm động khi xem những đoạn phim như vậy. Uria, nhân viên văn phòng, cho biết cô không quan tâm cũng như không thích thể loại phim này.
Dù thế nào đi nữa, những công ty như của anh Hiroki vẫn thu hút một lượng khách hàng không nhỏ. Đây là dịch vụ mới mẻ xuất hiện sau các ý tưởng có phần quái lạ khác ở Tokyo như cho thuê người ôm ấp không quan hệ tình dục, thuê bạn bè...
Bình luận (0)