xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hé lộ nhiều sử liệu vô giá

Bài và ảnh: Phan Anh

Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ có đủ tiêu chí để được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu thế giới

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ở hầu khắp miền Nam, quần chúng nhất loạt nổi dậy. Chính quyền thực dân ở nhiều nơi hoang mang, tan rã. Tuy không giành được chính quyền song cuộc khởi nghĩa đã để lại tiếng vang lớn. Cũng từ đây, lá cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện.

Tù chính trị đấu tranh

Không riêng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930-1935 cũng được thể hiện rõ nét trong phông tài liệu, đặc biệt là cuộc đấu tranh của tù chính trị.

TS Phạm Thị Huệ, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Lưu trữ Sài Gòn, dẫn chứng trong báo cáo ngày 4-7-1934, có 5 tù chính trị nổi tiếng và 1 tù thường phạm đã từ chối không đi làm khổ sai. Bị phạt nhốt ở xà lim, họ đã tuyệt thực từ ngày 26 đến 30-6-1934. Tại công văn ngày 29-7-1935 của giám thị trưởng gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn cũng cho biết cuối tháng 7-1935, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu bị Tòa án Sài Gòn xử 5 năm tù; từ ngày 25-6-1935, ông đã tổ chức một cuộc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực ở nhà lao, có cả các tù nhân nữ tham gia.

Công văn số 680 ngày 29-7-1935 của quản ngục gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn về bản yêu sách của nhà yêu nước Trần Văn Giàu và tù chính trị về đấu tranh tuyệt thực
Công văn số 680 ngày 29-7-1935 của quản ngục gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn về bản yêu sách của nhà yêu nước Trần Văn Giàu và tù chính trị về đấu tranh tuyệt thực

Đáp lại, giám đốc nhà tù quyết định phạt ông Trần Văn Giàu và những người bãi công 30 ngày xà lim và bị cắt hết mọi cuộc thăm nuôi và tiếp tế lương thực từ bên ngoài.

Trong khi đó, trước phong trào đấu tranh lên cao, những người tù cộng sản ở Nhà lao Côn Đảo liên tục tổ chức các cuộc vượt ngục đưa cán bộ, đảng viên về đất liền đã làm cho đội ngũ Đảng Cộng sản ở Nam Kỳ ngày càng mạnh.

Chính quyền thực dân cũng phải thừa nhận qua công văn mật ngày 7-2-1935 của thống đốc Nam Kỳ gửi trưởng Nha Cảnh sát: “Bọn vượt ngục ở Côn Đảo, bọn ân xá là những nhân tố gây ra các vụ lộn xộn mới đây. Chúng là cái ngòi cho các cuộc nổi dậy, bạo loạn”. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ở phiên tòa Đại hình Sài Gòn kết án 119 người, trong đó có nhiều chiến sĩ cộng sản, được gọi là “vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Tòa án chính quyền thực dân Pháp đã ra phán quyết 8 án tử hình.

Ngoài ra, theo TS Phan Đình Nham (Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM), phông tài liệu còn thể hiện vụ bắt Hà Huy Tập, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Long; tổ chức ngày giỗ Phan Châu Trinh; tài liệu về hoạt động của cộng sản ở Bà Rịa, Châu Đốc, Long Xuyên, Bạc Liêu, Bến Tre…

Trên đường công nhận di sản

TS Nguyễn Xuân Hoài, nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, từng nhiều năm tiếp cận và bảo quản tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ. Theo bà Hoài, phông lưu giữ nhiều tài liệu vô giá như các bản báo cáo hằng tháng của các tỉnh, thống đốc Nam Kỳ về hoạt động của Đảng và các lãnh tụ, nhà hoạt động cách mạng như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong.... Ngoài ra còn có các thông tư, thông tri, công văn của thống đốc Nam Kỳ và toàn quyền Đông Dương về các biện pháp, âm mưu đối phó của chính quyền thực dân; các tài liệu phân tích, đánh giá nguyên nhân và diễn biến cuộc khởi nghĩa, sự can thiệp của Nhật Bản vào Đông Dương.

“Tài liệu về khởi nghĩa Nam Kỳ thuộc Phông Thủ Thống đốc Nam Kỳ là bản gốc, được sản sinh trong quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ, ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện nên rất giá trị đối với công tác nghiên cứu, làm sáng tỏ các sự kiện, mốc thời gian của Nam Kỳ khởi nghĩa. Đây là tài liệu được chính quyền thực dân Pháp xếp vào loại mật và tối mật” - TS Hoài nhấn mạnh.

Thống kê của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho thấy Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ là khối tài liệu được các nhà khoa học khai thác nhiều nhất. Từ năm 1976-2013, đã có hơn 600 lượt nhà khoa học trực tiếp đến trung tâm tìm kiếm tài liệu thuộc phông lưu trữ này để thực hiện các công trình khoa học. Mặt khác, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cũng đã đưa gần 30.000 hồ sơ, cung cấp 89.340 trang tài liệu phục vụ hàng ngàn đề tài nghiên cứu, trong đó nhiều cuốn sách và 103 luận án tiến sĩ, 42 luận văn, khóa luận tốt nghiệp.

Hơn 30 năm gắn bó với việc nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam, PGS-TS Tạ Thị Thúy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã sớm nhận ra giá trị đích thực của nguồn tài liệu này trong việc nghiên cứu về thời kỳ lịch sử gần 100 năm Pháp thuộc.

“Tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng đây là nguồn tài liệu không thể thiếu đối với những người nghiên cứu về Nam Kỳ nói riêng, về lịch sử Việt Nam cận đại nói chung bởi sự đồ sộ và giá trị thông tin”.

Còn TS Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM, chia sẻ: Tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ thực sự là một kho sử liệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở thời kỳ cận - hiện đại. Bản thân ông Phước không thể hoàn thành luận án phó tiến sĩ khóa 1 “Lịch sử Nhà tù Côn Đảo (1862-1930)” nếu không có nguồn sử liệu quý này.

Theo TS Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, toàn bộ tài liệu lưu trữ của Phông Phủ thống đốc Nam Kỳ sẽ được hoàn thiện cơ sở khoa học, xây dựng hồ sơ đề cử vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO chậm nhất ngày 31-10 bởi tính xác thực, toàn vẹn, hiếm có và không thể thay thế của tài liệu, các giá trị của tài liệu đối với vùng đất Nam Bộ và Việt Nam, đồng thời tầm ảnh hưởng của tài liệu trong khu vực và trên thế giới.  

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-9

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo