Tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không thể xem thường như khủng bố, nguy cơ hạt nhân, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, an ninh biển và các thách thức an ninh phi truyền thống... có xu hướng gia tăng.
Không can thiệp vào nội trị của nhau
Đó là cảnh báo được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đưa ra trong phần mở đầu bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ tư với chủ đề “Thách thức trong việc giải quyết xung đột” trong ngày làm việc cuối cùng của Đối thoại Shangri-La (SLD) - ngày 5-6.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, những tranh chấp, bất đồng trong khu vực đang gây nhiều quan ngại, dù chưa đến mức bùng phát xung đột nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm tàng cần được dự báo, ngăn chặn và hóa giải kịp thời.
“Tình hình đó là do những khác biệt về lợi ích, những tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế. Đó là sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, đó còn là cách hành xử áp đặt; sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ rõ.
Trong bối cảnh đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh tất cả quốc gia cần phải hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột. Tuy nhiên, dù hợp tác hay đấu tranh, trước hết đều phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Liên quan vấn đề biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương áp đặt, làm thay đổi hiện trạng và đang có nguy cơ quân sự hóa nhằm tạo ra sức mạnh răn đe; làm ảnh hưởng xấu đến an ninh an toàn trên không, trên biển và dưới đáy biển, hủy hoại môi trường, cản trở các hoạt động lao động hòa bình trên biển… Nếu không được giải quyết kịp thời, những hành động này sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với những hậu quả hết sức nghiêm trọng và khó lường.
Cần tôn trọng phán quyết PCA
Trong khi đó, SLD tiếp tục chứng kiến thêm nhiều tiếng nói kêu gọi Trung Quốc hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ kiện của Philippines liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh tại biển Đông.
Tại phiên họp toàn thể thứ tư của SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Paris đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do, an toàn, an ninh hàng hải tại biển Đông, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). “Nếu Luật Biển không được tôn trọng tại biển Đông hôm nay, nó sẽ bị đe dọa tại các vùng biển khác ngày mai như Bắc Cực, Địa Trung Hải...” - Bộ trưởng Le Drian cảnh báo.
Theo báo Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng nhận định sẽ là sai lầm nếu Trung Quốc thách thức phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines - dự kiến được đưa ra trong những tuần tới. “Chúng ta cần tiếp tục cho Trung Quốc thấy lập trường của họ đang bị cô lập” - ông Fallon nhấn mạnh, đồng thời thúc giục nối lại đàm phán về COC.
Riêng Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nhấn mạnh các nước thành viên ASEAN cần sự đoàn kết, thống nhất trong vấn đề biển Đông. Theo ông, điều đặc biệt quan trọng đối với các nước nhỏ như những quốc gia thành viên ASEAN là phải bảo đảm được sự đoàn kết để không bị các cường quốc gạt ra ngoài cuộc chơi.
Nguyên tắc cao nhất
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam là kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông của ASEAN và Trung Quốc (DOC); đồng thời thực tâm bàn bạc, sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC).
Bình luận (0)