Nhà lãnh đạo Mỹ dự khai mạc hội chợ công nghệ công nghiệp ở TP Hanover và hội đàm với Thủ tướng chủ nhà Angela Merkel, một trong những đồng minh thân cận nhất, về thực trạng kinh tế toàn cầu và các cuộc khủng hoảng an ninh ở Trung Đông, Ukraine.
Tại Đức, Tổng thống Obama sẽ nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong năm nay giữa lúc sự phản đối nhằm vào thỏa thuận này đang tăng.
Một ngày trước chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng, hàng chục ngàn người dân Đức đã đổ xuống đường phản đối TTIP tại TP Hanover. Thậm chí, đám đông còn khiêng cỗ quan tài giả với dòng chữ “Dân chủ bị tiền bạc giết chết”. TTIP đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhất là ở Đức.
Theo cuộc thăm dò được Quỹ Bertelsmann công bố hôm 21-4, chỉ 17% người Đức ủng hộ TTIP so với 55% cách đây 2 năm; 1/3 số người phản đối, so với 1/4 năm 2014.
Người Đức lo ngại TTIP có thể làm tổn hại môi trường hơn nữa cũng như sẽ nới rộng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo - điều đó sẽ đe dọa sự ổn định của thế giới.
Những người chỉ trích cũng lo các tiêu chuẩn về sinh thái và thị trường lao động sẽ bị hạ thấp. Trái lại, những người ủng hộ nói TTIP sẽ giúp hạ thấp rào cản về thuế quan và thương mại, từ đó có lợi cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm mới.
Trong ngày 25-4, ông Obama dự kiến cùng các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Ý hội đàm về việc chia sẻ thông tin tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố và tìm giải pháp chính trị cho Syria.
Trả lời đài BBC trước khi đến Đức, ông Obama tiếp tục bác bỏ khả năng đưa bộ binh đến Syria. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ nhận định các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda hiện là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với phương Tây.
“Đối với tôi, tiêu diệt IS có ý nghĩa hàng đầu. Vùng lãnh thổ do tổ chức IS kiểm soát đang trở nên ít đi nhưng các vụ khủng bố ở Paris và Brussels cho thấy rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để không cho phép chúng thực hiện các vụ tấn công” - Tổng thống Obama nói với báo Bild.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng tương lai Liên minh châu Âu đang bị đặt dấu hỏi sau một loạt thách thức, từ cuộc khủng hoảng di dân, tình trạng mất cân bằng về kinh tế và cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về chuyện đi hay ở của Anh. Vì thế, ông Obama nhấn mạnh nước Mỹ quan tâm đến một châu Âu “mạnh mẽ, thống nhất và dân chủ”.
Bình luận (0)