xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm từ thiện để... trả thù Picasso

Đỗ Quyên

Trong số những người được thừa kế 500.000 di sản nghệ thuật quý giá của danh họa Picasso, không ai sốt sắng bán chúng đi như bà Marina Picasso, cháu nội ông

Cháu gái danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso đang khiến giới sưu tập nghệ thuật rạo rực vì quyết định bán hàng loạt kiệt tác vốn là niềm mơ ước từ lâu của không ít tín đồ hội họa.

Sự ấm ức của người thừa kế

Là cháu nội của Picasso, bà Marina được thừa hưởng 1/5 tài sản của nhà danh họa vào năm 20 tuổi, bao gồm 10.000 trong số 500.000 tác phẩm nghệ thuật đắt giá cùng căn biệt thự nổi tiếng La Californie ở Pháp.

Nhưng cho tới nay, khi đã ở vào tuổi 64, người phụ nữ này vẫn chưa hết ấm ức về những ngày thơ ấu nghèo túng bị ông nội hắt hủi. Sự oán giận và nỗi khắc khoải đó được khắc họa ít nhiều trong cuốn hồi ký Picasso: Ông nội của tôi xuất bản năm 2001. Trong sách, bà Marina viết ông mình luôn lạnh lùng và xa cách, “khiến những người ở gần phải rơi vào tình cảnh khốn khổ, tuyệt vọng”.

 

Bà Marina Picasso. Ảnh: The New York Times

Bà Marina Picasso. Ảnh: The New York Times

 

Năm 2013, khi bán 2 kiệt tác của Picasso tại nhà đấu giá Sotheby ở Paris - Pháp, bà Marina nói thẳng: “Tôi bán tranh để trả thù ông nội, cho dù ông ấy giờ chẳng còn sống cạnh chúng tôi. Ngoài ra, việc bán tranh này còn khiến ông nội dù mất rồi nhưng vẫn phải đóng góp vào công việc của cuộc đời tôi”.

Tuy nhiên, bà không khỏi thất vọng khi 2 tác phẩm nổi tiếng này - trong đó có bức Femme Assise en Robe Grise (Người phụ nữ mặc đầm xám) - chỉ mang lại vỏn vẹn 6,8 triệu USD, quá thấp so với kỳ vọng. Do đó, lần này, bà Marina quyết định bán một cách riêng tư và thẩm định “từng bức một dựa theo nhu cầu” đối với số tác phẩm được thừa kế còn lại.

Trong số 10.000 tác phẩm được thừa kế của bà Marina, ngoài đồ gốm, ký họa, điêu khắc... còn có khoảng 300 bức tranh. Theo báo The New York Times, dù chưa quyết định số tranh sẽ bán lần này nhưng bà Marina không khó để chọn bức “ra đi” đầu tiên. Đó chính là La Famille, một bức chân dung gia đình vẽ năm 1935. “Một bức tranh mang tính biểu tượng! Bởi tôi sinh ra trong một gia đình lớn nhưng đó không phải là tổ ấm” - bà Marina giải thích.

Đổ tiền vào từ thiện

Marina kể rằng bà thậm chí chẳng có tấm hình nào chụp chung với ông nội và chưa bao giờ được chạm vào tác phẩm nào của ông cho tới khi nhận thừa kế. Cha của bà, ông Paulo, là người con đầu tiên mà danh họa Picasso có trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi với vũ công ba lê người Nga Olga Khokholova. Gia đình đổ vỡ, Marina và người anh trai Pablito lớn lên trong túng quẫn cùng người mẹ nghiện rượu. “Tôi ít khi thấy cha và tôi không có ông nội” - bà cay đắng.

Sự oán giận đối với ông nội càng gay gắt hơn khi bà Jacqueline Roque, người vợ thứ hai của Picasso, nhất quyết không cho Pablito tới dự lễ tang của đại danh họa vào năm 1973. Chỉ vài ngày sau, Pablito uống thuốc tẩy tự sát. Khi qua đời ở tuổi 91, Picasso không để lại di chúc, dẫn tới một cuộc tranh chấp tài sản căng thẳng trong gia đình. Marina Picasso bất ngờ có tên trong danh sách thừa kế hợp pháp.

“Mọi người nói rằng tôi nên cảm kích. Và tôi thực sự cảm kích nhưng đó là sự thừa kế lạnh lùng chẳng có chút yêu thương” - bà Marina day dứt. Trong rất nhiều năm sau đó, Marina vẫn úp tranh của ông nội vào tường vì đối với bà, chúng là “những ký ức vô cùng đau buồn”.

Mang nỗi u uất lớn nhưng người phụ nữ gai góc này đã dành cả cuộc đời để thắp lên hy vọng cho những trẻ em thiệt thòi cũng như những số phận bất hạnh trên thế giới. Bà có 5 người con, trong đó 3 người được nhận nuôi từ Việt Nam. Trên mảnh đất hình chữ S này, bà còn hỗ trợ kinh phí xây dựng một số phòng khám tại TP HCM, nâng cấp một trại trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp, đồng thời xây dựng một trại dưỡng lão...

Ước tính, số tiền thu được từ lần bán tranh sắp tới của bà Marina lên tới 290 triệu USD (hơn 6.000 tỉ đồng) và sẽ tiếp tục đổ vào các hoạt động từ thiện do bà khởi xướng từ hơn 40 năm trước, trong đó có dự án hỗ trợ bệnh viện nhi ở Việt Nam, chăm sóc người già và trẻ em thiệt thòi ở Pháp, Thụy Điển…

Theo tờ The New York Post, ít nhất 7 bức tranh sẽ được rao bán lần này, như Người mẹ (vẽ năm 1921, giá đề xuất 50 triệu USD), Người phụ nữ bên đàn mandolin (vẽ năm 1911, giá đề xuất 60 triệu USD), bức chân dung người vợ đầu Olga Khokhlova (tức là bà nội của bà Marina, vẽ năm 1923, giá đề xuất 60 triệu USD)...

 

Bán cả biệt thự La Californie

The New York Post tiết lộ bà Marina Picasso còn tính bán cả tòa biệt thự La Californie, nơi gắn liền với những kỷ niệm chẳng êm đềm khi Marina bé nhỏ cùng cha phải dài cổ đợi ngoài sân để xin tiền trợ cấp. Người vợ hai của danh họa - bà Jacqueline Roque - lúc bấy giờ chỉ báo tin có người tới thăm khi Picasso xong việc trong phòng vẽ.

Sau khi chồng qua đời, bà Roque tự sát ở tuổi 59 vì không thể vượt qua nỗi mất mát lớn nhất cuộc đời. Căn biệt thự được bà Marina biến thành một viện bảo tàng kiêm triển lãm tranh, mở cửa cho công chúng tham quan.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo