Từ trước đến nay, Mỹ và Triều Tiên hầu như không tổ chức các cuộc đối thoại song phương. Ngoài ra, Washington và Bình Nhưỡng đôi lúc cũng chỉ trích nhau gay gắt. Chẳng hạn một nhà ngoại giao Triều Tiên từng nói: “Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc là một tên côn đồ, một kẻ điên”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã mô tả Triều Tiên là “một vùng đất hoang” nếu so với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng một nhóm cựu quan chức tình báo và ngoại giao Mỹ vẫn thường xuyên làm việc với các chuyên gia cũng như gặp gỡ nhiều nhân vật cấp cao của Triều Tiên. Họ cùng ngồi xuống ở Singapore, Berlin – Đức, Bắc Kinh – Trung Quốc và nhiều nơi khác để thảo luận về mọi thứ, từ chi tiết chương trình hạt nhân Triều Tiên cho đến ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bình Nhưỡng.
Họ cũng nói về việc Washington, Seoul và Tokyo ngày càng lo ngại vấn đề an ninh cũng như nhắc đến thời gian các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Cựu quan chức chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Leon V. Sigal cho biết: “Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không đại diện cho chính phủ Mỹ. Vì vậy, đôi lúc, chúng tôi có thể nói tới những vấn đề mà chính phủ Mỹ không thể. Tôi có thể nói với họ: ‘Này, đây là lý do tại sao chính phủ Mỹ làm như vậy’, rồi thăm dò và nói với họ: ‘Nhìn xem, những gì các ông/bà đang làm không có tác dụng. Cách này thì sao?’”.
Theo hãng tin AP, Mỹ và Triều Tiên đã âm thầm tổ chức một loạt các cuộc thảo luận vào cuối năm ngoái. Kể từ đó, Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và một số vụ thử tên lửa, xây dựng kho vũ khí ngày càng tinh vi nhưng triển vọng liên lạc trực tiếp giữa 2 nước vẫn mờ mịt.
Giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei ở Seoul, cho rằng những cuộc thảo luận bí mật là một giải pháp thay thế trước khi 2 chính phủ có những cuộc thảo luận chính thức: “Các cuộc đàm phán không chính thức là một cách để Triều Tiên gửi những thông điệp gián tiếp, đưa ra những ý tưởng mà có thể họ còn do dự chưa dám đề nghị trong các kênh chính thức”.
Còn theo ông Sigal, Triều Tiên đã sẵn sàng mở lại các kênh đối thoại với Mỹ. Đồng thời, một loạt các bước chậm rãi, qua lại giữa 2 bên có thể dẫn tới các cuộc đàm phán chính thức. Cuối cùng, ông Delury cho rằng các cuộc đàm phán có thể không thành công nhưng chưa thể nói trước điều gì.
Trong khi đó, một số nhân vật tham gia những cuộc thảo luận bí mật giữa Washington và Bình Nhưỡng tiết lộ Triều Tiên chưa sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa.
“Tại một số cuộc họp gần đây, tôi đã đưa ra ý tưởng về một cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa với Triều Tiên” – cựu chuyên gia châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ Evans Revere trả lời AP qua email. “Câu trả lời từ họ khá dứt khoát: ‘Sẽ không có phi hạt nhân hóa; bây giờ chúng tôi là một nhà nước vũ khí hạt nhân; thời gian đối thoại phi hạt nhân hóa đã chấm dứt, các người phải chấp nhận thực tế mới này’”.
Phát ngôn viên Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen cho hay Washington đang để ngỏ khả năng nói chuyện với Bình Nhưỡng. “Tuy nhiên, Triều Tiên phải hành động thiết thực để hướng tới phi hạt nhân hóa, tránh những hành động khiêu khích” – bà Richey-Allen đề xuất.
Mỹ và các chính phủ phương Tây không muốn tin tưởng Triều Tiên trong các cuộc đàm phán. Các quan chức Washington lo ngại đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng sẽ để lại hậu quả chính trị nếu Triều Tiên lại không giữ đúng thỏa thuận.
Nhưng kho vũ khí của Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển. Các chuyên gia cảnh báo nước này có thể sở hữu tên lửa hạt nhân đủ khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ trong một vài năm tới. Vì vậy, Washington buộc phải tìm ra lý do để có thể tin tưởng vào các cuộc đàm phán trong tương lai.
Bình luận (0)