xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên Triều tự quyết?

LỤC SAN

Việc tân tổng thống Hàn Quốc có chủ trương mềm mỏng với Triều Tiên có thể đặt ông vào thế mâu thuẫn với tổng thống Mỹ

Chiến thắng của ông Moon Jae-in trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hôm 9-5 không chỉ chấm dứt gần 10 năm cầm quyền của phe bảo thủ mà còn hứa hẹn mang đến làn gió mới hòa hợp với Triều Tiên.

Tập trung tạo việc làm

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 10-5, tân tổng thống Hàn Quốc đã bắt tay thành lập chính phủ. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, ông Moon thông báo bổ nhiệm ông Lee Nak-yon, Tỉnh trưởng Nam Jeolla, làm thủ tướng.

Nếu được quốc hội thông qua, ông Lee sẽ thay thế ông Hwang Kyo-ahn đứng đầu tân chính phủ. Ông Lee có kiến thức rộng, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực xã hội, nhà nước và toàn cầu khi đã 21 năm làm nhà báo, 14 năm làm nghị sĩ, 3 năm làm tỉnh trưởng.

Chức vụ quan trọng khác là giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia được ông Moon giao cho ông Suh Hoon, từng đóng vai trò then chốt trong việc thu xếp 2 cuộc họp thượng đỉnh liên Triều vào những năm 2000.

Đáng chú ý, ông Im Jong-seok, trợ lý thân cận của ông Moon và từng là nhà hoạt động sinh viên, sẽ ngồi vào vị trí chánh văn phòng tổng thống. Theo hãng tin Yonhap, ông Im được xem là lựa chọn tốt nhất để giúp hiện thực hóa mong muốn cải thiện quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên của tân Tổng thống Moon.

Theo báo Korea Times, về đối nội, ông Moon chủ trương tập trung vào kinh tế, lao động, môi trường, chống tham nhũng và các vấn đề văn hóa.

Ông hứa sẽ nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, cụ thể là đặt mục tiêu tạo ra 810.000 việc làm trong 5 năm tới, chủ yếu trong khu vực công; tăng thuế doanh nghiệp từ 22% lên 25% để tăng phúc lợi xã hội.

Ngoài ra, ông Moon cũng tuyên bố siết chặt việc kiểm soát chaebol (tập đoàn kinh doanh gia đình trị), vốn được coi là có mối quan hệ ngầm với giới chính trị, để dân chủ hóa nền kinh tế.

Liên Triều tự quyết? - Ảnh 1.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫy chào người dân trên đường đến Nhà Xanh (Dinh Tổng thống) ở Seoul ngày 10-5 Ảnh: REUTERS

Căng với Mỹ?

Về chính sách đối ngoại, có lẽ ông Moon sẽ áp dụng đường lối trái ngược lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm Park Geun-hye đối với Triều Tiên. Điều này thể hiện rõ khi ông Moon tuyên bố sẵn sàng thăm Bình Nhưỡng ngay sau khi nhậm chức.

Tuy nhiên, ông Suh Hoon cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc gặp cấp cao giữa tân tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chủ trương mềm mỏng với Triều Tiên có thể đặt ông Moon vào thế mâu thuẫn với Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi Washington đang tìm cách gia tăng sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Khi tranh cử, ông Moon cho biết sẽ xem xét lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc. Tranh cãi về hệ thống này càng tăng sau khi ông Trump gần đây đề cập việc muốn Seoul trả 1 tỉ USD chi phí triển khai THAAD.

Ngoài ra, ông Moon sẽ phải nỗ lực xoa dịu sự phản đối của Trung Quốc đối với hệ thống bị xem là mối đe dọa đến an ninh nước này. Việc triển khai THAAD hiện khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul xuống đến mức thấp nhất kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Phát biểu trước các nghị sĩ ngày 10-5, ông Moon cho biết sẽ có các cuộc nói chuyện nghiêm túc với Mỹ và Trung Quốc về THAAD.

Quan hệ Mỹ - Hàn còn có thể căng thẳng vì vấn đề thương mại sau khi ông Trump cho rằng hiệp định thương mại tự do giữa hai nước chỉ có lợi cho Seoul. Ông cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu không thể tái thương thảo về một hiệp định như ý mình.

Chủ trương để Hàn Quốc lãnh vai trò chủ đạo trong việc xử lý khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên của ông Moon cũng rất đáng chú ý, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc bị cho là có các "mặc cả" đằng sau khiến dư luận Hàn Quốc không yên tâm.

Gần đây, nhiều người dân nước này nổi giận khi có tin Tổng thống Trump - dẫn lại lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - cho rằng "Hàn Quốc từng là một phần của Trung Quốc".

Từ nhà tù đến Nhà Xanh

Từ lúc bị tống giam vì tham gia biểu tình chống chính phủ cho đến khi trở thành chủ nhân mới của Nhà Xanh, cuộc đời tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng trải qua nhiều biến động như đất nước ông bắt đầu lãnh đạo.

Ông Moon sinh ngày 24-1-1953 trên đảo Geoje - Hàn Quốc. Cha mẹ ông đã rời Triều Tiên trên một con tàu Mỹ chở đầy người tị nạn trong lúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 diễn ra.

Ông Moon trải qua tuổi thơ thiếu thốn trước khi theo học luật tại Trường ĐH Kyung Hee năm 1972. Trước đó 3 năm, ông tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ đầu tiên khi Tổng thống Park Chung-hee, cha của cựu Tổng thống Park Geun-hye, tìm cách chỉnh sửa hiến pháp để mở đường cho mình nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3. Trong thời gian đi học, ông tiếp tục tham gia phong trào ủng hộ dân chủ và đến năm 1975 thì bị bắt và đưa đến Trung tâm Giam giữ Seodaemun ở Seoul. Theo tờ The Korea Times, ông Moon chưa bao giờ hối hận vì những hành động của mình. Thực tế, ông còn cảm thấy may mắn vì đã gặp bà Kim Jung-sook, người sau này trở thành vợ ông, trong quá trình biểu tình.

Vào đầu những năm 1980, theo AP, ông Moon trở thành luật sư và tham gia văn phòng luật của ông Roh Moo-hyun, đứng cùng chiến tuyến trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi của người lao động nghèo và nhà hoạt động sinh viên. Tình bạn giữa 2 người cùng chí hướng khiến cuộc đời ông Moon thay đổi hoàn toàn.

Ban đầu không hứng thú với chính trị nhưng sau khi ông Roh trở thành tổng thống năm 2003, ông Moon cuối cùng cũng đồng ý làm thư ký cấp cao phụ trách các vấn đề dân sự cho bạn mình dù vai trò mới khiến ông không thoải mái và chỉ làm được 1 năm. "Tôi luôn cảm thấy công việc này không phù hợp với mình, cứ như thể tôi đang mặc bộ quần áo quá rộng. Tôi luôn nghĩ sẽ quay lại với đúng công việc của mình, một luật sư" - ông Moon hồi tưởng về 5 năm ở Nhà Xanh (2003-2008) trong quyển hồi ký xuất bản năm 2011.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi từ chức, ông Moon đã trở về và gia nhập nhóm luật sư bào chữa cho ông Roh - người bị luận tội vì cáo buộc vi phạm luật bầu cử năm 2004. Sóng gió chính trường không buông tha. Sau khi ông Roh hết nhiệm kỳ và đối mặt cuộc điều tra tham nhũng, luật sư biện hộ cho cựu lãnh đạo này không ai khác ngoài người bạn lâu năm.

Vụ tự sát của ông Roh vào tháng 5-2009 là cú sốc lớn, cũng là động lực thôi thúc ông Moon tham gia chính trường. "Roh thực sự đã định hình cuộc đời tôi. Cuộc sống của tôi có lẽ đã khác rất nhiều nếu không gặp ông ấy. Roh chính là vận mệnh của tôi" - ông Moon nhận định trong quyển hồi ký.

Ông Moon thua bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Thế nhưng, ông trở lại Nhà Xanh trong sự kỳ vọng của người dân về một kỷ nguyên mới sau vụ bê bối tham nhũng khiến bà Park bị luận tội, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và sự chia rẽ sâu sắc trong lòng đất nước.

Xử lý mối quan hệ với nước láng giềng Triều Tiên chắc chắn là một trong những ưu tiên của tân tổng thống Hàn Quốc. Một phần lý do có thể là gia đình ông đang chịu cảnh chia cắt không khác gì bán đảo Triều Tiên hiện nay. Năm 2004, ông đã gặp lại người dì lần đầu tiên trong 50 năm sau khi đưa mẹ đến dự một cuộc đoàn tụ của các gia đình bị chiến tranh chia cắt. Trong một cuốn sách xuất bản năm nay, ông Moon hé lộ ước mơ đưa người mẹ 90 tuổi trở lại quê nhà ở TP Hungnam - Triều Tiên bởi mong ước cuối cùng của cụ là được gặp lại người em gái ở quê nhà.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo