xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Logic của Triều Tiên

Hoàng Phương

Những vụ thử tên lửa của Triều Tiên buộc Mỹ và các đồng minh châu Á hợp tác chặt chẽ hơn - đây là điều Trung Quốc không muốn!

Vụ thử tên lửa mới nhất hôm 29-8 tiếp tục báo hiệu một diễn biến đáng lo ngại về năng lực vũ khí của Triều Tiên và cuộc khủng hoảng ở Đông Bắc Á.

Gây rạn nứt chính trị

Theo đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ, Bình Nhưỡng đang trên đường thu nhỏ vũ khí hạt nhân trong lúc dần mở rộng tầm bắn của tên lửa.

Chưa hết, vụ phóng nêu trên còn được xem là hành động khiêu khích nhất của Triều Tiên trong những năm gần đây bởi tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản.

Logic của Triều Tiên - Ảnh 1.

Binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi với lực lượng Mỹ ở Yongin hôm 29-8 Ảnh: Reuters

Dù Bình Nhưỡng chưa hiện thực hóa lời đe dọa phóng tên lửa đến đảo Guam - lãnh thổ thuộc Mỹ trên Thái Bình Dương - nhưng hành động mới nhất này cho thấy Tổng thống Donald Trump có lẽ đã quá vội vàng khi đưa ra nhận định Triều Tiên "bắt đầu tôn trọng chúng ta" vào tuần rồi.

Nhiều nhà phân tích cho rằng luôn có thứ logic nào đó đằng sau hành vi của Bình Nhưỡng và vụ thử trên có lẽ cũng không là ngoại lệ.

Viết trên tờ The San Diego Union-Tribune, ông Stephan Haggard, chuyên gia tại Trường ĐH California San Diego (Mỹ), lập luận nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tập trung nhiều cho việc phát triển kinh tế sau khi nắm quyền vào cuối năm 2011. Điều này đòi hỏi Triều Tiên phải theo chân các nước khác ở châu Á trong việc hội nhập thành công vào những thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, đây là điều không thể trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, trong đó có cả đồng minh thân cận Bắc Kinh.

Ông Kim Jong-un chắc chắn hiểu rõ điều đó nên hy vọng duy nhất của nhà lãnh đạo này là gây ra rạn nứt chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Phóng tên lửa chính là một trong những cách thức hiệu quả để làm điều này.

Theo lý giải của ông Haggard, những vụ thử như thế buộc Mỹ và các đồng minh châu Á hợp tác chặt chẽ hơn. Đây là điều Trung Quốc không muốn thấy chút nào.

Ít lựa chọn

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe gọi vụ phóng mới nhất là "mối đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ". Những hành động khiêu khích như thế có thể giúp ích cho mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự đang được ông Abe theo đuổi.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không chỉ lên án vụ phóng mà còn nhanh chóng ra lệnh diễn tập ném bom gần biên giới với Triều Tiên.

Những phản ứng như thế dĩ nhiên khiến Trung Quốc lo ngại và không có gì lạ khi giới chức nước này quay trở lại "lập trường nước đôi" là kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

Phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là "mọi lựa chọn vẫn còn nằm trên bàn". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ông chủ Nhà Trắng đang thật sự có bao nhiêu lựa chọn khả dĩ?

Với ông James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, câu trả lời là "rất ít". Trả lời đài CNN hôm 29-8, ông Clapper cho rằng giải pháp khả dĩ duy nhất lúc này là đàm phán - khá giống với đánh giá "không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề Triều Tiên" được ông Steve Bannon đưa ra trước khi rời vị trí chiến lược gia trưởng Nhà Trắng.

Dù vậy, theo tờ The Washington Post, động thái nêu trên cho thấy Triều Tiên không chỉ thách thức lời đe dọa của Washington mà còn bác bỏ đề nghị đối thoại được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra gần đây.

Vụ phóng mới nhất chưa đủ nghiêm trọng để dẫn đến sự đáp trả mạnh mẽ của Washington nhưng vừa đủ khiêu khích để chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không lùi bước trước sức ép bên ngoài. Nó cũng có thể là lời cảnh báo gửi đến Mỹ rằng Triều Tiên có khả năng tấn công dễ dàng các cơ sở quân sự của Mỹ ở đảo Guam hoặc bất kỳ đâu tại vùng Thái Bình Dương.

Nói thế không có nghĩa là cánh cửa đối thoại đã hoàn toàn đóng sập, một phần vì, theo đài BBC, Triều Tiên vẫn có những thứ muốn đạt được, như: thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, phát triển kinh tế, cam kết không tìm cách thay đổi chế độ của Mỹ…

Ngay cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dù lên án vụ phóng mới nhất cũng không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng tăng cường trừng phạt Triều Tiên hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng của nỗ lực đàm phán là cần tránh kết cục xấu nhất và ủng hộ giải pháp ít tồi tệ nhất.

Vấn đề còn lại là liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có khả năng xử lý cuộc khủng hoảng này và Triều Tiên có thực sự sẵn lòng thương lượng hay không.

Tăng cường răn đe

Vụ phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản của Triều Tiên hôm 29-8 sẽ thúc đẩy Tokyo tăng cường khả năng quân sự trong bối cảnh "cạn kiệt" giải pháp ngoại giao, theo giới phân tích.

Trước mắt, Nhật Bản có lý do chính đáng để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhật Bản đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo 2 lớp, gồm hệ thống đánh chặn trên bộ PAC-3 và các tàu được trang bị tên lửa phòng thủ Aegis với các tên lửa đánh chặn SM-3. Hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ cũng đang được thảo luận. Về lâu dài, Nhật Bản có thể xem xét khả năng răn đe hạt nhân của mình - một đề tài nhạy cảm với nước này sau Thế chiến thứ hai.

Hành động của Triều Tiên trong chừng mực nào đó sẽ khiến quân đội Nhật Bản tăng cường sức mạnh, điều mà Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi lâu nay để tái lập ảnh hưởng trên thế giới. Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất tăng 2,5% chi tiêu quân sự cho năm tài chính 2018.

Một số chuyên gia nghi ngờ hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật chỉ "với" được độ cao tối đa khoảng 500 km (tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật hôm 29-8 đạt độ cao 550 km). Dù vậy, theo chuyên gia Tobias Harris của Công ty Teneo Intelligence (Mỹ), khả năng tấn công phủ đầu hiện quá sức với Nhật Bản nhưng tấn công trả đũa thì hoàn toàn có thể.

Trong khi đó, theo trang South China Morning Post (Hồng Kông), Lầu Năm Góc một lần nữa cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á đang đứng trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), trong cuộc điện đàm hôm 29-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo đã nhất trí đưa ra các biện pháp càng sớm càng tốt, trong đó có hành động quân sự.

Trước tuyên bố tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Cục Quản lý An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA) cho hay họ vừa tiến hành loạt bay thử nghiệm lần thứ hai liên quan đến bom hạt nhân B61-12 vào đầu tháng 8.

Là phiên bản nâng cấp của bom trọng lực B61 - một trong những nòng cốt của kho vũ khí hạt nhân Mỹ, B61-12 sẽ được đưa vào sản xuất vào tháng 3-2020. Có thể được thả xuống từ chiến đấu cơ F-15, bom B61-12 có khả năng tạo ra vụ nổ rộng 1,6 km với nhiệt độ gấp 5 lần nhiệt độ mặt trời.

Việc loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất này được đẩy nhanh sản xuất không phải là chuyện trùng hợp. Ông Phil Calbos, Phó Giám đốc NNSA, cho biết: "Chương trình B61-12 đang được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia". Theo trang 9news, các quả bom được thử vào tháng 3 và tháng 8 năm nay tuy không chứa vật liệu hạt nhân nhưng vẫn đủ chứng minh công nghệ vũ khí của Lầu Năm Góc đi trước Triều Tiên hàng thập kỷ.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo