Hoạt động của lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc bất ngờ thu hẹp trong tháng 7 giữa lúc thiên tai và nhu cầu toàn cầu sụt giảm, đè nặng lên kinh tế nước này.
Hoạt động sản xuất gián đoạn
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 1-8 cho biết Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ 50 trong tháng 6 xuống còn 49,9 vào tháng rồi - mức thấp nhất kể từ tháng 2. Việc PMI thấp hơn 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang sụt giảm, qua đó làm dấy lên nỗi lo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể lại mất đà và tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới.
Theo NBS, sự sụt giảm trên một phần đến từ tình trạng thiên tai nghiêm trọng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và khiến hạ tầng giao thông bị tê liệt tại nhiều địa phương khắp nước, nhất là những khu vực dọc sông Dương Tử. Theo tờ China Daily, mưa lớn xảy ra tại hơn phân nửa lãnh thổ Trung Quốc vào mùa hè này, dẫn đến lũ lụt và lở đất, từ đó gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Hàng ngàn huyện, hàng trăm thành phố tại 28 tỉnh khắp nước chìm trong nước lũ. Ít nhất 300 người thiệt mạng, hơn nửa triệu người buộc phải sơ tán và cuộc sống của 60 triệu người bị ảnh hưởng bởi các trận lũ trở nên nghiêm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino.
Không những thế, các nhà kinh tế nhận định lũ lụt sẽ có những tác động ngắn hạn và lâu dài với nền kinh tế Trung Quốc. Trước mắt là tình trạng thiếu hụt sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, do nguồn cung bị gián đoạn trong bối cảnh giao thông tê liệt và nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa tại những khu vực bị lũ lụt. Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) gần đây cảnh báo hiện tượng giá trái cây và rau quả tăng mạnh tại một số vùng bị lũ lụt, đồng thời kêu gọi nhà chức trách các địa phương này theo dõi sát sao và thực thi biện pháp kiểm soát giá, nếu cần.
Theo ước tính, lũ lụt khiến Trung Quốc thiệt hại 44,7 tỉ USD từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, một cuộc khảo sát của trang Bloomberg cho thấy thiên tai nghiêm trọng này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,2% trong quý III/2016. Chuyên gia kinh tế Raymong Yeung của chi nhánh Ngân hàng ANZ tại Hồng Kông nhận định lũ lụt sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP trong quý III trừ khi chính phủ có những biện pháp kinh tế để bù đắp thiệt hại này.
Tiến thoái lưỡng nan
Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất còn chịu tác động của sự sụt giảm về nhu cầu trong và ngoài nước đối với sản phẩm Trung Quốc và sự dư thừa công suất trong ngành công nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm việc làm.
Thêm một thông tin đáng lo ngại khác đến từ số liệu mới nhất của NBS: ngành công nghiệp xây dựng và lĩnh vực bất động sản đang “nguội” bớt sau khi góp phần giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý II. Ông Dương Triệu, chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật Bản), cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp kích thích kinh tế được thực thi vào đầu năm nay đang mất dần sự hiệu quả. Theo ông Dương, thực trạng này khiến Bắc Kinh lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: làm sao đạt được những mục tiêu tăng trưởng đề ra mà không làm gia tăng nỗi lo về những gói kích thích kinh tế kéo dài và khiến đất nước lún sâu hơn nữa vào nợ nần.
Trong khi đó, 2 chuyên gia kinh tế Louis Lam và David Qu của Ngân hàng ANZ nhận định rằng những dữ liệu mới công bố nói trên không phải là điềm lành cho tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2016. Theo họ, lĩnh vực sản xuất truyền thống sẽ tiếp tục gặp khó khăn giữa lúc chính phủ đang nỗ lực giảm bớt tình trạng dư thừa công suất. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay sau khi chỉ tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Đối phó bão Nida
Nhà chức trách Trung Quốc đang chuẩn bị đối phó với cơn bão mạnh Nida được dự báo đổ bộ tỉnh Quảng Đông ngày 2-8. Trung tâm Khí tượng quốc gia (NMC) cảnh báo mưa lớn và gió giật mạnh có thể xảy ra ở khu vực ven biển ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Khu tự trị Choang Quảng Tây. Theo NMC, người dân tại những địa phương có nguy cơ bị bão tàn phá được khuyên dự trữ nhu yếu phẩm đủ dùng trong vòng 1-3 ngày. Riêng chính quyền TP Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đã ra lệnh đóng cửa trường học và cấm các hoạt động ngoài trời trong ngày 2-8. Nida sẽ là cơn bão thứ 4 đổ bộ vào Trung Quốc năm nay. Trước đó, bão Nepartak buộc ít nhất 420.000 người sơ tán và gây thiệt hại kinh tế hơn 1,07 tỉ USD chỉ tính riêng ở tỉnh Phúc Kiến vào tháng rồi.
Trước khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông, bão Nida dự kiến đi vào Hồng Kông ngày 2-8 với sức gió có thể lên đến 120 km/giờ, gây ra mưa to trong vài ngày tới. Tổng cộng 124 chuyến bay đến và rời Hồng Kông đã bị hủy trong 2 ngày 1 và 2-8. Cơ quan Giáo dục Hồng Kông quyết định cho các lớp mẫu giáo và một số trường học đặc biệt nghỉ học từ sáng 1-8.
Đài Quan sát Khí tượng Hồng Kông dự báo bão sẽ đổ bộ vào phía Đông thành phố với sức gió mạnh nhưng nói thêm vẫn có khả năng nó đổ bộ vào phía Tây. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Clarence Fong, Giám đốc trang web khí tượng Weather Underground, cho biết nếu kịch bản sau xảy ra, bão có nguy cơ làm gia tăng mối đe dọa của lũ lụt ở những vùng thấp.
Huệ Bình
Bình luận (0)