xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mầm khủng bố từ nhà tù Indonesia

Thạch Thảo

Các nhà tù chật chội và thiếu người canh giữ của Indonesia đang trở thành “vườn ươm” tốt cho những âm mưu tấn công khủng bố tại nước này

Trong khi chấp hành án tù vì tài trợ các hoạt động khủng bố, Muhammad Jibriel Abdul Rahman thường nghe những bài thuyết giảng cực đoan lặp đi lặp lại khắp nhà tù Cipinang ở phía Đông thủ đô Jakarta của Indonesia. Hằng ngày, Aman Abdurrahman, một giáo sĩ đạo Hồi cũng bị cầm tù vì tội liên quan đến khủng bố, đã tập hợp các tù nhân để truyền bá thông điệp đáng sợ: Chính phủ Indonesia, với nền tảng thế tục, sẽ bị tiêu diệt và thay thế bằng một nhà nước Hồi giáo mà không gặp phiền phức vì những kẻ bội giáo. Cai tù hầu như không làm được gì để ngăn chặn lời kêu gọi tiến hành thánh chiến.

Một cai ngục coi 55 tù nhân

Theo lời kể của Jibriel, hiện là chủ tiệm bán quần áo ở Jakarta, trên tạp chí Time, một trong những tội nhân bị giáo sĩ trên mê hoặc là thanh niên tên Sunakim, vốn bị kết án 7 năm tù do tham gia một trại huấn luyện khủng bố ở tỉnh Aceh. Sunakim có thể đã gây ấn tượng cho giáo sĩ trên do cuối cùng anh ta được ban tặng vinh dự làm người tẩm quất cho giáo sĩ này. Năm ngoái, Sunakim được phóng thích nhờ có hành vi tốt. Trong khi đó, Aman, vốn được chuyển sang nhà tù khác an ninh hơn kể từ thời điểm trên, đã tăng cường vinh danh mạng lưới khủng bố đang gieo rắc kinh hoàng khắp toàn cầu - tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vào ngày 14-1 năm nay, Sunakim, còn được biết đến với cái tên Afif, đã xả súng tại một trong những khu vực sầm uất nhất của Jakarta trong vụ xâm nhập đầu tiên của IS ở Indonesia. Vụ tấn công đã làm chết 4 người cùng 4 tay súng, chấm dứt 7 năm tạm lắng các vụ tấn công khủng bố ở Jakarta. Bước chuyển của Afif từ tù nhân thành chiến binh thánh chiến đã giúp soi rọi ánh sáng vào hệ thống nhà tù - nơi mà sự thiếu hụt nhân viên cai ngục, tình trạng quá tải cùng nạn tham nhũng đã cho phép các phần tử cực đoan trà trộn và nổi lên như những sát thủ nhân danh Hồi giáo.

Theo báo cáo do Viện Phân tích chính sách về xung đột (IPAC) có trụ sở ở Jakarta công bố ngày 14-12, những vấn đề thuộc về cơ cấu nói trên đã biến các nhà tù Indonesia thành “vườn ươm” khủng bố. Nếu không được giải quyết sớm, chúng sẽ tiếp tục làm thất bại các nỗ lực phi cực đoan hóa và cải tạo của chính quyền. Hậu quả là các tù nhân trung thành với IS ở Iraq và Syria vẫn có thể tuyển người cũng như chỉ đạo các cuộc tấn công từ sau song sắt. “Các nhà tù quá đông và ít nhân lực, nạn tham nhũng lan tràn và ngân sách thiếu hụt khiến những phần tử khủng bố được tài trợ nhiều hơn có thể tuyển mộ các tù nhân cùng bị giam giữ bằng cách ngỏ ý cho thêm đồ ăn” - tờ The Straits Times dẫn lời ông Sidney Jones, Giám đốc IPAC, nhận định. Theo ông, không có chương trình phi cực đoan hóa nào có thể phát huy hiệu quả nếu các vấn đề này không được giải quyết thấu đáo.


Nhà tù Nusakambangan ở tỉnh Trung Java - IndonesiaẢnh: TEMPO

Nhà tù Nusakambangan ở tỉnh Trung Java - IndonesiaẢnh: TEMPO

Theo IPAC, hiện có hơn 200.000 tù nhân trong 477 cơ sở cải huấn trên khắp Indonesia, trong đó hơn 300 nhà tù và trung tâm giam giữ bị quá tải. Tồi tệ nhất là một trung tâm cải huấn ở Banjarmasin, thủ phủ của tỉnh Nam Kalimantan. Tại đây giam giữ số lượng tù nhân nhiều hơn 6 lần khả năng cho phép, khiến giới quản ngục phải trưng dụng cả nhà vệ sinh làm buồng giam. Khỏi phải nói là giới quản ngục ở đây đã phải làm việc căng thẳng như thế nào với một số lượng tù nhân đông như thế.

Indonesia có khoảng 16.500 sĩ quan cai ngục, đa phần trong số này không được huấn luyện đầy đủ trong những lĩnh vực bao gồm xử lý các tù nhân có rủi ro cao. Do những sĩ quan này làm việc theo nhiều ca khác nhau trong ngày nên mỗi lượt chỉ có khoảng 3.650 người làm nhiệm vụ. Với tỉ lệ 1 sĩ quan phải coi sóc đến 55 tù nhân, việc giám sát chặt chẽ tất cả tù nhân, bao gồm khoảng 220 tội phạm khủng bố, gần như là “điệp vụ bất khả thi”. Dù số lượng tù nhân bị giam giữ vì những hoạt động liên quan đến khủng bố khá thấp so với “tổng dân số” nhà tù, mối nguy vẫn thật sự cao đối với những đối tượng này. Rủi ro gia tăng cùng với số lượng phần tử khủng bố bị kết tội ngày càng nhiều với hơn 120 đối tượng bị phạt tù trong năm nay.

Ở trong tù vẫn tham gia hoạt động khủng bố

Cũng theo IPAC, tình trạng các tù nhân bị những đồng sự ủng hộ IS làm cho trở nên cực đoan trong nhà giam tiếp tục là cơn ác mộng đối với cảnh sát và giới quản ngục. Ít nhất 18 cựu tội phạm đã can dự vào những vụ khủng bố ở Indonesia kể từ năm 2010 và phần lớn bị cực đoan hóa trong tù. Trong một trường hợp, một tù nhân được tuyển mộ sau khi dính líu vào những vụ đánh nhau. Hai trường hợp khác được tuyển mộ vì thèm muốn có đồ ăn ngon hơn hoặc bị cộng đồng những phần tử khủng bố mê hoặc.

Một tác nhân khác trong quá trình cực đoan hóa các tù nhân chính là sự hiện diện của những “nhà tư tưởng” bị cầm tù như Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh tinh thần của mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah; và Aman Abdurrahman, được cho là đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công khủng bố hôm 14-1. “Những thủ lĩnh này phối hợp cùng nhiều tên khủng bố khác đã tiến hành nhiều bài truyền giáo và lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công khi chúng đang trong thời gian ngồi tù” - AFP dẫn lời ông Sidney Jones nhận định trong một báo cáo trước đó. Cả Bashir lẫn Aman đều có những “người hâm mộ” cả trong lẫn ngoài nhà tù và đều đóng vai trò tích cực trong quá trình cực đoan hóa các tù nhân.

Theo Reuters, kể từ khi được chuyển đến nhà tù Nusakambangan ở tỉnh Trung Java hồi năm 2013, Abdurrahman tiếp tục liên lạc với Afif và 200 người ủng hộ thông qua những người đưa thư và điện thoại di động. Trong khi đó, luật sư của Bashir, ông Achmad Michdan, cho biết thân chủ của mình có thể “dễ dàng liên lạc” với bên ngoài bằng cách trao đổi thông tin với khách viếng thăm. Các chuyên gia tin rằng những tù nhân như Abdurrahman vẫn có thể phát tán các bài thuyết giảng bằng email, Facebook và cả bản in. Dù ngồi sau song sắt nhưng Abdurrahman vẫn có thể tuyên thệ trung thành với IS hồi năm 2014 qua mạng.

Hiện chính quyền Indonesia đang thực hiện các nỗ lực nhằm cô lập những thủ lĩnh chiến binh với hy vọng hạn chế sự phát tán tư tưởng bạo lực. Báo cáo của IPAC cũng cho rằng “có lẽ không có cách nào khác ngoài việc cô lập các tù nhân cực đoan nhất tại 1 hoặc 2 nhà tù có nhân viên quản ngục được huấn luyện đặc biệt nhằm kiểm soát chặt chẽ đối tượng thăm viếng, thông tin liên lạc cùng những đồ tặng từ bên ngoài.

Sửa luật về chống khủng bố

Các nhà lập pháp Indonesia hôm 13-12 đã yêu cầu quốc hội cho thêm thời gian để nghiên cứu những sửa đổi được đề xuất nhằm siết chặt luật chống khủng bố của nước này. Những sửa đổi bao gồm cho phép cảnh sát tạm giữ các nghi phạm dính líu vào những âm mưu tấn công đến 6 tháng thay vì chỉ 1 tuần như hiện nay, đồng thời xem việc công dân Indonesia gia nhập các nhóm chiến binh như IS ở nước ngoài là một tội danh. Tạp chí Time dẫn số liệu của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết vào năm ngoái, có đến 210 công dân Indonesia, bao gồm một số phụ nữ và trẻ em, đã bị 6 quốc gia trục xuất do toan tính đến Syria gia nhập IS thông qua những nước này hoặc đã trở thành thành viên IS. Khoảng 50 người Indonesia được cho là đã thiệt mạng do xung đột ở Syria.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo