xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ bắt đầu chuyển giao quyền lực

XUÂN MAI

Tổng thống đắc cử Donald Trump đối mặt không ít áp lực trong việc nhanh chóng thực hiện một loạt cam kết táo bạo đưa ra khi tranh cử

Tiến trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ bắt đầu vào ngày 10-11 với cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama ở Nhà Trắng.

Lộ diện các nhân vật chủ chốt

Trước đó một ngày, ông Trump và các trợ lý cấp cao đã nhóm họp để thảo luận những vấn đề liên quan đến quá trình nêu trên. “Họ đã hoạch định những bước đi kế tiếp, quá trình chuyển giao, kế hoạch làm việc trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ và những nhân vật chủ chốt trong bộ máy làm việc” - một nguồn tin thân cận chiến dịch tranh cử của ông Trump tiết lộ với Reuters.

Một trong những vấn đề được quan tâm là danh sách nội các dưới thời tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhiều khả năng ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ tưởng thưởng những người một mực trung thành với ông trong suốt chiến dịch tranh cử đầy tranh cãi bất chấp việc bị nhiều thành viên Đảng Cộng hòa xa lánh.

Trong đó, ông Jeff Sessions, thượng nghị sĩ bang Alabama, đang được cân nhắc cho vị trí bộ trưởng quốc phòng; tướng về hưu Michael Flynn, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, có thể trở thành cố vấn an ninh quốc gia. Ông Flynn là người tư vấn các vấn đề đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bên cạnh đó, cựu hạ nghị sĩ Newt Gingrich và ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, là 2 ứng viên cho chiếc ghế ngoại trưởng.

Cũng theo các nguồn tin, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) Reince Priebus, cố vấn thân cận của ông Trump, có thể được chọn làm chánh văn phòng Nhà Trắng. Phó Chủ tịch RNC Sean Spicer có khả năng trở thành thư ký báo chí Nhà Trắng. Bà Kellyanne Conway, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhiều khả năng ngồi ghế cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng. Trong khi đó, ông Mike Rogers, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, là một trong những ứng viên tiềm năng cho vị trí giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Báo chí khắp thế giới đưa việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ lên trang bìaẢnh: Reuters
Báo chí khắp thế giới đưa việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ lên trang bìaẢnh: Reuters

Thách thức

Ngoài chuyện nhân sự, theo tờ The Washington Post, ông Trump không dễ hiện thực hóa một loạt cam kết táo bạo mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Tổng thống đắc cử từng tuyên bố sẽ ưu tiên bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của ông Obama (còn gọi là ObamaCare) và xây tường dọc biên giới Mexico - Mỹ ngay sau khi nhậm chức. Ông cũng dọa đánh thuế lên những công ty chuyển hoạt động ra nước ngoài, chấm dứt quy định hạn chế ô nhiễm và sản xuất than, thương thảo lại thỏa thuận hạt nhân với Iran...

Những động thái này đều cần sự phê chuẩn của quốc hội và không có gì bảo đảm ông Trump sẽ được toại nguyện dù Đảng Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện.

Trước mắt, việc bãi bỏ những sắc lệnh hành pháp của ông Obama và bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra bà Clinton là hai ý định có thể thành hiện thực trong ngày đầu ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, gây khó dễ cho bà Clinton sẽ khiến hàng chục triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho bà nổi giận. Chưa hết, thị trường chứng khoán và nền kinh tế đất nước sẽ bấp bênh nếu ông Trump quyết tâm thương thảo lại hoặc rút khỏi các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngoài ra, tổng thống đắc cử có thể đối mặt rắc rối pháp lý nếu cấm hầu hết người Hồi giáo nhập cảnh như từng hứa hẹn khi tranh cử.

Về vấn đề an ninh quốc gia, ông Trump có thể ra lệnh các tướng lĩnh quân sự hàng đầu lên kế hoạch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong vòng 30 ngày như đã hứa. Tuy nhiên, điều này cần có sự phê duyệt tăng ngân sách quốc phòng từ quốc hội. Nếu kế hoạch này trông cậy vào các hoạt động bí mật của CIA thì tân tổng thống và giới chức tình báo phải có tiếng nói chung.

Dự kiến, các quan chức tình báo Mỹ sẽ có một loạt cuộc họp với ông Trump để thông báo về những hoạt động bí mật của CIA, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố, hình ảnh vệ tinh về các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên... Cuộc họp có thể sẽ rất căng thẳng khi phần lớn cộng đồng tình báo ủng hộ bà Clinton và bởi ông Trump có quan điểm trái ngược với nhận định của họ về Nga hoặc Syria...

Hàn gắn rạn nứt

Hãng tin The Canadian Press nhận định: Một tia nắng ấm đã ló ra sau cuộc bầu cử “cay nghiệt” khiến nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Theo đó, cả Tổng thống đắc cử Donald Trump, người thua cuộc Hillary Clinton và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đều cam kết làm việc với nhau để hàn gắn rạn nứt.

Gặp gỡ báo giới bên ngoài Nhà Trắng, Tổng thống Obama ví von rằng mặt trời đã mọc lên sau khi đảng của ông nhận lãnh kết cục buồn. “Tổng thống đắc cử và tôi có những điểm khác biệt đáng kể. Đó không phải là chuyện gì bí mật” - ông Obama nhấn mạnh, đồng thời nhắc lại quá trình chuyển giao quyền lực giữa cựu Tổng thống George W. Bush của Đảng Cộng hòa với ông cách đây 8 năm.

Giọng điệu hòa giải cũng đến từ bà Clinton, người bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ là một tổng thống thành công đối với mọi người dân Mỹ. Trong khi đó, bà Kellyanne Conway, trợ lý của ông Trump, cho biết tổng thống và phó tổng thống đắc cử lúc này tập trung vào việc đoàn kết đất nước chứ chưa bàn đến việc chỉ định một công tố viên điều tra về các hoạt động của bà Clinton khi còn làm ngoại trưởng - điều mà vị tỉ phú đe dọa khi tranh cử.

Việc đoàn kết đất nước là một nhiệm vụ không dễ bởi nhiều người dân dường như vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận sự thật ông Trump đã trúng cử. Theo tờ The Washington Post, các cuộc biểu tình phản đối ông Trump diễn ra suốt đêm 9-11 và tiếp diễn sáng 10-11 (giờ địa phương) tại nhiều thành phố, như New York, Chicago, Los Angeles, Richmond, Portland… Biểu tình cũng diễn ra ở ngay cả những thành phố ủng hộ Đảng Cộng hòa như Atlanta, Dallas và Kansas City.

Tạp chí Forbes cho biết xung đột các giai tầng xã hội ảnh hưởng rất lớn tới cuộc bầu cử năm nay. Ông Trump giành được sự ủng hộ áp đảo trong nhóm dân da trắng không có bằng đại học, vốn chiếm đến 1/3 cử tri năm 2016. Các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy những cử tri này có khuynh hướng ủng hộ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, lo lắng về kinh tế và có khuynh hướng bất mãn với nhóm lãnh đạo ở Washington. Họ cũng bất mãn trước thực tế việc làm bị “cướp” bởi các thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ tham gia.

Dù vậy, hy vọng không phải đã hết. Hãng tin AP mô tả một hình ảnh hết sức cảm động ở TP Decatur, bang Georgia: Những người ủng hộ cho cả ông Trump và bà Clinton đứng cạnh nhau suốt 1 giờ để cùng cầu nguyện cho sự hòa giải sau bầu cử.

Lục San

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo