xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ cậy ASEAN kiềm chế Triều Tiên

LỤC SAN

Hiện có khoảng cách lớn giữa những gì Mỹ mong Trung Quốc làm và những gì Bắc Kinh sẵn sàng làm để giúp đối phó Bình Nhưỡng

Tranh thủ sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN đối với nỗ lực tăng cường trừng phạt Triều Tiên nhiều khả năng là trọng tâm của cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Washington ngày 4-5 (giờ địa phương).

Gia tăng sức ép

Cuộc gặp trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhóm họp tại thủ đô Manila - Philippines và ra tuyên bố chỉ trích sự khiêu khích của Triều Tiên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ với đài VOA rằng Washington đang thúc giục các nước ASEAN cắt quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng (8/10 quốc gia ASEAN đặt đại sứ quán tại Triều Tiên). “Chúng ta đã làm được nhiều việc với các nước ASEAN” - Ngoại trưởng Tillerson phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3-5, đồng thời cho biết Washington đang tái củng cố ảnh hưởng với ASEAN về một số vấn đề an ninh.


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tìm kiếm sự ủng hộ của các nước ASEAN đối với nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tìm kiếm sự ủng hộ của các nước ASEAN đối với nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên Ảnh: REUTERS

“Hiện có nhu cầu thật sự của việc lôi kéo các nước Đông Nam Á vào vấn đề Triều Tiên. Chẳng hạn, Singapore và Malaysia có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và các thực thể tư nhân cũng có quan hệ kinh doanh với các thực thể Triều Tiên. Các quốc gia ASEAN càng thống nhất trong việc thực thi trừng phạt, Mỹ càng có vị thế tốt hơn trong việc thương lượng với Triều Tiên” - ông Lee Sung Yoon, chuyên gia tại Trường ĐH Tufts (Mỹ), nhận định với tờ The Straits Times (Singapore). Trong khi đó, báo The Nation (Thái Lan) cho rằng ASEAN có thể và phải làm nhiều hơn để ngăn nguy cơ nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, như đề xuất tổ chức các cuộc gặp giữa những bên có liên quan.

Bên cạnh nỗ lực tiếp cận ASEAN, Mỹ tiếp tục thúc giục Trung Quốc gây sức ép hơn nữa lên Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Tillerson hôm 3-5 nhấn mạnh Mỹ sẽ “kiểm tra” cam kết của Trung Quốc trong việc kiềm chế tham vọng phát triển kho tên lửa hạt nhân có thể vươn đến các thành phố Mỹ của Triều Tiên - được ông Tillerson mô tả là “mối đe dọa lớn nhất” mà Washington đối mặt. Ông cảnh báo nếu Bắc Kinh không thể thực thi lệnh trừng phạt hiện có của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, Washington có thể chống lại các ngân hàng hoặc công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.

Mỹ “đánh giá thấp” Triều Tiên

Tuy nhiên, ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định kế hoạch “dựa vào Trung Quốc” có thể không đạt được kết quả như kỳ vọng của Mỹ. Theo chuyên gia này, hiện có khoảng cách lớn giữa những gì Mỹ mong Trung Quốc làm và những gì Bắc Kinh sẵn sàng làm để giúp ngăn chặn chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ông Shi nhận định Mỹ đã đánh giá thấp khả năng kháng lại sức ép của Triều Tiên, cũng như không đưa ra một đề nghị rõ ràng về những điều kiện thương thảo với Bình Nhưỡng.

Ông này cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa có một kế hoạch toàn diện để xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên ngay cả khi Ngoại trưởng Tillerson có nói đến một chiến lược như thế hôm 3-5 (gồm những bước đi như chuẩn bị thêm biện pháp trừng phạt Triều Tiên, thuyết phục các nước khác thực thi mạnh mẽ hơn những lệnh trừng phạt hiện có, dựa vào Trung Quốc…).

Nhận định trên không phải không có cơ sở, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm 3-5 bất ngờ cảnh báo Trung Quốc sẽ gánh lấy “hậu quả nghiêm trọng” nếu thử thách sự kiên nhẫn của Triều Tiên thêm nữa. “Triều Tiên sẽ không bao giờ cầu xin Trung Quốc duy trì tình hữu nghị bằng cách đánh đổi chương trình hạt nhân vốn quý giá như chính tính mạng của mình” - một bài bình luận được KCNA đăng tải nêu rõ. Phản ứng này được đưa ra sau khi truyền thông Trung Quốc kêu gọi trừng phạt Triều Tiên mạnh tay hơn trong trường hợp nước này tiếp tục thử hạt nhân. Sau phản ứng gay gắt trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4-5 tuyên bố “muốn làm láng giềng tốt” của Triều Tiên.

Ẩn số từ Nga

Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thiệp chúc mừng năm mới 2017 đến các nước đồng minh, thiệp đầu tiên đến tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một số học giả nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn xoay trục sang Moscow (hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2) để giảm bớt tổn thất trong trường hợp bị Bắc Kinh tăng cường trừng phạt vì chương trình tên lửa, hạt nhân của mình. Mặc dù không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng bền vững trong hoạt động trao đổi thương mại giữa Nga và Triều Tiên nhưng các mối liên kết về kinh doanh và vận tải giữa 2 bên đang nhộn nhịp hơn.

Bằng chứng mới nhất là một dịch vụ phà mới dự kiến hoạt động trong tuần tới, vận chuyển đến 200 hành khách và 1.000 tấn hàng hóa 6 lần mỗi tháng giữa Triều Tiên và thành phố cảng Vladivostok - Nga. Hồi tuần rồi, 5 tàu chở dầu treo cờ Triều Tiên rời các cảng ở khu vực Vladivostok và điểm đến là các cảng thuộc Triều Tiên. “Triều Tiên không quan tâm đến sức ép hoặc biện pháp trừng phạt của Trung Quốc vì đã có Nga gần bên. Bình Nhưỡng lâu nay để Bắc Kinh và Moscow cạnh tranh quyền viện trợ và gây ảnh hưởng đối với mình” - chuyên gia Leonid Petrov thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc nhận định với Reuters. Trong khi đó, ông Samuel Ramani, chuyên gia về Nga tại Trường ĐH Oxford (Anh), cho rằng việc hỗ trợ Bình Nhưỡng có thể đem lại lợi ích kinh tế cho Moscow, cũng như chứng tỏ Nga là “đối tác trung thành” với các chính quyền chống phương Tây đang phải đối mặt với cô lập và trừng phạt.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Nga khó tăng cường mạnh mẽ hoạt động giao thương với Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng có lượng dự trữ ngoại hối thấp và bị đánh giá là không đáng tin cậy. Mặt khác, chuyên gia Yury Morozov tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga) cho rằng Moscow không muốn thấy xung đột hạt nhân nổ ra trên bán đảo Triều Tiên bởi vùng Viễn Đông có thể hứng chịu thiệt hại. Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo