Theo hãng tin AP, Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ được Mỹ đặt tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul hơn 270 km về phía Nam. Các quan chức Seoul và Washington nói rằng họ cần một hệ thống tên lửa đủ mạnh để đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ phía Triều Tiên.
Thứ trưởng Quốc phòng Seoul Ryu Je-seung tại cuộc họp báo ngày 13-7 cho biết Seongju được chọn vì khu vực này giúp tối đa hóa khả năng của hệ thống THAAD, trong khi vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe và an toàn.
Ông Ryu cho biết thêm địa điểm được chọn sẽ giúp hệ thống mới bảo vệ được 2/3 dân số Hàn Quốc, nhà máy hạt nhân, cơ sở sản xuất dầu... khỏi các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Quyết định được bộ trưởng quốc phòng hai nước Mỹ-Hàn thông qua.
Trung Quốc và Nga phản đối Mỹ đặt THAAD tại Hàn Quốc vì cho rằng nó sẽ giúp radar của Mỹ theo dõi tên lửa tại quốc gia họ. Tuy nhiên, Seoul và Washington khẳng định hệ thống chỉ nhắm mục tiêu vào Bình Nhưỡng, trong bối cảnh nhiều người Hàn Quốc lo ngại Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này – có thể trả đũa về kinh tế.
Thêm vào đó, cư dân thị trấn Seongju lo ngại sóng điện từ phát ra từ hệ thống radar của THAAD sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe. Hàng ngàn người tại đây đã biểu tình ngày 13-7 để yêu cầu chính phủ hủy bỏ quyết định của mình. Một nhóm các nhà lãnh đạo địa phương còn viết huyết thư chuẩn bị gửi lên Bộ Quốc phòng trong khi người đứng đầu thị trấn Kim Hang-gon và các thành viên hội đồng địa phương tuyệt thực.
Song giới chức quốc phòng Hàn Quốc lập luận hệ thống phòng thủ được đặt trên một ngọn núi, không phải khu dân cư nên sẽ vô hại với người nào sống cách nơi triển khai tên lửa 100 m.
Mỹ và Hàn Quốc thảo luận kế hoạch triển khai một hệ thống THAAD tại Hàn Quốc sau khi Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân hồi đầu năm nay. Mỹ cũng có một căn cứ quân sự đồn trú 28.500 quân ở Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên.
Nhà ngoại giao Triều Tiên "dính chàm"
Báo cáo của Sáng kiến chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia toàn cầu (GIATOC), trụ sở ở Geneva – Thụy Sĩ, hôm 12-7 tiết lộ các nhà ngoại giao Triều Tiên bị cáo buộc liên quan tới 16 vụ kinh doanh trái phép sừng tê giác và ngà voi trong vòng 30 năm qua.
Theo hãng tin Yonhap, trường hợp gần đây nhất là một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Nam Phi bị bắt do liên quan tới đường dây săn trộm ở Mozambique. Nghi phạm chỉ được xác định họ Park, bị bắt cùng 1 công dân Triều Tiên khác tháng 5-2015 với tang vật là sừng tê giác. Hai người sau đó trả 30.000 USD để được tại ngoại.
Một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên năm 2014 cũng cáo buộc các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng thu thập ngoại tệ cho chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua hoạt động buôn bán các loài động vật quý hiếm.
Bình luận (0)