Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ, Mỹ quyết định đưa B-1 đến Căn cứ không quân Andersen tại Guam. Nó thay thế cho máy bay ném bom B-52 tại đây, đảm bảo sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom Mỹ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đến cùng với B-1 là 300 phi công, nhân viên kỹ thuật.
“Các đơn vị B-1 dày dặn kinh nghiệm tác chiến, giúp nâng cao khả năng tấn công nhanh, rộng và toàn diện. Chúng đẩy mạnh tính răn đe, giúp trấn an các đồng minh của chúng tôi và đảm bảo ổn định trong khu vực Tây Thái Bình Dương” – thông cáo của Không quân Mỹ viết.
Trước khi được triển khai đến Guam, đơn vị B-1 nói trên từng tham gia không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, trước khi trở về Mỹ vào tháng 1-2016 để bảo trì.
Việc Mỹ triển khai B-1 diễn ra vào thời điểm tình hình biển Đông đang căng thẳng. Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung ở biển Đông. Bắc Kinh còn ngang ngược xây trái phép đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông bất chấp chỉ trích của ộng đồng quốc tế.
Trước đó, đã xuất hiện thông tin Mỹ hội đàm với Úc về việc triển khai B-1 đến nước này. Với tầm hoạt động lên đến 9.400km, việc triển khai B-1 ở Guam và Úc cho phép máy bay ném bom này hoạt động dễ dàng ở biển Đông. Các chuyên gia quân sự cho biết với tốc độ, phạm vi hoạt động và khả năng bay thấp, B-1 sẽ có lợi thế trong việc đối phó chiến lược "chống tiếp cận" của Trung Quốc tại khu vực.
Gần đây, Trung Quốc đã ngang ngược cho máy bay ném bom H6-K, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bay trên không phận biển Đông. Bắc Kinh bao biện rằng đó là một hoạt động tập luyện thường xuyên chứ không phải cố tình gây căng thẳng ở biển Đông.
Bình luận (0)