xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ tăng cường trục xuất người nhập cư?

HOÀNG PHƯƠNG

“Việc bố ráp người nhập cư tuân thủ pháp luật và đánh đồng đối tượng vi phạm luật giao thông với bọn cướp của, giết người sẽ chỉ phản tác dụng”

Sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gặp trở ngại pháp lý trên con đường tìm kiếm “sự hồi sinh” sau khi một thẩm phán liên bang hôm 13-2 bác yêu cầu mới của Bộ Tư pháp.

Chưa lên Tòa án Tối cao

Yêu cầu lần này là trì hoãn vụ kiện liên quan đến sắc lệnh tại TP Seattle cho đến khi Tòa án Phúc thẩm liên bang khu vực số 9 ở TP San Francisco, bang California xem xét lại trọn vẹn vụ việc. Dù vậy, thẩm phán James Robart tại TP Seattle, bang Washington cho rằng không có lý do gì để làm thế, cũng như bày tỏ ngạc nhiên về động thái “câu giờ” nói trên của Bộ Tư pháp sau khi ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng “Hẹn gặp nhau ở tòa án”. Ông Robart chính là người ra phán quyết đình chỉ thực thi sắc lệnh hôm 3-2. Đến ngày 9-2, 3 thẩm phán tòa phúc thẩm nói trên ra phán quyết bảo lưu quyết định của thẩm phán Robart.

Cũng trong ngày 13-2, sắc lệnh hạn chế nhập cư trúng thêm một đòn pháp lý nữa từ thẩm phán liên bang Leonie Brinkema tại TP Alexandria, bang Virginia. Phán quyết này tạm cấm thực thi một phần nội dung sắc lệnh liên quan đến người có thị thực.

Đối mặt một loạt thất bại pháp lý, chính quyền ông Trump đang tìm kiếm giải pháp lật ngược tình thế. Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý được Bộ Tư pháp Mỹ gửi lên tòa án ở Seattle hôm 13-2 cho thấy kế hoạch đưa cuộc chiến lên Tòa án Tối cao dường như chưa được tính đến. Thay vào đó, theo tờ Los Angeles Times, chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh tại Tòa án Phúc thẩm liên bang khu vực số 9. Tòa án này sẽ phải quyết định xem có cần thành lập một hội đồng gồm nhiều thẩm phán hơn để xét lại phán quyết hôm 9-2 hay không.

Sống trong sợ hãi

Ngoài ra, ông Trump vào cuối tuần rồi còn nói đến khả năng ban hành sắc lệnh mới để thay sắc lệnh đang gặp cản trở tại tòa án. Đài NBC News cho rằng sắc lệnh mới nên được chỉnh sửa để bảo đảm không đi vào vết xe đổ. Cụ thể, sắc lệnh mới cần nói rõ lệnh cấm không áp dụng cho người có thẻ xanh (thường trú nhân hợp pháp), đề ra những biện pháp bảo vệ người được phép nhập cảnh nhưng bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh và loại bỏ những nội dung có thể dẫn đến cáo buộc thiên vị một tôn giáo nào đó.

Một cuộc bố ráp người nhập cư của nhân viên Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ở TP Los Angeles hôm 7-2 Ảnh: ICE
Một cuộc bố ráp người nhập cư của nhân viên Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ở TP Los Angeles hôm 7-2 Ảnh: ICE

Sau sắc lệnh hạn chế nhập cư, đến lượt sắc lệnh hành pháp của ông Trump về vấn đề truy bắt, trục xuất 11 triệu người nhập cư sống trái phép ở Mỹ cũng thổi bùng tranh cãi. Hôm 13-2, chính quyền Mỹ cho biết đã bắt 680 người nhập cư trái phép trong các đợt bố ráp mới bị xem là có liên quan đến sắc lệnh này. Theo Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), những người bị bắt là mối đe dọa đến an ninh công cộng. Trong số này, theo lời Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly, 75% là “tội phạm” và 170 người không có tiền án, tiền sự. Dù vậy, ông Kelly buộc phải nhấn mạnh đây chỉ là những cuộc bố ráp “thường lệ” sau khi ICE bị chỉ trích là mạnh tay hơn so với thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Thượng nghị sĩ Charles Schumer của Đảng Dân chủ cùng ngày cho biết sẽ yêu cầu ICE cung cấp thêm thông tin, như địa điểm và chi tiết về người bị bắt. Ông bày tỏ lo ngại trước thông tin nhân viên ICE bố ráp cả những gia đình người nhập cư không có hành vi bạo lực. “Người nhập cư không giấy tờ đang sống trong sợ hãi, cảm thấy bối rối và lo sợ” - ông Schumer bày tỏ, cũng như cho rằng việc bố ráp người nhập cư tuân thủ pháp luật và đánh đồng đối tượng vi phạm luật giao thông với bọn cướp của, giết người sẽ chỉ phản tác dụng.

Chính sách nhập cư gây tranh cãi của ông Trump đã phần nào phủ bóng cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo này và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 13-2. Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Trump hoan nghênh chiến dịch trấn áp người nhập cư vừa tiến hành, gọi đây là hành động thực hiện lời hứa đưa ra lúc tranh cử. Trái lại, ông Trudeau nhấn mạnh lập trường của Canada là mở cửa chào đón người tị nạn, người nhập cư song song với việc bảo đảm an ninh đất nước.

“Ác mộng” bắt đầu

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đột ngột từ chức đêm 13-2 (giờ địa phương) sau khi nổi lên thông tin ông đã thảo luận với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak về lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Moscow trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.

Ngay trước quyết định trên đã xuất hiện thông tin Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo Nhà Trắng từ vài tuần trước rằng ông Flynn có nguy cơ trở thành đối tượng bị thao túng bởi những liên lạc với Nga. Hành động của ông Flynn có thể đã vi phạm đạo luật Logan được ban hành năm 1799, theo đó cấm công dân tham gia đàm phán với chính phủ nước ngoài.

Theo Guardian, thư từ chức có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị trong Nhà Trắng chưa đầy 1 tháng của vị cố vấn an ninh quốc gia vốn xuất thân từ tướng quân đội. Tuy nhiên, “cơn ác mộng” của chính quyền Tổng thống Trump mới chỉ bắt đầu. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện (HIC) khẳng định từ chức không có nghĩa là kết thúc vấn đề. “Những liên lạc (của ông Flynn) và bất cứ ai khác trong ê kíp tranh cử của ông Trump với Kremlin đều là đối tượng của cuộc điều tra đang diễn ra của HIC” - ông Schiff cho biết. Thêm vào đó, chính quyền của ông Trump vẫn chưa nói rõ liệu có ai biết về cuộc nói chuyện của ông Flynn với đại sứ Nga và liệu ông ta có hành động theo chỉ thị của tổng thống hoặc quan chức nào khác hay không?

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, sự ra đi của ông Flynn có thể tác động đáng kể đến vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khi bên cạnh Tổng thống Trump không còn tiếng nói tích cực nhất của chủ trương cải thiện quan hệ với Moscow. Hiện đã có nhận định diễn biến trên có thể giúp tăng cường quyền lực của một số bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson, theo Reuters. Tuy nhiên, một nguồn tin khác lại cho rằng uy thế của các cố vấn chính trị cấp cao Steve Bannon và Stephen Miller sẽ thêm được củng cố.

Tạm thời lấp chỗ trống của ông Flynn là tướng về hưu Keith Kellogg. Tuy nhiên, ứng viên hàng đầu trong lựa chọn của ông Trump cho vị trí này được cho là cựu phó chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) Robert Harward, bên cạnh một ứng viên tiềm năng khác là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) David Petraeus.

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo