Trước sự gia tăng số vụ tấn công người bạch tạng ở Malawi từ cuối năm 2014, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền cần trừng phạt hơn nữa những kẻ phạm tội.
Trong 19 tháng qua ở Malawi, cơ quan chức năng ghi nhận có 18 người bạch tạng bị giết hại và 5 người khác bị bắt cóc. Tổ chức Ân Xá Quốc tế cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì các cuộc tấn công người bạch tạng trong các nghi lễ bí mật ở khu vực nông thôn không được báo cáo.
Nhiều vụ tấn công do chính thân nhân của người bạch tạng gây ra.
Đối với cô Agness Jonathan, mỗi ngày trôi qua như một canh bạc. Những quyết định đơn giản như có nên đưa đứa con gái bị bạch tạng của mình đến trường hay không cũng đều có thể phải giá bằng sinh mạng cô bé.
Một lần, bé Chakuputsa - con gái út của cô Agness - bị 3 người đàn ông bắt đi khi mẹ bé đang ở ngoài đồng. Dân làng cật lực đuổi theo cho đến khi những kẻ bắt cóc vứt lại Chakuputsa ở bụi cây ven đường. Hóa ra một trong số kẻ tấn công là họ hàng của cô Agness.
Bạch tạng là một loại bệnh di truyền làm mất sắc tố của da, tóc và mắt. Những đứa trẻ như con của cô Agness đang bị săn lùng như con vật ở Malawi bởi xương và những bộ phận khác của họ được cho là mang lại sự giàu có, hạnh phúc và may mắn.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tháng 4 vừa qua là tháng đẫm máu đối với người bạch tạng Malawi bởi có đến 4 người bị giết, trong đó có 1 đứa trẻ dưới 2 tuổi. Cha của em này và 4 người khác bị bắt giữ vì tình nghi có liên quan trong vụ việc.
Người bạch tạng ở Malawi có thể bị "tuyệt chủng hoàn toàn". Ảnh: AP
Davis Fletcher Machinjiri, 17 tuổi, cũng là một trong những nạn nhân. Thiếu niên này đi xem bóng đá với một người bạn nhưng không quay trở về. Cảnh sát Malawi cho biết Davis bị 4 người đàn ông bắt cóc và bán sang Mozambique để giết hại.
Theo cảnh sát, những người này đã cắt nhỏ tay chân của Davis và lấy xương. Sau đó họ chôn phần thi thể còn lại của nạn nhân. Theo báo cáo của cảnh sát, ít nhất 69 trường hợp tội phạm nhằm vào người bạch tạng được ghi nhận ở Malawi từ tháng 11-2014.
Những kẻ tấn công bán các bộ phận cơ thể người bạch tạng cho phù thủy ở Malawi và Mozambique với hy vọng kiếm tiền nhanh chóng. Mặc dù chính quyền Malawi lên án các vụ tấn công và đề ra những biện pháp trừng phạt nhưng Tổ chức Ân xá cho rằng hình phạt vẫn chưa tương xứng và không đủ sức răn đe.
Cũng theo tổ chức này, tỉ lệ thất nghiệp cao và hạn hán có thể là một phần nguyên nhân làm gia tăng nạn bạo lực nhằm vào người bạch tạng. Tình trạng người bạch tạng bị giết hại dã man còn diễn ra ở Nam và Đông Phi, trong đó có Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Burundi.
Bình luận (0)