Theo tiết lộ của một quan chức quốc phòng Hàn Quốc, việc lựa chọn vị trí đặt THAAD được thực hiện trong vài tuần tới và hệ thống tên lửa trị giá 800 triệu USD này dự kiến hoạt động vào cuối năm 2017. Để xoa dịu những tiếng nói phản đối, tuyên bố chung của 2 Bộ Quốc phòng Mỹ - Hàn nhấn mạnh THAAD chỉ tập trung phòng vệ trước các mối đe dọa hạt nhân, tên lửa từ Triều Tiên chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác.
Trung Quốc dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mới nhất của Liên Hiệp Quốc nhưng lại phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, lấy lý do hệ thống sẽ phá hoại sự cân bằng an ninh trong khu vực mà vẫn không đạt được mục tiêu chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lý do thật sự là Bắc Kinh lo ngại radar của THAAD có thể theo dõi khả năng quân sự của mình. “Trung Quốc biết rõ THAAD ở Hàn Quốc không nhằm vào họ. Chỉ là Bắc Kinh không thích hệ thống vũ khí Mỹ được đưa đến quá gần nước này” - ông Yoo Dong-ryol, Viện trưởng Viện Dân chủ Tự do Triều Tiên (Hàn Quốc), giải thích.
Cùng quan điểm với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định chiến lược toàn cầu. Nga - Trung đặc biệt lo ngại cán cân sức mạnh ở Thái Bình Dương sẽ nghiêng về Mỹ sau bước đi này.
Cũng trong ngày 8-7, Bình Nhưỡng chỉ trích việc Mỹ lần đầu tiên đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào danh sách trừng phạt là “lời tuyên chiến” và dọa cắt đứt mọi kênh liên lạc hiện có với Washington nếu lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ. Đáp lại, một quan chức Mỹ cùng ngày cho biết Washington đang yêu cầu các nước khác giảm thuê lao động Triều Tiên để làm suy yếu dòng ngoại tệ của Bình Nhưỡng.
Bình luận (0)