xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ chiến tranh kinh tế Trung - Nhật

PHƯƠNG VÕ

Không dễ để xác định được nước nào sẽ bị tác động nhiều hơn nếu cuộc chiến nổ ra nhưng có một điều chắc chắn là cả 2 nền kinh tế sẽ bị tổn thất

Trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng, Trung Quốc lâu nay vẫn sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp trả đũa kinh tế và thương mại để buộc đối phương nhượng bộ. Tuy nhiên, đã xuất hiện những cảnh báo rằng Bắc Kinh có ngày “đứt tay” vì “chơi dao”.

Hiến kế chiêu “độc”

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19-9 nhận định rằng động thái quốc hữu hóa phần lớn quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng và gây hại đến sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Quan chức này tuyên bố: “Đây không phải là điều chúng tôi muốn thấy và Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì để nó xảy ra”.
 
img
Người biểu tình Trung Quốc đập phá một cửa hàng Nhật Bản ở thành phố Thanh Đảo
Ảnh: THE ASAHI SHIMBUN

Trước đó, một cố vấn cấp cao của Chính phủ Trung Quốc đã hô hào tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế để đáp trả  “những hành động khiêu khích” của Nhật Bản.
 
Trong bài viết đăng trên báo China Daily, ông Kim Bạch Tùng, chuyên gia của Học viện Hợp tác thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc, trực thuộc Bộ Thương mại, cho rằng Bắc Kinh nên  “tấn công” thị trường trái phiếu Nhật Bản để đẩy nước này vào khủng hoảng tài chính.
 
Theo ông, Trung Quốc nên sử dụng sức mạnh là chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản (đang nắm lượng trái phiếu trị giá 230 tỉ USD) để thúc ép Tokyo rút lại quyết định quốc hữu hóa nói trên. Ngoài ra, ông Kim kêu gọi Trung Quốc áp dụng các điều khoản ngoại lệ liên quan đến vấn đề an ninh được quy định bởi Tổ chức Thương mại Thế giới để trừng phạt Nhật Bản.

Trong khi đó, tờ Hong Kong Economic Journal cũng đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung đất hiếm xuất sang thị trường Nhật Bản. Đây chính là “chiêu” mà Trung Quốc từng sử dụng trong cuộc tranh cãi liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku vào năm 2010. Những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản cũng được đưa ra trong các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc.

Ai thiệt hơn ai?

Khi đưa ra lời kêu gọi trừng phạt kinh tế Nhật Bản, ông Kim tự tin tuyên bố: “Rõ ràng là Trung Quốc có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản mà không tự gây thiệt hại quá nhiều cho mình”.
 
Theo chuyên gia này, Trung Quốc có thể hy sinh lượng hàng xuất khẩu “có giá trị gia tăng thấp” sang Nhật Bản. Ngược lại, ông cho rằng Tokyo sẽ bị thiệt nhiều hơn do đang phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Bắc Kinh để ngăn chặn đà sụt giảm “không thể đảo ngược được” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), không dễ xác định được nước nào sẽ bị tác động nhiều hơn nếu chiến tranh kinh tế Trung – Nhật nổ ra. Có một điều chắc chắn là cả 2 nền kinh tế sẽ bị tổn thất và tác động của cuộc chiến không chỉ gói gọn trong phạm vi 2 nước.
 
Kim ngạch thương mại song phương của Trung Quốc và Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục 345 tỉ USD trong năm 2011 và 2 nền kinh tế này có sự gắn kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư. Bắc Kinh nhận khoản đầu tư trực tiếp 12 tỉ USD từ Tokyo trong năm 2011, đồng thời dựa nhiều vào công nghệ nước này. Ngoài ra, hơn 3 triệu người Nhật thăm Trung Quốc mỗi năm. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản.

Lời đe dọa trả đũa kinh tế của Trung Quốc, cộng với tác động của các cuộc biểu tình mới đây có thể khiến các công ty Nhật giảm bớt sự hiện diện tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
 
Ông Tetsuo Kotani, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật Bản ở Tokyo, nhận định: “Đây có thể là thời điểm bước ngoặt của các công ty Nhật. Họ có thể buộc phải xem xét lại những nguy cơ ở Trung Quốc và chuyển sự đầu tư sang Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi”.
 
14 tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku

 Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản hôm 19-9 cho biết họ phát hiện 14 tàu công vụ Trung Quốc trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù vậy, theo đài NHK, họ vẫn chưa nhìn thấy đội tàu cá Trung Quốc ở vùng biển này. Trong khi đó, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hiện có khoảng 100 tàu cá nước này đang đánh bắt xung quanh quần đảo tranh chấp dưới sự hộ tống của 12 tàu công vụ.
Cùng ngày, quy mô các cuộc biểu tình chống Nhật giảm bớt sau khi nhà chức trách Trung Quốc có những động thái nhằm hạ nhiệt tình hình. Tại Bắc Kinh, các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật đã bị cấm. Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ phải hối tiếc vì bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo