xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn cao

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các chuyên gia cảnh báo Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ 5 nếu chủ quan, lơ là phòng chống dịch

Bộ Y tế cho biết ngày 26-11 nước ta ghi nhận 13.109 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành, tăng 665 ca so ngày 25-11, trong đó có 7.288 ca phát hiện ở cộng đồng.

Rất khó lường

Những ngày qua, số ca mắc và tử vong do Covid-19 liên tục tăng. Các chuyên gia cảnh báo Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 5 nếu chủ quan, lơ là phòng chống dịch.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - 63/63 tỉnh, thành đều ghi nhận ca mắc Covid-19. Tuy vậy, mỗi nơi có nguy cơ dịch khác nhau, tỉ lệ mắc và tử vong khác nhau, tỉ lệ tiêm chủng cũng khác nhau. Việc bùng phát dịch phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của các địa phương nhưng phải khẳng định nguy cơ bùng phát vẫn cao và rất khó lường.

Ông Phu cho rằng đến thời điểm này, các tỉnh, thành đã có sự cảnh giác, kinh nghiệm cũng như năng lực trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện ổ dịch vẫn xuất hiện rải rác trên nhiều địa phương, nên khi bùng phát cần phong tỏa hẹp và gọn để không ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội của người dân. Nguy cơ dịch đến đâu đáp ứng đến đó, không đáp ứng thái quá, đặc biệt là khi ở cấp độ 3 và 4. Khi chưa đạt tỉ lệ tiêm chủng thì các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, giãn cách… là cần thiết. Ngoài ra, ý thức phòng dịch của người dân với việc thực hiện nghiêm 5K cũng góp phần rất lớn giúp các địa phương tránh được nguy cơ bùng phát dịch.

Cảnh báo về nguy cơ đợt dịch mới, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết mặc dù dịch đã qua giai đoạn đỉnh cao nhưng tình hình trên thế giới đang căng thẳng nên nguy cơ trong nước chưa thể chấm dứt được hoàn toàn dịch bệnh.

"Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 5 luôn rình rập. Bộ Y tế đã cố gắng đưa ra những chiến lược tối ưu để bảo đảm an toàn cho người dân nhằm giảm tỉ lệ tử vong đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, đây là dịch bệnh hết sức mới, luôn có sự thay đổi và biến chủng mới. Vì vậy không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch" - ông Khuê nói.

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn cao - Ảnh 1.

Khánh Hòa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” vào ngày 25-11Ảnh: Kỳ Nam

Nhiều nơi vẫn chủ quan

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho thấy tỉnh này đang trở lại đỉnh dịch cách đây ít tháng, khi mỗi ngày có trên 200 ca nhiễm mới. Hiện nay, việc phòng chống dịch bệnh đang có xu hướng chủ quan vì Khánh Hòa đã tiêm mũi 1, mũi 2 đạt tỉ lệ cao. Khánh Hòa vẫn đang đẩy mạnh các biện pháp an toàn, đặc biệt trong việc tiếp đón du khách trở lại địa phương này.

Theo đánh giá của ngành y tế TP Cần Thơ, hiện đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan của người dân trên địa bàn. Sau khi xuất hiện nhiều ca F0, Cần Thơ quyết định nâng cấp độ dịch từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 và hiện nay là cấp độ 3. TP hiện có 6.841 F0 đang điều trị tại nhà và 7.319 F1 đang cách ly y tế tại nhà. Sở Y tế vừa triển khai kế hoạch sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trong điều trị các trường hợp mắc Covid-19 tại thành phố, thời gian từ ngày 25-11-2021 đến 25-1-2022. Dự kiến cấp thuốc Molnupiravir miễn phí cho 1.900 người mắc Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký quyết định siết chặt một số hoạt động trên địa bàn. Theo đó, người dân được đi chợ (hoặc siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng) tối đa 2 lần/tuần nếu đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, được tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc đã tiêm 1 liều vắc-xin trên 14 ngày. Người được tiêm 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 dưới 14 ngày thì chỉ được đi chợ 1 lần/tuần. Những người chưa tiêm vắc-xin thì không được đi chợ. Chính quyền cấp xã cấp phát thẻ đi chợ và tổ chức đi chợ hộ hoặc các hình thức khác phù hợp khi có yêu cầu.

Tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo không tổ chức các hoạt động tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh). Đám cưới, đám tang chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình và không được tập trung trên 10 người. Người dân không được ra đường trong khoảng thời gian từ 20 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp có yêu cầu công vụ hoặc phòng chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp; công nhân đi làm ca đêm về…

Mặc dù nhiều nơi ở TP HCM thực hiện tốt việc phòng chống dịch nhưng vẫn còn một số nơi người dân chủ quan. Ở chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TP HCM) - nơi từng có nhiều ca nhiễm Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch vừa qua, mặc dù hầu hết người bán hàng mang khẩu trang, trang bị cồn sát khuẩn nhưng vài người vẫn lơ là, tháo khẩu trang nói chuyện với khách. Một số tiệm vịt quay nổi tiếng ở quận 5 (TP HCM) vào các ngày cúng khách xếp hàng dài không bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Truy nguyên nhân tai biến

Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết 10 công nhân sốc phản vệ liên quan sự cố tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ngày 23-11 tại Công ty TNHH Giày Kim Việt (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) mà Báo Người Lao Động liên tục thông tin, đã tương đối ổn định.

Hiện cả 10 bệnh nhân đã hết các triệu chứng liên quan sốc phản vệ, vận động trở lại, các xét nghiệm trong trạng thái bình thường, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Đối với 4 công nhân tử vong, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm vắc-xin, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai và Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Hội đồng kết luận nguyên nhân tử vong là sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Vero Cell phòng Covid-19. Đồng thời, khẳng định toàn bộ quy trình cấp phát, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc-xin phòng Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống và điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Công ty TNHH Giày Kim Việt, được thực hiện đúng quy định, chưa phát hiện sai sót chuyên môn trong tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm vắc-xin.

Hội đồng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa tạm thời dừng tiêm chủng vắc-xin Vero Cell lô B2021103398 trên phạm vi toàn tỉnh trong khi chờ Bộ Y tế quyết định việc xử trí đối với số vắc-xin trên.

Ngày 26-11, cả nước có 12.368 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 955.256 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.456 ca. Nước ta đã tiêm hơn 116,3 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó gần 47,4 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Phải bảo vệ mình và cộng đồng!

Ngày 26-11, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, ngành y tế đã được sự quan tâm chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt từ Tổng Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và hệ thống chính trị các địa phương.

Tại TP HCM, trong thời điểm giãn cách xã hội ở làn sóng dịch thứ 4, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp chưa có tiền lệ. Đó là việc tổ chức cho F0 cách ly tại nhà, người dân cách ly ở nhà được tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ y tế, tiếp cận các gói an sinh xã hội, tổ chức phân phát gói thuốc hỗ trợ cho người dân, theo dõi tình trạng y tế. Việc chăm lo cho người dân về mặt y tế được nâng lên một bước, không có sự chồng chéo giữa các tuyến thu dung điều trị.

Tất cả hoạt động về mặt y tế luôn được Bộ Y tế theo dõi sát sao, kể cả vấn đề làm sao hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, các chiến lược xét nghiệm, khuyến cáo đến ban chỉ đạo các địa phương, luôn hoàn chỉnh các phác đồ điều trị để tập trung giảm tỉ lệ nặng và nguy kịch cho bệnh nhân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: "Từ những nỗ lực này, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả nhất định và người dân đã trở về cuộc sống bình thường mới. Vì thế, tất cả người dân phải có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch, thực hiện đúng khẩu hiệu 5K. Khi tổ chức các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin thì việc bảo đảm an toàn cho những người tiêm vắc-xin, lực lượng y tế, lấy mẫu xét nghiệm... luôn được đặt lên hàng đầu".

Ph.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo