xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiệm vụ bất khả thi

​NGUYỄN CAO

Nhà Trắng đang chịu áp lực từ trong và ngoài nước về việc xử tội những kẻ có trách nhiệm trong vụ bao che cho CIA dùng cực hình tra tấn nghi phạm khủng bố. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ bất khả thi

Sau khi Thượng viện Mỹ công bố bản tóm tắt cuộc điều tra tố cáo Cục Tình báo trung ương (CIA) dùng cực hình tra tấn nghi phạm Al-Qaeda, báo cáo không trung thực với quốc hội và chính phủ, Thượng nghị sĩ Mark Udall, ủy viên Đảng Dân chủ của Ủy ban Tình báo thượng viện (SIC), đã lên tiếng yêu cầu thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo CIA, xử lý những kẻ liên quan đến Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn nghi can khủng bố (DIP).

Ưu tiên cho bí mật quốc gia

Thượng nghị sĩ Mark Udall yêu cầu Giám đốc CIA John Brennan từ chức, đồng thời phê bình Nhà Trắng không xử những kẻ chịu trách nhiệm. “Hành động có giá trị hơn lời nói” - ông thúc giục.

Trên bình diện quốc tế, Ben Emmerson, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bức xúc: “Chính quyền Bush đã cho phép thực hiện tội ác có hệ thống, vi phạm trắng trợn nhân quyền. Cần phải đưa ra pháp luật những kẻ có trách nhiệm về âm mưu tội lỗi này”. Tại Ba Lan, cựu Tổng thống Aleksander Kwasniewski cho rằng các viên chức Mỹ đã dùng những “biện pháp (tra tấn) không thể chấp nhận” và mong rằng “họ phải gánh lấy hậu quả”.

 

Chiêu tra tấn bằng cách trấn nước của CIA Ảnh: REUTERS
Chiêu tra tấn bằng cách trấn nước của CIA Ảnh: REUTERS

 

Yêu cầu trừng phạt những kẻ có trách nhiệm là hợp tình hợp lý bởi nếu không, chẳng có gì bảo đảm những kiểu tra tấn như thế không lặp lại. Tuy nhiên, phản ứng của Tổng thống Obama rất có chừng mực.

Trả lời phỏng vấn rất sớm trên đài truyền hình Telemundo, ông Obama thừa nhận: “Biện pháp thô bạo của DIP không những mâu thuẫn với những giá trị làm nên nước Mỹ mà còn hủy hoại nỗ lực chống khủng bố và quyền lợi an ninh quốc gia của chúng ta”. Dù vậy, ông không có ý định truy cứu trách nhiệm tác giả chương trình DIP hay các quan chức CIA. Tại sao?

Nhà báo Eric Posner giải thích trên báo mạng Slate: “Luật pháp Mỹ mang tính thực dụng. Dùng nhục hình tra tấn nghi phạm rõ ràng là sai trái, bộ luật Liên bang Mỹ cấm làm điều đó. Mỹ cũng đã phê duyệt Công ước Quốc tế chống tra tấn. Thế nhưng, cho dù báo cáo tố cáo CIA đưa ra những bằng chứng rõ mười mươi, cơ quan công tố Mỹ vẫn khó nắm lấy phần thắng”.

Vụ cảnh sát bắn chết anh Michael Brown ở Ferguson hay bóp cổ ông Eric Garner đến chết tại New York trong lúc bắt giữ (cả hai đều là người da đen) đã khiến dư luận căm phẫn cho thấy những người cầm cân nẩy mực Mỹ bảo vệ những viên cảnh sát lạm quyền như thế nào. Nguyên tắc này cũng áp dụng đối với nhân viên CIA.

Học thuyết pháp lý của Nhà Trắng là “ưu tiên cho bí mật quốc gia”, theo Eric Posner. Nhân viên CIA hành động trong khuôn khổ an ninh quốc gia. 100% nạn nhân bị tra tấn là người nước ngoài nên không thể đưa ra bằng chứng chống lại CIA.

Về mặt pháp lý quốc tế, Công ước Geneva số 3 (về việc đối xử với tù binh) kêu gọi các nước thành viên điều tra những cuộc tra tấn và khuyến cáo - nhưng không bắt buộc - đưa vụ việc ra tòa. Nhiều nước thành viên công ước không muốn ép Mỹ làm việc đó vì họ cũng thường vi phạm.

Đe dọa nền dân chủ

Tổng thống Obama có lý khi án binh bất động vì ở Mỹ có nguyên tắc “không hình sự hóa đời sống chính trị”. Khi một vị tổng thống thực hiện những biện pháp mà ông ta tin rằng phục vụ an ninh quốc gia và các đại diện cho đất nước (cụ thể là CIA) ngăn cản ông cũng vì an ninh quốc gia thì việc trừng phạt trở thành mối đe dọa thực sự cho nền dân chủ.

Vấn đề của Tổng thống Obama là nếu bây giờ ông lôi những người có trách nhiệm cao nhất của phe Cộng hòa ra tòa vì cho phép tra tấn (năm 2002, Tổng thống Bush từng tuyên bố tra tấn tù binh Al-Qaeda và Taliban là hợp pháp, Mỹ không áp dụng Công ước Geneva đối với loại tù binh này) thì trong tương lai, ông và cộng sự cũng có thể bị một vị tổng thống thuộc đảng này truy cứu trách nhiệm do những hành vi mập mờ về pháp lý. Chẳng hạn, ông Obama từng cho phép CIA dùng máy bay không người lái bắn chết Anwar al-Awlaki - biệt danh “Bin Laden trên internet”, vốn là một người Mỹ gốc Yemen.

Không phải bây giờ mà từ năm 2008, ông Obama từng nêu quan điểm không nên truy cứu trách nhiệm quan chức chính quyền Bush hoặc CIA liên quan đến việc tra tấn tù binh khủng bố. “Nếu làm như vậy, người ta sẽ nói tôi săn lùng phù thủy vì phe phái” - ông giải thích. Như vậy, ngay từ đầu, Tổng thống Obama đã tôn trọng “luật chơi” dân chủ Mỹ với câu châm ngôn: “Bây giờ là thời điểm để suy ngẫm chứ không phải để trả thù”.

Thành tích nhân quyền đáng kể nhất của ông Obama khi vào Nhà Trắng là ra lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo giam nghi phạm khủng bố và ngưng các biện pháp tra tấn. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không truy tố bất cứ viên chức nào thi hành lệnh cấp trên.

 

Dễ bị bắt ở nước ngoài

Các viên chức Mỹ liên quan đến việc tra tấn dã man nghi phạm Al-Qaeda và Taliban có nguy cơ bị tòa án nước ngoài bắt giữ, truy tố vì tra tấn được coi là tội ác nghiêm trọng theo luật quốc tế. Nữ giáo sư Beth Van Shaack, dạy môn hình sự quốc tế ở Đại học Stanford, khuyến cáo họ không nên xuất ngoại nếu không muốn gặp rắc rối.

Năm 1998, nhà độc tài Chile Augusto Pinochet từng bị cảnh sát Anh bắt theo lệnh truy nã của tòa án Tây Ban Nha khi ông tới London. Tháng 11-2009, một tòa án Ý kết án 23 người Mỹ, hầu hết là nhân viên CIA, về tội bắt cóc Osama Mustafa Nasr, một tu sĩ Hồi giáo cực đoan, trên đường phố Milan năm 2003. Tất cả đều vắng mặt và coi như suốt đời không được bén mảng tới Ý. Riêng trưởng phòng CIA tại Ý bị tòa án buộc phát mãi nhà riêng để bồi thường 1,5 triệu euro cho vợ chồng nghi can khủng bố này.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo