xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nobel vắng bóng phụ nữ

THẢO HƯƠNG

Năm 2012 không có người phụ nữ nào đoạt giải Nobel. Có hay không chuyện trọng nam khinh nữ?

Đó là vấn đề tiếp tục được xới lên trong năm nay sau chiến thắng hoành tráng của nữ giới hồi năm ngoái với giải Nobel Hòa bình tôn vinh 3 phụ nữ thuộc thế giới thứ ba.

Nhiều rào cản

Nhìn vào số lượng phụ nữ được trao giải Nobel trong lịch sử 111 năm của giải thưởng danh giá này, thấy vẻ như Nobel là “câu lạc bộ của đấng mày râu”. Chỉ có 43 phụ nữ trên tổng số 862 cá nhân và tổ chức nhận được giải Nobel, trong đó đặc biệt có nhà khoa học người Pháp, bà Marie Curie, được tôn vinh đến 2 lần (Nobel Vật lý 1903 và Nobel Hóa học 1911).

Nhất là trong lĩnh vực khoa học, phụ nữ rất lép vế trước đàn ông. Tình trạng này đã được một số tác giả nữ (ví dụ bà Monique Frize với tác phẩm Lịch sử nữ giới trong khoa học và công nghệ) phê phán nạn phân biệt giới tính trong lĩnh vực khoa học dẫn tới việc đàn ông gần như độc chiếm các giải Nobel Y học/Sinh học, Vật lý và Hóa học.
img
Bà Marie Curie, người phụ nữ duy nhất 2 lần đoạt  giải Nobel khoa học, tính đến thời điểm này. Ảnh: T.M

Với giải Nobel Kinh tế, phụ nữ càng hiếm. Từ ngày thành lập (1901) mãi đến năm 2009 mới có một nữ kinh tế gia người Mỹ, bà Elinor Ostrom, nhận giải này nhưng không trọn vẹn vì phải chia giải với ông Oliver E. Williamson, cũng là một nhà kinh tế Mỹ.

Theo nhà báo Christopher Conelly viết trên trang tin NPR Mỹ, thật ra trong giới khoa học thế giới có quá ít nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu xuất sắc để các Ủy ban Nobel chọn. Và điều này, ở Mỹ, do Bộ luật Chống gia đình trị có hiệu lực đến năm 1971, theo đó phụ nữ không được làm chung với chồng trong cùng một trường đại học. Ác thay, khoảng 50%  nữ khoa học gia Mỹ dính vào bộ luật này từ giữa thế kỷ XX trở về trước. Điều này có nghĩa là các bà không được phép công tác trong các phòng thí nghiệm.

Sharon Bertsch McGrayne, tác giả cuốn Những người phụ nữ đoạt giải Nobel khoa học, nhận xét: “Thật bất công cho các nhà khoa học nữ bởi họ không thể thực hiện một công trình nghiên cứu trong thư viện hay trong nhà bếp”. Tuy vậy, vẫn có một số nữ khoa học gia tìm được cách lách luật. Ví dụ bà Maria Goeppert Mayer, giải Nobel Vật lý 1963, có được một công trình nghiên cứu xuất sắc với tư cách là giáo sư tình nguyện. Hoặc như nữ tiến sĩ sinh hóa Mỹ gốc Czech Gerty Cory, người phụ nữ đầu tiên nhận được giải Nobel Y học/Sinh học năm 1947 với tư cách trợ lý phòng thí  nghiệm không ăn lương.

Ở châu Âu cũng có những rào cản tương tự từ giữa thế kỷ XX trở về trước. Theo nhà sử học Robert Mac Friedman, tác giả cuốn Hậu trường giải Nobel khoa học, phụ nữ khó có cửa học cao, đặc biệt học ở các trường nổi tiếng để có thể có được những công trình khoa học tiên tiến xứng tầm với giải Nobel. Cho nên rất ít người được các đồng nghiệp đề cử và giới thiệu với tổ chức Nobel.

Chiến tranh lạnh (1947-1991) cũng là một nhân tố khiến phụ nữ lép vế trước cánh đàn ông. Đặc biệt từ năm 1948 đến 1962, nhiều phụ nữ được đề cử nhưng không có người nào được chấm bởi vì Ủy ban Nobel có khuynh hướng chọn những người đàn ông mạnh mẽ và những công trình khoa học có nam tính cao.

Coi vậy mà không phải vậy

Theo bà Stephanie Kovalchik, nhà thống kê học ở Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, nếu đơn thuần nhìn vào số lượng nam và nữ đoạt giải Nobel trong hơn 100 năm qua thì dễ bị nhầm lẫn. Muốn chính xác phải xem xét tỉ lệ nam/nữ nhưng sẽ mắc sai lầm nếu muốn tỉ lệ nữ đoạt giải Nobel ngang bằng với tỉ lệ nam/nữ trên thế giới vốn không quá chênh lệch.

Bà Kovalchik đã xem xét cẩn thận danh sách những người được đề cử và đoạt giải Nobel từ năm 1901  đến 1953 được ban tổ chức giải Nobel giải mật sau 50 năm giữ kín theo quy định. Trong lĩnh vực  y  học/sinh học chẳng hạn, bà thấy trong số 5.186 đề cử nam có 62 vị đoạt giải, chiếm tỉ lệ 1,19%. Trong khi đó, năm 1947, bà Gerty Cory đoạt giải  này với tỉ lệ 1,45% ( trên 69 đề cử là nữ). Điều này cho thấy không có bằng chứng của sự thiên vị từ ban tổ chức Nobel.

Tuy nhiên, kể từ những năm 1970 trở về sau, khi số lượng nữ khoa học gia tăng lên đáng kể thì lại xuất hiện một khoảng cách khá rõ giữa nam/nữ. Tỉ lệ nam đoạt giải so với số đề cử cao hơn hẳn  nữ giới. Bà Kolvachik giải thích rằng đó là do ban tổ chức Nobel không theo kịp sự phát triển của giới khoa học nữ sau khi Bộ luật Chống gia đình trị ở Mỹ lỗi thời.

Nhưng theo ông Swen Lidin, Chủ nhiệm Ủy ban Nobel Hóa học, lỗi không phải ở ban tổ chức Nobel. Các giải thưởng khoa học, theo ông, luôn dành cho những phát minh đã được chứng minh sau hàng chục năm, thường là 30 năm trở lên. Mà  thời điểm đó so với ngày nay cán cân lực lượng các nhà khoa học của hai giới rất khác nhau.

Riêng ông Goran Hansson, Thư ký Ủy ban Nobel Y học/Sinh học, nhấn mạnh rằng “nếu 30 năm trước chỉ có 8 phụ nữ đoạt giải thì trong 10 năm trở lại đây có đến 4 người”. Như vậy, không thể nói là có phân biệt đối xử. Vả lại, với giải Nobel, khâu đề cử rất quan trọng mà phụ nữ lại có thói quen ít tự đề cử cho nên họ dễ bị thiệt thòi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo