Giá dầu thế giới tăng vọt 8% hôm 30-11 tới mức cao nhất trong 5 tuần qua sau khi giới chức lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC ) vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Ả Rập Saudi nhượng bộ
Trang Bloomberg dẫn nguồn tin từ một đại biểu giấu tên tham dự cuộc họp quy tụ Bộ trưởng Năng lượng 14 nước thành viên OPEC đang diễn ra ở Vienna- Áo cho biết tổ chức này sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu, xuống mức sản lượng 32,5 triệu thùng mỗi ngày.
Ngay trước cuộc họp, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh bày tỏ niềm tin OPEC sẽ đạt được thỏa thuận về sản lượng. “Tôi nghĩ đây là một hội nghị rất tích cực” - Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail bin Mohammed al-Mazroui lạc quan.
Các vị đồng cấp của ông từ Angola, Algeria và Nigeria cũng tin OPEC sẽ đạt được thỏa thuận trong ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih tại Hội nghị OPEC ngày 30-11 Ảnh: REUTERS
Trong năm 2015, các nhà lãnh đạo OPEC không ít lần nhất trí cắt giảm sản lượng nhưng những nỗ lực của họ đều thất bại, chủ yếu do bất đồng giữa Ả Rập Saudi và Iran, Iraq.
Đến cuộc họp ở Algeria hồi tháng 9 vừa qua, OPEC - chiếm 1/3 sản lượng khai thác dầu toàn cầu - đã thỏa thuận sơ bộ về việc khống chế sản lượng khai thác ở mức 32,5-33 triệu thùng/ngày, so với 33,64 triệu thùng dầu/ngày hiện nay. Khi đó, OPEC nói sẽ không yêu cầu Iran, Libya và Nigeria cắt giảm sản lượng bởi hoạt động khai thác của họ chịu nhiều ảnh hưởng do tình trạng bất ổn và các biện pháp trừng phạt.
Đây được xem là một thắng lợi đối với Iran - quốc gia muốn tăng sản lượng để giành lại thị phần đã mất do bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt. Iraq cũng có đòi hỏi như Iran với lý do cần thêm nhiều tiền để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hiện 2 nước Iran và Iraq sản xuất tổng cộng 8 triệu thùng dầu/ngày, chỉ kém Ả Rập Saudi. Mấy tuần qua, Riyadh cũng thay đổi lập trường và tỏ ý sẵn sàng giảm 0,5 triệu thùng dầu/ngày, trong lúc đề nghị Iran khống chế sản lượng ở mức 3,8 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, trong thư gửi OPEC hôm 29-11, Tehran cho biết nước này muốn sản xuất 4,2 triệu thùng dầu/ngày và đề nghị Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng từ 10,5 triệu thùng/ngày xuống còn 9,5 triệu thùng.
OPEC vẫn “thua”
Tờ The Wall Street Journal nhận định một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các nhà sản xuất bên ngoài khối, như Nga, tham gia nỗ lực chung này. Nga từng tuyên bố sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết gì cho đến khi các thành viên OPEC đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khẳng định nếu OPEC không chịu giảm sản lượng, giá dầu sẽ giảm mạnh - có khả năng xuống còn 35 USD/thùng. Họ nhấn mạnh thị trường rất nhạy cảm, giá cả có thể dao động mạnh tùy theo diễn biến tại Hội nghị OPEC ở Vienna. Bằng chứng là giá dầu đã tăng đến 2% sau khi một đại biểu Iraq cho biết các thành viên OPEC sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, tạp chí Forbes cho rằng một thỏa thuận như thế vẫn chưa đủ bởi dù có nó hay không, OPEC cũng khó có thể chiến thắng trong cuộc chiến với ngành công nghiệp dầu của Mỹ.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama ký ban hành đạo luật bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, các nhà sản xuất Mỹ đã nâng mức xuất khẩu dầu lên 700.000 thùng/ngày, trong đó phần lớn cạnh tranh trực tiếp với dầu thô nhẹ của Nigeria.
Theo các số liệu của chính phủ Mỹ, sản lượng dầu nước này hiện vào khoảng 8,7 triệu thùng dầu/ngày. Hồi đầu năm 2015, có lúc con số này đạt mức cao nhất khoảng 9,6 triệu thùng dầu/ngày.
Bình luận (0)