Một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quân đội nước này đã nã pháo vào Đơn vị Tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở phía Nam TP Jarablus - Syria. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu xem hành động này là bắn cảnh cáo.
Vài ngày trước, các lực lượng phiến quân Syria được sự hỗ trợ của đặc nhiệm, xe tăng và máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Jarablus, một trong những thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Khói bốc lên từ thị trấn biên giới Jarablus thuộc tỉnh Gaziantep. Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters mô tả những tiếng súng và tiếng nổ vang lên khắp các ngọn đồi trong khu vực hôm 25-8. Theo ông Nuh Kocaaslan - thị trưởng thị trấn biên giới Karkamis - Thổ Nhĩ Kỳ, một số vụ nổ được kích hoạt khi các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ phá bẫy mìn còn sót lại sau khi IS rút đi.
Ông cho biết thêm 3 phiến quân ở Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thiệt mạng. Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiện có hơn 20 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ bên trong Syria và có thể được bổ sung nếu cần thiết.
IS không phải là mục tiêu duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan và các quan chức chính phủ cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến dịch "Lá chắn Euphrates" còn nhằm ngăn chặn YPG thế chỗ IS áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara yêu cầu YPG phải rút lui về phía Đông sông Euphrates trong vòng 1 tuần. Trước đó, YPG tiến qua phía Tây con sông khi tấn công tái chiếm TP Manbij - Syria từ tay IS.
Sự kiên quyết của Ankara khiến Mỹ phải xoa dịu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 25-8, bảo đảm YPG đang rút lui theo yêu cầu Ankara. Phát ngôn viên của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu cũng nói Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), trong đó YPG là nòng cốt, đã rút lui khỏi sông Euphrates để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Raqqa, thành trì IS tại Syria.
Chưa hết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24-8 còn nói Thổ Nhĩ Kỳ "sẵn sàng ở lại Syria cho tới khi tiêu diệt hết IS".
Ankara xem YPG là một mối đe dọa bởi vì mối quan hệ chặt chẽ của lực lượng này với các phiến quân người Kurd đang tiến hành các cuộc nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 thập kỷ qua. Nước này sợ người Kurd mở rộng sự kiểm soát dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
YPG là một trong những lực lượng mạnh nhất ở Syria và được coi là xương sống của SDF, một liên minh do Mỹ hậu thuẫn được thành lập hồi tháng 10-2015 để chống lại IS.
Quan điểm thù địch YPG của Ankara gây khó khăn cho Mỹ. Bản thân Ankara cũng khó chịu vì Washington ủng hộ YPG mạnh mẽ, như thông điệp của phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan trên Twitter mới đây: "Nhận định cho rằng YPG là lực lượng duy nhất đánh IS hiệu quả đã sụp đổ".
Đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng Reuters đưa tin ít nhất 11 người chết và 78 người bị thương sau khi một chiếc xe chở bom lao thẳng vào trụ sở cảnh sát tại thị trấn Cizre của Thổ Nhĩ Kỳ (gần biên giới Syria) sáng 26-8.
Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy khói đen nghi ngút bốc lên từ hiện trường. Ngay sau khi xảy ra vụ đánh bom, hãng thông tấn xã Anadolu quy trách nhiệm cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Hầu như ngày nào PKK cũng tổ chức đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ hồi tháng 7 khi thỏa thuận ngừng bắn giữa họ và chính phủ đổ vỡ. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã xếp tổ chức PKK vào danh sách những tổ chức khủng bố.
Bình luận (0)