“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với các đối tác ở Philippines để điều chỉnh sự hỗ trợ sao cho phù hợp với chính sách của chính quyền mới nước này” - phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross cho biết. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Manila liên quan đến vấn đề nói trên. Dù vậy, ông Kirby tái khẳng định cam kết của Mỹ với đồng minh ở Đông Nam Á.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút hết khỏi miền Nam nước nàyẢnh: GRAM.PL
Phản ứng trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông muốn lực lượng đặc nhiệm Mỹ rời khỏi miền Nam nước này, đồng thời đổ lỗi cho Washington kích động các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo tại khu vực. “Lực lượng đặc biệt Mỹ, họ phải đi. Tôi không muốn bất hòa với Mỹ nhưng họ phải đi thôi” - Tổng thống Duterte hôm 12-9 nhấn mạnh trong phát biểu đầu tiên công khai phản đối sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở Philippines. Dù vậy, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 13-9 tìm cách giảm nhẹ phát biểu trên của ông Duterte khi cho rằng nhà lãnh đạo này chỉ có ý “muốn cứu tính mạng binh sĩ Mỹ” trước nguy cơ bị các phần tử nổi dậy tấn công. Trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN, ông Yasay xác nhận 2 nước vẫn chưa thảo luận yêu cầu trên của Tổng thống Duterte.
Mối quan hệ của ông Duterte với Mỹ gặp không ít trục trặc kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 6. Tổng thống Philippines đã công khai chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ cũng như muốn theo đuổi chính sách ngoại giao không phụ thuộc đồng minh này. Quân đội Mỹ đã điều động 600 cố vấn quân sự đến khu vực Mindanao, miền Nam Philippines, hồi năm 2002 để huấn luyện, cố vấn và cung cấp thông tin tình báo cũng như vũ khí cho binh sĩ địa phương đối phó nhóm phiến quân Abu Sayyaf. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn khoảng 100 người, theo Ngoại trưởng Yasay.
Bình luận (0)