xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức ép chồng chất lên ông Trump

LỤC SAN

Hy vọng lật ngược tình thế tại cuộc tranh luận thứ hai của ông Trump bị giáng đòn mạnh bởi những phát biểu thô tục về phụ nữ

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đối đầu nhau trong buổi tranh luận thứ hai tại Trường ĐH Washington ở TP St. Louis, bang Missouri vào đêm 9-10 (giờ địa phương).

“Người nhà” hắt hủi

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên, cuộc đối đầu này được tiến hành dưới hình thức tiếp xúc cử tri với các chủ đề thảo luận mở. Sau khi tỉ phú Trump có màn trình diễn khá nhạt nhòa và để đối thủ áp đảo trong cuộc tranh luận trước, các cử tri Đảng Cộng hòa (GOP) hy vọng ông sẽ có màn phản công ấn tượng.

Dù vậy, vụ bê bối mới liên quan đến những bình luận thô tục về phụ nữ của ông Trump đã giáng đòn mạnh vào hy vọng này. Đây nhiều khả năng là chủ đề chính tại cuộc tranh luận nói trên, nơi phân nửa số câu hỏi được đặt ra trực tiếp với 2 ứng cử viên từ chính cử tọa - phần lớn là những cử tri còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều thành viên cao cấp của GOP tuyên bố không bỏ phiếu cho ông Trump. “Tôi không thể và sẽ không ủng hộ một ứng cử viên tổng thống khoe khoang về chuyện xúc phạm và cưỡng bức phụ nữ” - nữ thượng nghị sĩ Kelly Ayotte ở bang New Hampshire tuyên bố.

Bà Ayotte nhấn mạnh không bầu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ mà ghi vào phiếu bầu tên ứng viên phó tổng thống Mike Pence, người buộc phải thừa nhận những lời lẽ của ông Trump là không thể bào chữa. Một số thành viên khác của GOP cũng khẳng định sẽ bầu cho ông Pence.

Đáng chú ý, hai nhân vật “sừng sỏ” thuộc GOP - thượng nghị sĩ John McCain, từng là ứng viên tổng thống và cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice - cũng “nói không” với ông Trump. Ông McCain nhận định bình luận của ông Trump khiến ông ta không thể tiếp tục dành cho tỉ phú bất động sản này cả sự ủng hộ có điều kiện, còn bà Rice quả quyết: “Đủ rồi! Donald Trump sẽ không là tổng thống. Ông ta nên rút lui”.

Bất chấp sự hắt hủi của “người nhà”, ông Trump khẳng định sẽ không từ bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và sẽ không bao giờ để những người ủng hộ ông cảm thấy thất vọng.


Tỉ phú Donald Trump đối mặt thêm nhiều thách thức trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: AP

Tỉ phú Donald Trump đối mặt thêm nhiều thách thức trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: AP

Ngày càng khó đoán

Sức ép đang gia tăng lên ông Trump sau khi tờ The Washington Post hôm 7-10 công bố một đoạn video quay năm 2005, trong đó ông Trump khoe khoang ông có thể sờ soạng phụ nữ mà không bị phạt, từng tìm cách quan hệ tình dục với một phụ nữ có chồng cũng như nhiều câu nói tục tĩu khác xúc phạm phụ nữ.

Chưa hết, đài CNN một ngày sau đó đăng tải gần 20 trích đoạn trả lời phỏng vấn của ông Trump với giới truyền thông trong suốt 17 năm qua. Nội dung những cuộc phỏng vấn này chứa đựng những tuyên bố mang tính chất thiếu tôn trọng phụ nữ của ông Trump.

Chẳng hạn, ứng viên tổng thống này nói về chuyện ông sẵn sàng quan hệ tình cảm với các cô gái trẻ tuổi hơn ông nhiều cũng như những bình luận “cởi mở” khác nữa. Thậm chí, ông Trump còn kể chi tiết về cuộc sống riêng tư với người vợ thứ ba Melania, nói về sự phản bội vợ chồng như một điều bình thường hoặc bàn tán về ngoại hình của các phụ nữ khác.

Ứng viên tổng thống của GOP đêm 7-10 đã công bố một đoạn video xin lỗi cử tri vì những bình luận trên. Nhân dịp này, ông Trump cũng công kích cựu tổng thống Bill Clinton. “Sự thực là ông Bill Clinton đã lạm dụng phụ nữ, còn bà Hillary thì bắt nạt, tấn công và khiến cho các nạn nhân của ông ta xấu hổ. Chúng ta sẽ tranh luận điều đó” - ông Trump tuyên bố.

Theo trang Yahoo! News, những lời lẽ trên cho thấy ông Trump có thể lái sự chú ý của cử tri sang quá khứ phản bội của ông Clinton và cáo buộc hiếp dâm chống lại cựu tổng thống này của bà Juanita Broaddrick.

Ông Aaron Kall, một nhà phân tích về tranh luận tại Trường ĐH Michigan, nhận định làn sóng công kích mới nhất có thể khiến ông Trump càng trở nên khó đoán hơn trong cuộc tranh luận thứ hai.

Vì thế, bà Clinton cần chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ từ đối thủ khi ông này dọa công kích cuộc hôn nhân của bà. Ngoài ra, bà cũng phải sẵn sàng đối phó khi ông Trump nêu vụ rò rỉ những email của ông John Podesta, chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, hôm 7-10. Nội dung các email này có chứa đoạn trích từ những bài phát biểu được trả tiền của bà Clinton ở Phố Wall và các nơi khác.

Dù vậy, một số nhà phân tích cảnh báo cả 2 ứng viên có thể gặp rắc rối nếu dành quá nhiều thời gian đề cập tới những vụ bê bối hoặc tự bào chữa thay vì lôi kéo những cử tri còn đang lưỡng lự tại cuộc tranh luận.

Đảng Cộng hòa bó tay

Vụ lùm xùm mới nhất liên quan đến tỉ phú Trump càng thôi thúc nhiều thành viên GOP thăm dò mọi phương thức có thể để thay thế ứng viên tổng thống này. Dù vậy, những quy định của chính Ủy ban Quốc gia GOP (RNC) và luật bầu cử khiến cho đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi, nhất là khi quá trình bỏ phiếu sớm đã bắt đầu diễn ra khắp nước. Bản thân Tổng thống Barack Obama đã đi bỏ phiếu tại TP Chicago hôm 7-10.

Trở ngại đầu tiên đến từ việc ông Trump vẫn cương quyết không chịu rời cuộc đua vào Nhà Trắng bất chấp vụ bê bối mới nhất. Trong trường hợp tỉ phú này chịu làm thế, RNC có thể chọn ông Pence hoặc bất kỳ người có đủ tư cách nào khác thay thế. Tuy nhiên, việc cử tri cả nước có thể bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống mới của GOP hay không lại phụ thuộc vào luật bầu cử của từng bang. Ít nhất 34 bang tiến hành bỏ phiếu sớm và một số bang cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện. Điều này có nghĩa lá phiếu có tên ông Trump đã được in và gửi đi. Một rào cản khác, theo đài NBC News, là hạn chót đăng ký ứng viên tại hầu hết bang đã qua từ lâu.

Trong trường hợp các bang không chịu ghi tên ứng viên mới lên lá phiếu, GOP có thể đệ đơn yêu cầu tòa án buộc những địa phương này làm thế - một tiến trình tốn nhiều thời gian, công sức trong lúc cơ hội chiến thắng không được bảo đảm 100%. Nói tóm lại, ông Josh Putnam, giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Georgia (Mỹ), đúc kết rằng GOP không còn đủ thời gian cho việc thay ứng viên cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8-11 tới.

Đó là lý do ông Marc Elias, luật sư của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, lên tiếng bảo đảm với các thành viên Đảng Dân chủ rằng sẽ không có cách gì GOP “gạch tên” ông Trump khỏi lá phiếu. Theo ông Elias, tỉ phú Trump vẫn là đối thủ của bà Clinton bất kể chuyện gì xảy ra từ giờ đến khi bầu cử diễn ra.

Phương Võ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo