xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tại sao nhiều người Nhật thích xăm mình?

Đỗ Chuyên (theo AFP)

Không còn là điều cấm kỵ như thuở ban đầu, xăm mình đã trở thành một nghệ thuật, một thứ “mốt thời thượng” được nhiều người Nhật mến mộ. Một sự tiến triển của lối sống trong 50 năm qua

Horiyoshi III, 58 tuổi, được coi là một trong những nghệ nhân xăm mình vĩ đại nhất còn sống của Nhật Bản. Ông đã nâng thú chơi xăm mình lên một tầm cao nghệ thuật mới được nhiều người ưa thích.

Horiyoshi không phải là tên thật của ông mà là một nghệ danh. Nếu có ai hỏi trên thân thể ông có chỗ nào không có hình xăm, ông sẵn sàng giơ cao hai lòng bàn chân và nói: “Chỉ có chỗ này”. Tên thật ông là Yoshihito Nakano, vì tiếng Nhật “hori” có nghĩa là chạm khắc nên ông ghép 2 từ “hori” và “yoshi” thành Horiyoshi, hiểu theo nghĩa là nhà chạm khắc Yoshi.

Thân hình xăm nhiều màu sắc của Horiyoshi có nét độc đáo là trên đỉnh đầu ông, dưới mái tóc mỏng lơ thơ có một hình xăm màu đỏ chữ “Đức Phật” bằng tiếng Phạn. Cổ ông xăm hình một con nhện lớn cuốn quanh, toàn bộ tấm lưng là hình một cô tiếp viên geisha có bộ mặt sơn trắng. Một con cá chép lớn màu đỏ đang bơi trong dòng nước trong xanh chiếm gần nửa phần bụng ông. Đây chính là hình xăm mà Horiyoshi nhìn thấy ở một người đàn ông trong một buồng tắm hơi Nhật Bản khi ông mới 8 tuổi. Hình xăm này mê hoặc ông suốt cả cuộc đời, như lời Horiyoshi tâm sự.

Ý định xăm mình lần đầu đến với Horiyoshi khi ông 10 tuổi thử vẽ một chiếc nhẫn trên ngón tay bằng mực. Trả lời phỏng vấn của AFP về ý định này, Horiyoshi nói: “Tôi muốn tạo cho mình dáng vẻ bướng bỉnh khác người”.

21 tuổi, Horiyoshi tầm sư học đạo, theo học nghề xăm tại xưởng vẽ của thầy xăm Horiyoshi II. Sau 12 năm học, ông nối nghiệp thầy vào năm 1979. Từ đó ông không dùng tên khai sinh Yoshihito Nakano nữa mà trở thành Horiyoshi III, tức là thế hệ thứ ba kể từ khi thầy xăm Horiyoshi đầu tiên của Nhật Bản qua đời năm 1991.

Trong gần nửa thế kỷ hành nghề xăm tại Yokohama, Horiyoshi đã chứng kiến sự đổi thay của thời cuộc, tháo gỡ việc xăm mình khỏi cái vòng kim cô kiêng kỵ để trở thành mốt trang điểm được nhiều người thừa nhận và được coi là một nghệ thuật hợp pháp.

Horiyoshi được mời tham dự tất cả các cuộc hội nghị quốc tế lớn về xăm mình và đã có nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Báo chí Nhật ngợi khen ông không hổ danh là người kế nghiệp xứng đáng 2 bậc sư phụ Horiyoshi I và II. Tuy nhiên, ông tỏ ra khiêm tốn: “Tôi thực sự không có một thương hiệu nào của riêng mình”.

Xưởng xăm của Horiyoshi III tại thành phố Yokohama không khi nào vắng khách. Bình quân mỗi ngày ông xăm cho 10 khách. Ông nói: “Hầu hết họ trên dưới 20 tuổi, kể cả phụ nữ. Đúng, giờ đây xăm mình không còn là điều bất bình thường ở Nhật nữa”.

Quả thật, cho đến gần đây, xăm mình vẫn bị thành kiến, bị coi là đặc trưng của những phần tử thuộc băng nhóm mafia yakuza. Những ai có hình xăm trên mình đều bị cấm đến những nơi tôn nghiêm, thậm chí bị cấm vào các nhà tắm. Nhưng, người Nhật đã dần quen với hình ảnh “nishiki-hada” (tiếng Nhật có nghĩa là thêu gấm trên da) xăm trên mình các ngôi sao nhạc rock Mỹ, châu Âu và các ngôi sao thể thao nhiều nước.

Horitomo, 38 tuổi, đồ đệ trung thành của Horiyoshi nói: “Thú vui xăm mình chỉ mới bùng nổ ở Nhật khoảng 50 năm nay. Giờ đây lớp trẻ không còn xa lạ với nó nữa”. Tuy nhiên, ông thừa nhận đôi khi vẫn bị nhiều người nhìn soi mói, tỏ ra khó chịu khi ông mặc áo ngắn tay để lộ hai cánh tay xăm kín các hình vẽ. Horitomo cho biết: “Thầy Horiyoshi đã xăm những hình đó trong 6 năm trời mới xong”.

Một khách xăm 31 tuổi trong xưởng xăm của Horiyoshi không chịu xưng tên, nói: “Ở thế hệ chúng tôi không còn sự kiêng kỵ xăm mình nữa”. Anh cho biết sẵn sàng tiêu 1 triệu yen (140 triệu VNĐ) để chịu “cực hình” trong 50 giờ xăm hình đầu rồng trên lưng.

Do số người xăm mình ở Nhật ngày càng nhiều, coi xăm là mốt sành điệu (!) nên việc xăm mình theo truyền thống Nhật Bản cuối cùng đã được công nhận là một nghệ thuật. Theo Horitomo, môn đệ của Horiyoshi III, “xăm mình là một nghệ thuật sống tồn tại, phát triển và chết khi chủ mang nó trên mình nhắm mắt xuôi tay”. Còn với Horiyoshi, nghệ thuật truyền thống này đáng được tôn trọng vì nó ra đời ở Nhật từ thế kỷ 17. Nhưng Horitomo sợ rằng vì ngày càng phổ biến, xăm mình có thể sẽ mất đi phần nào chất thần bí vốn có của nó. Vì vậy theo ông thì “tốt nhất nên giữ cho được đôi chút thần bí của nghệ thuật xăm. Nếu ai cũng làm được như vậy thì xăm mình không có gì là lập dị nữa”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo