Bộ Quốc phòng Tunisia xác nhận thiếu tướng Fathi Bayoudh, một bác sĩ chiến trường, là một trong những nạn nhân thiệt mạng.
Truyền thông địa phương đưa tin ông Bayoudh đến Thổ Nhĩ Kỳ để tìm con trai, người đến Syria gia nhập IS vài tháng trước cùng với bạn gái. Hiện người này bị quân dội Thổ Nhĩ Kỳ tạm giam ở biên giới Syria, theo một nguồn tin.
Tunisia là một trong những nước có nhiều người gia nhập IS tại Iraq và Syria nhất. Các nhà chức trách ước tính có hơn 3.500 người Tunisia rời nước đến đầu quân cho IS và các nhóm khác ở Syria, Iraq và Lybia. Một vài người thậm chí còn được giữ các vị trí chỉ huy.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một ngày quốc tang sau vụ tấn công sân bay Istanbul hôm 28-6 khiến 42 người thiệt mạng và 239 người bị thương. Đây được xem là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
Thân nhân của các nạn nhân than khóc bên ngoài một nhà xác ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Ba nghi phạm nghi là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đến sân bay bằng taxi sau đó xả súng vào cửa ra vào. Khi bị cảnh sát bắn trả, chúng kích nổ đai bom quấn trên người.
Thủ tướng Binali Yildirim cho biết các dấu hiệu ban đầu cho thấy những tên tấn công thuộc tổ chức IS. Giám đốc CIA John Brennan cũng đồng tình với suy luận trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Các nhà chức trách đang điều tra máy quay an ninh, lời kể của các nhân chứng và những đoạn video quay bằng điện thoại của hành khách để xác định danh tính thủ phạm. Họ cho rằng chúng có thể là người nước ngoài nhưng chưa xác nhận thông tin này.
Hãng tin AP trích lời ông Yildirim cho biết một nghi phạm kích nổ bên ngoài cửa ra vào trong khi 2 tên còn lại phát nổ bên trong sân bay. Máy quay an ninh cho thấy 1 tên di chuyển vào trong trong khi mọi người xung quanh tháo chạy. Hắn bị cảnh sát bắn ngã xuống sàn khoảng 20 giây trước khi kích nổ.
Người thân bày tỏ lòng thương tiếc với các nạn nhân. Ảnh: EPA
Paul Roos, một trong những nhân chứng tại sân bay, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters rằng anh nhìn thấy một trong những kẻ tấn công: “Hắn mặc toàn màu đen, không đeo mặt nạ. Hai vụ nổ xảy ra khá gần nhau. Lúc đó hắn ta đã ngừng xả súng”.
“Hắn ta quay lại và bắt đầu tiến gần đến chỗ chúng tôi trốn, súng để trong áo khoác. Hắn nhìn xung quanh để xem có ai tiến tới ngăn chặn không rồi mới bước xuống thang cuốn. Chúng tôi nghe thấy thêm vài tiếng súng, một tiếng nổ khác và rồi tất cả chấm dứt” – anh Roos bàng hoàng nhớ lại.
128 người bị thương gồm nhiều quốc tịch vẫn đang được điều trị trong bệnh viện. Các chuyến bay đã được tiếp tục vào sáng 29-6 (giờ địa phương), tuy nhiên có nhiều chuyến bị hoãn hoặc hủy.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 29-6 tuyên bố một ngày quốc tang và khẳng định vụ tấn công là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Phát biểu tại thủ đô Ankara, ông Erdogan cam kết dù là mục tiêu của “nhóm khủng bố tàn bạo nhất”, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Ngoài ra, ông nói thêm rằng những kẻ tấn công “không phải người Hồi giáo”.
Một khẩu súng bị vứt lại tại sân bay. Ảnh: REUTERS
Việc IS không lên tiếng ngay lập tức cho vụ tấn công sân bay Istanbul không phải là điều đáng ngạc nhiên, theo phân tích của đài BBC. Tổ chức này hiếm khi nhận trách nhiệm cho những vụ tấn công Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù chúng thường xuyên rêu rao các vụ ám sát nhà hoạt động Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhất, tất cả các dấu hiệu cho thấy IS đứng đằng sau vụ việc này. Các cơ quan chống khủng bố của Anh gọi đây là một vụ “tấn công vũ trang khủng bố chớp nhoáng”, gọi tắt là MTFA. Mục tiêu là những hành khách nước ngoài và nhân viên mặt đất tại sân bay đông đúc thứ 3 của châu Âu.
IS đang nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì chính phủ nước này có quan hệ quá gần gũi với NATO và hỗ trợ cuộc chiến chống IS của liên quân quốc tế. Ngoài ra, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang dần xóa sổ các mạng lưới khủng bố của IS trong nước, khiến tổ chức này cảm thấy áp lực.
Bình luận (0)