xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm hiểu các loại tên lửa Đông Phong của Trung Quốc

Theo Nguyễn Hường (Bee.net)

Thời gian gần đây, báo chí nước ngoài đồng loạt đưa tin về việc quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu và chuẩn bị cho phóng thử nghiệm tên lửa Đông Phong 21D (ASBM) có biệt danh “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Một số nhà phân tích cho rằng, đây như động thái phản ứng lại hoạt động tập trận chung của Mỹ và các đối tác trên biển Hoàng Hải.
 
Trung Quốc sắp thử nghiệm tên lửa diệt tàu sân bay Mỹ?
 
Theo tin tức được Đài phát thanh nhân dân trung ương Trung Quốc (CNR) đưa hôm 13-8, Tập đoàn công nghệ Hàng không Trung quốc (CASIC) tuyên bố sẽ tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí mới quan trọng cấp quốc gia.
 
Tuy thông báo trên không nêu cụ thể loại vũ khí mới được thử nghiệm là gì nhưng lại cho đăng hình ảnh đi kèm là cảnh mô phỏng tên lửa Đông Phong 21C đang tấn công tàu sân bay Mỹ.
 
Ngoài ra, CNR cũng đưa tin cho biết, Hứa Đạt Triết – Bí thư đảng ủy, Tổng giám đốc CASIC trong ngày 5 và 6-8 đã 4 lần đích thân tới hiện trường thử nghiệm tên lửa để đôn đốc cổ vũ nhân viên.
 
img
Ảnh mô phỏng DF-21C tấn công tàu sân bay
 
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc phân tích có thể loại vũ khí mới đó chính là tên lửa đạn đạo tầm trung Đông phong 21D, cùng dòng và là phiên bản mới của Đông phong 21C.
 
Bắc Kinh có lẽ vừa kết thúc giai đoạn nghiên cứu chế tạo mặc dù nhiều người vẫn hoài nghi là làm thế nào mà Trung Quốc có thể nhanh chóng hoàn chỉnh độ chính xác của loại tên lửa này để “diệt” được một tàu sân bay đang di chuyển trên đại dương.
 
Còn phía Bắc Kinh vẫn không khẳng định hay bác bỏ những thông tin trên. Trong khi tờ Wen Wei Po Daily của Hong Kong trong loạt bài viết về chủ đề trên đã trích dẫn lời một đô đốc Mỹ giấu tên cho biết: "Nếu Trung Quốc tấn công một tàu sân bay của Hoa Kỳ bằng một quả tên lửa DF-21, Hoa Kỳ sẽ phản công lại bằng một vũ khí hạt nhân".
 
Lịch sử phát triển tên lửa đạn đạo của Trung Quốc
 
Đông Phong là tên gọi chung cho một loạt các loại tên lửa đạn đạo chiến lược và chiến thuật do Trung Quốc sản xuất và đang giúp nước này lấy thế cân bằng sức mạnh với các cường quốc khác.
 
Đông Phong có phiên âm tiếng trung là Dongfeng (Dong Feng) hay còn được gọi tắt là DF.
 
Sau khi ký Hiệp ước Hữu nghị Trung – Xô liên minh với nội dung hỗ trợ lẫn nhau năm 1950, Liên Xô đã giúp đỡ Trung Quốc đào tạo, chuyển giao các tàu liệu kỹ thuật, sản xuất thiết bị và cấp giấy phép sản xuất vũ khí của Liên Xô cho nước này.
 
Viên gạch đầu tiên của nền móng binh chủng tên lửa đạn đạo của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) bắt đầu kể từ khi nước này đạt được thỏa thuận với Liên Xô về việc làm quen, huấn luyện sử dụng những loại vũ khí chiến lược trong thời gian từ năm 1957 tới năm 1962.
 
Và chính trong thời gian này, phía Moscow đã chuyển giao cho Bắc Kinh rất nhiều  tài liện nghiên cứu thiết bị quân sự kỹ thuật cao trong đó có bản chi tiết kỹ thuật của các loại tên lửa đất đối đất R-1 (hay còn được NATO đặt tên là SS-1), R-2 (SS-2) và R-11F.
 
Dựa trên các tài liệu và tên lửa mẫu loại R-2, năm 1960 Trung Quốc đã chế tạo và bắn thử thành công tên lửa đầu tiên của mình có tên gọi là Đông Phong 1 (DF-1). Kể từ đó, quốc gia này đã đạt được nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, công nghệ chế tạo các loại tên lửa đạn đạo.
 
Một số loại tên lửa tiêu biểu Đông phong
 
- Đông phong - 1 (DF-1, SS-2)
 
img
DF-1 nằm trong bảo tàng Trung Quốc
 
Tên lửa đầu tiên do Trung Quốc chế tạo mang tên Đông phong 1 là bản sao tên lửa R-2 được cấp giấy phép của Liên Xô được sản xuất trong những năm 1960.
 
DF-1 có chiều dài 17,68m, đường kính 1,65m, khối lượng 20,4 tấn và có tầm bắn lớn nhất là 550km. Tên lửa DF-1 sử dụng nhiên liệu lỏng gồm hỗn hợp của oxi và cồn, có khả năng mang theo một đầu đạn quy ước nặng 1,3 tấn.
 
- Đông Phong 2 ( DF-2, CSS-1)

img

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, lửa tầm trung DF-2, được Trung Quốc tuyên bố là sản xuất với công nghệ tự cứu, nhưng thực chất được phát triển trên cơ sở của loại tên lửa R-5 (SS-3 Shyster) của Liên Xô.
 
DF-2 được đưa vào phục vụ trong quân đội kể từ cuối thập niên 1960 và nghỉ hưu vào năm 1980.
 
Mặc dù thử nghiệm đầu tiên của loại tên lửa này thất bại ngày 21-3-1962, Trung Quốc không nản chí và họ đã thành công trong cuộc thử nghiệm đầu tiên ngày 29-6-1964 sau khi giảm khối lượng tên lửa từ 45,5 tấn xuống 40,5 tấn và hạ tầm bắn xuống còn 1.050km.
 
Phiên bản DF-2A có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ra mắt năm 1966, chiều dài 20,6 mét; đường kính 1,65 mét; khối lượng 32 tấn và có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân 12 Kiloton đi xa 1.250 km.
 
DF-2A có thời gian chuẩn bị khá lâu, phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ người ta mới có khả năng phóng một tên lửa loại này. 
 
- Đông Phong 3 (DF-3, CSS-2)

img

DF-3 thường được xem là tên lửa đạn đạo tầm trung “hiện đại” đầu tiên mà nước này chế tạo. Sau khi Liên Xô từ chối cung cấp cho Trung Quốc thiết kế của tên lửa R-12, Trung Quốc quyết định phát triển loại tên lửa đạn riêng của mình trong những năm 1960 và cho bắn thử lần đầu năm 1967.
 
Chương trình chế tạo DF-3 còn được bắt đầu trước cả chương trình chế tạo DF-1. Nhưng do sự yếu kém về kỹ thuật lúc bấy giờ, họ đã không thể hoàn thành mẫu thiết kế này của mình.
 
Phiên bản ban đầu của DF-3 có tầm bắn 2.650 km với đầu đạn 2.150 kg, sau đó năm 1981, DF-3 được nâng cấp lên DF-3A có tầm bắn 2.800 km và có khả năng mang theo 3 đầu đạn hạt nhân loại từ 50 - 100 Kilotont.
 
Cho đến khi ngừng sử dụng năm 2002, Trung Quốc đã sản xuất rất nhiều DF-3. Quân đội Trung Quốc từng sử dụng từ 90 - 120 tên lửa và 36 - 60 tên lửa đã được bán cho Ả Rập Xê-út kèm đầu đạn hạt nhân.
 
Từ thiết kế của tên lửa DF-3, Trung Quốc đã thiết kế thành công tên lửa CZ-1 (Trường Chinh-1) để phóng vệ tinh đầu tiên của họ lên vũ trụ năm 1971.
 
Hầu hết DF-3 và DF-3A đã không còn được quân đội Trung Quốc sử dụng nữa. Còn lại 30-40 chiếc dự kiến sẽ được thay thế bằng DF-21.
 
- Đông Phong 4 (DF-4, CSS-3)

img

Đây là loại tên lửa liên lục địa DF-4 (ICBM) đầu tiên của Trung Quốc này được thiết kế với tầm bắn lên tới 4.750 km có thể vươn tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, hoặc tấn công thủ đô Moscow của Nga.
 
Sử dụng loại động cơ tương tự DF-3, nhưng DF-4 đã được cải tiến tăng thêm một tầng đẩy giúp nó có thể mang một đầu đạn hạt nhân 3 Megaton nặng 2.200kg, có thể bay xa từ 5.500 đến 6.000km. 
 
Phiên bản cải tiến DF-4A có thể bắn được các mục tiêu ở khoảng cách xa đến 7.000 km. DF-4 thường được đặt trong các hầm phóng thẳng đứng giấu kín trong núi và có thể phóng sau hai giờ chuẩn bị.
 
DF-4 được thử thành công lần đầu tiên vào tháng 11/1971, tuy nhiên mãi đến năm 1984, loại tên lửa này mới được trang bị cho quân đội.
 
Lý do chính của việc chậm trễ này là tiềm lực của Trung Quốc có giới hạn khi liên tục phát triển và sản xuất các loại tên lửa đạn đạo trong thời gian ngắn.
 
Đến năm 1997, quân đội nước này đã có tất cả 20 tên lửa DF-4. Hiện cả 20 tên lửa này vẫn còn phục vụ và dự kiến sẽ được thay thế bằng DF-31 trong giai đoạn 2010-2015.
 
- Đông Phong 5 (DF-5, CSS-4)

img

Các DF-5 là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), được thiết kế để mang một đầu đạn hạt nhân 3 megaton nặng 3,2 tấn và có tầm bắn tối đa lên tới 12.000 km có thể được sử dụng để phóng các vệ tinh. Với tầm bắn này, tên lửa DF-5 có thể vươn tới phần phía tây của nước Mỹ cũng như toàn bộ châu Âu.
 
DF-5 cũng là loại tên lửa đạn đạo có kích thước lớn nhất trong lực lượng tên lửa của Trung Quốc với chiều dài 33m, đường kính 3,4m và khối lượng lúc phóng lên tới 183m. DF-5 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng hai tầng đẩy với nhiên liệu chính là Dimetylhydrazin và Nito Tetraoxit.
 
DF-5 được phát triển từ những năm 1960 nhưng cho tới năm 1981 nó mới được biên chế vào lực lượng quốc phòng Trung Quốc sau khi thử nghiệm thành công vào năm 1981 nó đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 9.000 km trên biển Thái Bình Dương.
 
Năm 1986, một biến thể cải tiến của nó là DF-5A ra đời được cho là có độ chính xác cao hơn (độ lệch 1km) với tầm bắn lên tới 13.000 km có thể vươn tới hầu hết các điểm trên nước Mỹ. Đến năm 2000, còn lại 30 tên lửa loại này được trang bị cho quân đội Trung Quốc đều là phiên bản DF-5A.
 
- Đông Phong - 11 ( DF-11)

img

Đông phong – 11 hay còn được gọi là M-11 được Trung Quốc sản xuất để cạnh tranh với tên lửa Scud của Nga. PLA đã được trạng bị 500 quả tên lửa loại này từ năm 1987.
 
DF-11 có tầm phóng 300 km và mang theo đầu đạn nặng 800 kg và phiên bản cải tiến DF-11A có tầm xa tăng lên 825 km.
 
Năm 1992, Trung Quốc đã bán 34 quả DF-11 cho Pakistan và dựa trên loại tên lửa này quân đội Pakistan đã chế tạo loại tên lửa nội địa Shaheen với tầm bắn xa hơn và được biên chế trong quân đội Pakistan kể từ năm 1999.
 
DF-11 sử dụng nhiên liệu rắn, được chuyên chở và phóng trên khung xe 8 bánh với thời gian chuẩn bị phóng chỉ từ 30 đến 45 phút trong khi các nhiên liệu lỏn đòi hỏi thời gian khởi động là 2 giờ. Đây cũng là loại tên lửa có độ chính xác cao với độ lệch mục tiêu chỉ trong khoảng 200m.
 
- Đông Phong - 15 (DF-15)

img

Được biết tới nhiều hơn với tên gọi M-9 (phiên bản xuất khẩu), tên lửa DF-15 là loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn với khả năng mang đầu đạn 500 kg đến mục tiêu ở khoảng cách 600km với độ lệch 280m, thời gian khởi động là 30 phút. DF-15 được phát triển bởi Học viện Công nghệ Rocket Motor.
 
DF-15 sử dụng nhiên liệu rắn, bản cải tiến độ lệch giảm xuống chỉ còn khoảng 30-45m. Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại eo biển Đài Loan năm 1995-1996, Trung Quốc đã tổ chức tập trận cho bắn thử 10-11 quả loại tên lửa này để “nhắc nhở” vùng lãnh thổ này cân nhắc quyết định tuyên bố độc lập. Hiện quân đội Trung Quốc có khoảng 200 quả tên lửa loại này.
 
- Đông Phong - 21 (DF-21/JL-1)

img

DF-21 là tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn có thể phóng từ xe phóng đạt tầm xa lên tới 1.800 km và mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng 600 kg.
 
DF-21 được chế tạo để thay thế hoàn toàn DF-3 với khả năng phóng cực nhanh khi thời gian chuẩn bị 10-15 phút, độ chính xác cao (độ lệch 3-400m).
 
Đây cũng là tên lửa đạn đạo đầu tiên được Trung Quốc cải tiến để trang bị cho lực lượng tàu ngầm chiến lược có tên JL-1 (Cực Lãng 1).
 
Theo sách trắng của Nhật Bản công bố năm 2002, hiện Trung Quốc có khoảng 70 quả tên lửa đạn đạo có thể chạm tới đất Nhật trong đó đa số là DF-21.
 
- Đông Phong - 31 (DF-31)

img

Là loại tên lửa hiện đại sử dụng ba tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, được trang bị cho quân đội Trung Quốc trong khoảng những năm 2006 - 2007.
 
Được thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào ngày 4-9-2006, tên lửa DF-31 với tầm bắn lên tới 8.000 km, có khả năng mang một đầu đạn 1.000 kiloton hoặc tối đa 3 đầu đạn MIRV 20-150 kiloton.
 
Từ tên lửa DF-31, Trung Quốc cũng đã phát triển phiên bản dành riêng cho tầu ngầm với tên JL-2 (Cự Lãng - 2).
 
- Đông Phong - 41 (DF-41)
 
DF-41 được thiết kế có tầm xa từ 12.000-14.000 km và có thể trạng bị 3 đến 6 thậm chí là 12 đầu đạn MIRV.
 
DF-41 được nghiên cứu chế tạo từ năm 1984, thử nghiệm thành công tháng 5-1995 trước cả DF-31. Tuy nhiên DF-41 vẫn còn một số nhược điểm như độ chính xác chưa cao cùng nhiều vướng mắc kỹ thuật chưa giải quyết được nên chưa được trang bị cho các đơn vị chiến đấu.
 
- Đông Phong - 25 (DF-25)
 
Khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc, ngày 29-8-2008, kênh CCTV-7 thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc trong mục “Điểm báo quân sự” đã công bố thông tin về việc nước này sản xuất loại tên lửa mới nhất DF-25.
 
Mọi thông số kỹ thuật của DF-25  đến giờ vẫn chưa chính thức được Trung Quốc công bố nhưng theo các nhà phân tích của Đài Loan và Mỹ thì phiên bản DF-25 gần giống DF-21, có trọng lượng khoảng 28 tấn, với tầm bắn trên 3.000 km.
 
- Đông phong 21C
 
Có trọng lượng 14,7 tấn/quả với tầm bắn xa nhất lên tới 3.000 km mang theo đầu đạn 600 kg, tầm bắn trung bình 1.700 km; được sử dụng chủ yếu trong tấn công các mục tiêu căn cứ không quân, mục tiêu trên biển.
 
Quân đội Mỹ cũng đã lên tiếng cho rằng loại vũ khí này có khả năng gây nguy hiểm cho các tàu sân bay, tàu ngầm hạng nặng của mình.
 
Còn giới quân sự Trung Quốc đánh giá, DF-21C có khả năng cơ động, nhận biết mục tiêu di động, tấn công chính xác và tránh tên lửa đánh chặn.
 
Tên lửa Đông Phong 21C được phát triển từ tên lửa Đông Phong 21 với sự khác biệt lớn nhất là thay đầu đạn hạt nhân bằng đầu đạn thông thường gắn thiết bị định vị đường đạn bởi hệ thống ra đa hiện đại.
 
- Đông Phong 21D
 
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang phát triển tên lửa hành trình đất đối hạm sử dụng chất nổ phi hạt nhân được phát triển dựa trên nguyên mẫu DF-21.
 
Đây sẽ là tên lửa đẩy ASBM đầu tiên và duy nhất trên thế giới có khả năng tấn công tàu sân bay đang di chuyển từ các bệ phóng di động trên mặt đất.
 
Các bệ phóng này gồm các phương tiện di động có khả năng thay đổi mục tiêu sau khi phóng (MaRV) và các hệ thống dẫn đường.
 
Mặc dù thông số kỹ thuật của loại tên lửa này vẫn chưa chính thức được công bố, nhưng theo các nguồn tin, DF-21D có thể mang 6 đầu đạn với trọng lượng tối đa 450 kg/đầu đạn, tầm bắn từ 1.300 đến 1.800 km, có thể bắn trúng mục tiêu di động với độ chính xác cao.
 
Sau khi bắn thủng lớp vỏ tàu sân bay vào trong khoang, đầu đạn sẽ tiếp tục phát nổ nên chỉ cần một quả có thể đánh đắm gã khổng lồ này ngay lập tức.
 
DF-21D, thông minh hơn, và rẻ hơn rất nhiều, có thể tấn công thành công tàu sân bay Mỹ hay ít nhất là ngăn không cho nó tiến gần hơn vào Trung Quốc đại lục.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo