xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng thống Trump gây mất niềm tin

HUỆ BÌNH

Mỗi quyết định lớn tại Nhà Trắng đều có bóng dáng của cố vấn chính trị Steve Bannon, dấy lên lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump bị giật dây

Chính quyền của Tổng thống Trump rối tung khi chưa đầy 2 tuần ông đảm nhận cương vị ông chủ Nhà Trắng.

Kỷ lục đáng buồn

Đó là nhận xét của nhà báo kỳ cựu của tờ The Washington Post Carl Bernstein - người từng phanh phui vụ bê bối chính trị Watergate, buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức hồi năm 1974.

Các thách thức pháp lý nhằm vào ông Trump liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo không ngừng lan rộng khi ít nhất 4 bang của Mỹ đã khởi kiện sắc lệnh gây phản đối rầm rộ cả trong lẫn ngoài nước này.

Theo đài CNN, đến ngày 31-1, có 42 đơn kiện nhắm vào ông Trump kể từ khi ông nhậm chức. Con số này hơn gấp nhiều lần so với 11 đơn kiện nhằm vào cựu Tổng thống Barack Obama trong suốt 11 ngày đầu tiên nhậm nhiệm sở, đa số xoáy vào gốc gác của vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.

Washington đang mất niềm tin vào tân tổng thống, nhà báo Carl Bernstein phát biểu trên đài CNN hồi đầu tuần. Diễn biến càng tồi tệ hơn khi ông Trump cách chức quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sally Yates hôm 30-1 sau khi bà phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh - một quyết định được đánh giá là thiếu sáng suốt của vị tổng thống 70 tuổi.

Trong khi đó, sắc lệnh cấm nhập cư cũng chấm dứt “tuần trăng mật” của thị trường chứng khoán Mỹ, kéo theo những phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính toàn cầu sau chút khởi sắc từ khi vị tân tổng thống vốn là một tỉ phú nhậm chức.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones - thước đo cho toàn bộ thị trường nền kinh tế số 1 thế giới - giảm hơn 200 điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này và rớt khỏi mốc 20.000 điểm lịch sử mới đạt được lần đầu tiên trong 120 năm tồn tại của chỉ số này hôm 25-1.

Đây là lần đầu tiên thị trường chứng khoán chứng kiến phản ứng tiêu cực ở mức độ lớn như vậy với hành động của ông Trump. Nước Mỹ cũng chưa từng chứng kiến sự phản ứng mạnh mẽ của giới doanh nghiệp với sắc lệnh của vị tổng thống như lần này, theo GS Bill Klepper - Trường Columbia Business ở TP New York. Các giám đốc điều hành của những hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Netflix... đều đồng loạt lên tiếng phản đối sắc lệnh tiềm ẩn nguy cơ gây hại lớn cho thung lũng Silicon này.

Theo kết quả khảo sát được Gallup công bố hôm 28-1, chỉ sau 8 ngày ông Trump đảm trách cương vị tổng thống, khoảng 51% người Mỹ không tán thành sự thể hiện của ông. Đây là kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ khi các ông chủ Nhà Trắng khác phải mất hàng trăm ngày mới gây mất lòng tin tới mức này.

Lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối sắc lệnh nhập cư mới, cựu Tổng thống Obama cho rằng những người dân đang thực hiện quyền Hiến pháp của họ để tập hợp, tổ chức và đưa ra tiếng nói đối với các quan chức được bầu của họ lắng nghe, chính xác là những gì người dân trông đợi khi mà những giá trị Mỹ bị đe dọa. Bên cạnh đó, chính các viên chức liên bang trong chính phủ Mỹ cũng đang bày tỏ sự phản đối với chính quyền mới.


Nụ cười của bé gái với khăn trùm đầu và bé trai đội mũ Do Thái trong cuộc biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của ông Trump tạo nhiều cảm xúc Ảnh: CHICAGO TRIBUNE

Nụ cười của bé gái với khăn trùm đầu và bé trai đội mũ Do Thái trong cuộc biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của ông Trump tạo nhiều cảm xúc Ảnh: CHICAGO TRIBUNE

Nội bộ chia rẽ

Không chỉ vấp phải sự phản đối từ phe Dân chủ, nội bộ Đảng Cộng hòa cũng nảy sinh những hồ nghi. Hai thượng nghị sĩ uy tín trong Đảng Cộng hòa là John McCain và Lindsey Graham lo ngại những điểm chưa rõ trong sắc lệnh nhập cư mới có thể châm ngòi sự trả đũa từ những phần tử cực đoan.

Nguồn tin của báo The Daily News tiết lộ người đứng đằng sau lệnh cấm nhập cảnh gây phẫn nộ này chính là ông Steve Bannon - cố vấn chính trị hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Việc vị cố vấn chiến lược này được ông Trump trao một ghế thường trực trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) hồi đầu tuần trong khi tước bỏ tư cách thường trực của giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) hồi đầu tuần đã gây ra sự xáo trộn chưa từng có tiền lệ trong NSC.

Ông Bannon cùng với Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và người con rể của ông Trump, Jared Kushner, được cho là tạo nên một bộ máy khép kín và tác động đến nhiều quyết sách quan trọng của ông Trump. Một số phương tiện truyền thông Mỹ đã bóng gió rằng ông Bannon là người giật dây đằng sau ông chủ Nhà Trắng.

Viện dẫn sắc lệnh nhập cư mới nói trên cũng như quan ngại về việc ông Trump ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, Chủ tịch EU Donald Tusk hôm 31-1 đã tuyên bố tân tổng thống Mỹ chính là một trong những mối đe dọa đối với khối này, bên cạnh Nga, Trung Quốc và Hồi giáo cực đoan.

Tuyên bố trên được ông Tusk, vốn là cựu Thủ tướng Ba Lan, đề cập trong lá thư gửi đến những lãnh đạo các quốc gia thuộc EU trước thềm hội nghị ở Malta vào ngày 3-2 để thảo luận về tương lai của EU hậu Brexit. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hối thúc ông Trump dỡ bỏ lệnh cấm cửa người nhập cư từ 7 quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, quốc hội Anh ngày 1-2 thông báo sẽ tranh luận vào ngày 20-2 tới đối với kiến nghị ngăn ông Donald Trump công du đến nước này khi số người ký tên vào đơn kiến nghị đã vượt quá hàng chục lần con số 100.000 chữ ký cần thiết để được các nhà lập pháp xem xét tranh luận. Đơn kiến nghị do một luật sư có tên Graham Guest đưa ra trên trang web của chính phủ và quốc hội Anh từ cuối tháng 11-2016 chỉ nhận được vài trăm người ủng hộ nhưng số chữ ký bất ngờ tăng vọt lên hơn 1,6 triệu sau sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump.

Trấn an đồng minh châu Á

Tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 1-2 bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong nỗ lực trấn an các đồng minh thân thiết của Mỹ. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một thành viên cấp cao trong chính quyền mới của ông Trump.

Theo Reuters, với việc chọn châu Á làm điểm công du nước ngoài đầu tiên, Bộ trưởng Mattis muốn củng cố các cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh quan trọng trong khu vực giữa lúc lo ngại về Triều Tiên và căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Theo tờ Nikkei, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi Tổng thống Trump duy trì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á trước sự lo ngại gia tăng về chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Trong khi đó, một trong những vị trí nội các của ông Trump được nhiều người chú ý nhất hôm 31-1 đã được công bố. Tân Tổng thống chỉ định ông Neil Gorsuch, hiện là thẩm phán Tòa Phúc thẩm liên bang ở TP Denver - bang Colorado, vào vị trí Chánh án Tòa án Tối cao. Nếu được thượng viện thông qua, ông Gorsuch sẽ thay thế chỗ trống do thẩm phán theo đường lối bảo thủ Antonin Scalia để lại sau khi ông qua đời hồi tháng 2-2016. Vị thẩm phán 49 tuổi cũng là ứng cử viên trẻ nhất được đề cử vào chức vụ trọn đời tại tòa án cấp cao nhất của Mỹ trong hơn 25 năm qua.

Giáo sư Trường Luật Columbia (Mỹ) Philip Bobbitt, chuyên gia về luật hiến pháp và an ninh quốc tế, cảnh báo rằng lựa chọn này có thể sẽ gây nhiều phiền toái cho những chính sách nhập cư của chính quyền ông Trump khi ông Gorsuch vốn là người theo chủ nghĩa hoài nghi trong việc thực thi quyết định của các cơ quan chính phủ.

Theo đài BBC, phe Dân chủ có thể sẽ tìm cách ngăn chặn cuộc bỏ phiếu thông qua đề cử nói trên. Các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tài chính thượng viện cùng ngày vừa tẩy chay cuộc bỏ phiếu bầu chọn bộ trưởng tài chính cũng như bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh của ông Trump.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo