xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trách nhiệm của Mỹ

NGÔ SINH

Mỹ cần hành động nhiều hơn để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu hiện nay bởi sự can thiệp quân sự của nước này đã tạo ra làn sóng di dân khổng lồ

Tàu cứu hộ cứu nạn Grapple của hải quân Mỹ ngày 16-6 đã xuất phát từ vịnh Souda (Hy Lạp) tham gia sứ mệnh của NATO nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) triệt hạ các hoạt động buôn người trên biển Aegean.

Nói hay hơn làm

Dư luận nhận định dường như Washington cảm nhận được trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra nên đã điều động tàu hải quân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, do thám trên biển Aegean. Tướng Curtis M. Scaparrotti, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, xác nhận việc điều động tàu Grapple thể hiện sự hỗ trợ hiển nhiên của Mỹ đối với sứ mệnh của NATO.

Đài VOA ngày 4-7 cho biết 2.381 người tị nạn Syria đã nhập cảnh Mỹ trong tháng 6-2016, tăng hơn gấp đôi so với tháng trước đó. Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định mục tiêu tái định cư 10.000 người tị nạn của Tổng thống Barack Obama khi kết thúc năm tài chính vào ngày 1-10 tới có hy vọng đạt được. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó hết sức nặng nề bởi Mỹ phải tiếp nhận 4.814 người tị nạn.

Trước đó, Tổng thống Obama từng tuyên bố cuộc khủng hoảng di dân đang diễn ra không chỉ là vấn đề của châu Âu mà còn của Mỹ. Ông Obama sôi nổi cam kết sẽ dang rộng vòng tay đón nhận người tị nạn như một giá trị cốt lõi của người Mỹ. Tuy nhiên, hiện vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đang đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ khi chính quyền chuẩn bị một đợt trục xuất nữa nhằm vào những người dân Trung Mỹ, bao gồm cả những phụ nữ và trẻ em đang nài xin sự bảo vệ nhân đạo. Theo báo The New York Times, hành động của Tổng thống mâu thuẫn với những phát ngôn cao quý về việc chào đón những ai đến Mỹ tìm kiếm sự bảo vệ.

Người tị nạn Syria chờ đợi ở Amman - Jordan với hy vọng được vào Mỹ Ảnh: REUTERS
Người tị nạn Syria chờ đợi ở Amman - Jordan với hy vọng được vào Mỹ Ảnh: REUTERS

“Thế giới nhận xét rằng chúng ta nói hay nhưng sau đó, chúng ta không làm như những gì chúng ta nói” - ông Kevin Appleby, Giám đốc cấp cao chính sách di cư quốc tế Trung tâm Nghiên cứu Di cư New York, thẳng thắn.

Còn bà Anna Greene, Giám đốc chính sách và biện hộ các chương trình của Mỹ tại Ủy ban Giải cứu quốc tế, mỉa mai: “Toàn bộ chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ được xây dựng dựa trên sự ép buộc chứ không phải là bảo vệ. Nếu như sự việc xảy ra cách xa biên giới chúng ta, chính phủ sẽ tài trợ kinh phí cho phản ứng nhân đạo và yêu cầu các nước khác tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của họ”.

Trong khi đó, một số đồng minh tại Quốc hội Mỹ của Tổng thống Obama cho rằng chính quyền Mỹ có thể và cần phải hành động nhiều hơn để tiếp nhận người tị nạn. “Tình hình ở Syria là cuộc khủng hoảng nhân đạo bức bối nhất trong thời đại chúng ta. Nếu không phản ứng tích cực, chúng ta sẽ bị các thế hệ tương lai chất vấn sau này” - Thượng nghị sĩ Richard J. Durbin nhận định.

Mỹ liên đới trách nhiệm

Cuộc chiến tranh Syria/Iraq đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn chưa từng có trên thế giới từ trước đến nay. Căn cứ vào dữ liệu của website Global Justice, hơn 5 triệu người Syria rời bỏ nhà cửa và đất nước. Trong đó, 2,7 triệu người trú ngụ ở Thổ Nhĩ Kỳ; 1,5 triệu ở Lebanon và 1,2 triệu ở Jordan. Một nửa trong số này là trẻ em. Nhiều quốc gia khác như Hy Lạp, Đức, Ả Rập Saudi, Thụy Điển, Canada... cũng đã tiếp nhận hàng trăm và hàng chục ngàn di dân.

Báo The Fortune thừa nhận nước Mỹ có thể và cần phải hành động nhiều hơn nữa. Theo đó, cuộc xung đột Syria một phần là hậu quả từ nỗ lực của Mỹ nhằm gây bất ổn chính phủ Bashar al-Assad. Mỹ quan tâm nhiều đến đời sống của người dân Syria dưới chế độ Assad nên cũng phải hỗ trợ vào thời điểm sinh mạng của họ còn lâm nguy hơn. Mặt khác, Mỹ cũng chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay bởi sự can thiệp quân sự của nước này đã làm sụp đổ các nhà nước ở Afghanistan, Iraq, Libya.

Chính phong trào “Mùa xuân Ả Rập” và cuộc nội chiến Syria đã giúp tổ chức “al-Qaeda ở Iraq” (lúc đó gần như bị tiêu diệt) có được vị trí chắc chắn ở Syria, dần dần lớn mạnh và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như hiện nay. Trấn nước, thiêu sống, chặt đầu, bắt làm nô lệ và cưỡng hiếp đã trở thành những thứ vũ khí của IS tại những vùng đất chúng chiếm đóng khiến người dân phải bỏ trốn khỏi Syria.

Không thể không nhìn thấy sự liên quan của Mỹ trong toàn bộ bức tranh IS hình thành cũng như cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay. Phần nhiều số tiền và vũ khí Mỹ đổ vào cuộc nội chiến Syria đã rơi vào tay IS làm tình trạng bất ổn càng tệ hại hơn. Ngoài ra, Mỹ rút quân khỏi Iraq trong khi các lực lượng nước này chưa chuẩn bị để đương đầu với IS.

Sự thực là khi lật đổ các chế độ độc tài, Mỹ và các đồng minh đã để lại ở Trung Đông những khoảng trống quyền lực được các phần tử cực đoan và quá khích lấp đầy. Thế rồi, khi IS giành được càng nhiều lãnh thổ hơn, càng có nhiều người hơn rời bỏ nhà cửa của họ.

Cái bẫy của IS

IS đang mong muốn sự rạn nứt giữa người Hồi giáo và thế giới phương Tây nới rộng đến mức sự cực đoan hóa sẽ là giải pháp duy nhất. Nếu Mỹ từ chối người tị nạn, vết rạn đó sẽ nứt toác ra.

Từ đó, website Global Justice đặt vấn đề: Liệu người Mỹ có muốn “sập bẫy” IS, quay lưng lại với những người đang cần giúp đỡ, khiến cho nỗi e sợ và tính bài ngoại chi phối các quyết định của họ? Liệu người Mỹ ngày nay có muốn lặp lại sai lầm của thế hệ trước - ngoảnh mặt làm ngơ trước người tị nạn Do Thái và cầm tù những người Mỹ gốc Nhật trong thế chiến II? Hoặc họ muốn rút ra bài học từ sai lầm trong quá khứ và chọn cơ hội ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa trong tương lai?

Kỳ tới: Nước Nga bị chỉ trích

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo