Sự kiện này diễn ra giữa lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm kiếm sự ủng hộ từ lớp trẻ để củng cố quyền lực.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin Ủy ban Trung ương Liên hiệp Thanh niên Xã hội Kim Il-sung tổ chức đại hội thứ 9 tại thủ đô Bình Nhưỡng nhưng không cho biết chi tiết.
Lần gần đây nhất đại hội này diễn ra là vào tháng 2-1993.
Cố lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã cho thành lập tổ chức nói trên vào năm 1946. Đây là tổ chức thanh niên lớn nhất Triều Tiên, do đảng Lao động Triều Tiên lãnh đạo và có khoảng 5 triệu thành viên. Liên hiệp này có vị trí quan trọng trong xã hội Triều Tiên vì bất cứ ai trong độ tuổi 14-30 đều bị buộc phải tham gia.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm 26-8 đăng bài xã luận thúc giục giới trẻ Triều Tiên nên đứng trong hàng ngũ tiên phong, thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa.
Các quân nhân trẻ tuổi của Triều Tiên. Ảnh: NK News
Các chuyên gia nhận định ông Kim đang đề cao vai trò của thanh niên để tìm kiếm sự ủng hộ của họ nhằm củng cố quyền lực. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho rằng Triều Tiên dường như đang muốn tăng cường sự lãnh đạo của ông Kim bằng cách tổ chức các sự kiện như đại hội thanh niên.
Trong một diễn biến khác, truyền thông Hàn Quốc hôm 26-8 tiết lộ một nhà ngoại giao Triều Tiên tại TP Vladivostok – Nga đã đào tẩu đến một địa điểm chưa được xác định. Người này là một đại diên thương mại của Triều Tiên và được cho là bỏ trốn cùng gia đình hồi tháng 7,
Giới chức Bộ Thương mại Triều Tiên và các cơ quan an ninh đã đến Vladivostok sau sự mất tích bí ẩn của nhân vật nói trên.
Một nguồn tin địa phương khác cũng xác nhận với hãng tin Yonhap rằng vụ đào tẩu trên là có thật. Bình Nhưỡng sau đó đã cho siết chặt quản lý hoạt động của các nhà ngoại giao nước này tại TP Vladivostok sau vụ việc.
Triều Tiên đang đối mặt với hàng loạt cuộc đào tẩu của các quan chức. Ảnh: REUTERS
Chính quyền Triều Tiên đang đối mặt một loạt cuộc đào tẩu liên quan tới các quan chức, giáng một đòn mạnh đến uy tín ông Kim Jong-un. Trước đó, nhà ngoại giao tại London Thae Yong-ho đã trốn tới Seoul cùng với gia đình để tìm một cuộc sống tốt hơn.
Sau vụ đào tẩu của ông Thae, chính quyền ông Kim đã thực hiện một loạt các biện pháp đối phó để ngăn chặn những cuộc đào tẩu tái diễn, như đưa con cái của các nhà ngoại giao về nước. Bình Nhưỡng cũng cử thêm hàng chục quan chức tới các địa điểm khác nhau để kiểm soát tình hình.
Bình luận (0)