* Phóng viên: Nguyên nhân nào khiến ông gắn bó với phong trào đấu tranh vì quyền kết hôn của người đồng tính suốt hơn 30 năm, thưa ông?
- Ông Evan Wolfson: Dù là Việt Nam hay ở Mỹ, chúng ta cũng đều tôn trọng gia đình. Điều thúc đẩy cá nhân tôi hơn hết là khi công nhận quyền kết hôn của người đồng tính nghĩa là chúng ta tôn trọng những giá trị, đóng góp, cam kết của họ đối với xã hội, từ đó có thể tạo nên sự gắn kết và yêu thương trong xã hội.
Khi công nhận quyền tự do kết hôn, xã hội có cái nhìn khác, có sự bảo vệ, tin cậy với người đồng tính; họ được pháp luật bảo vệ và bảo đảm quyền lợi về mặt kinh tế.
Việc chấm dứt kỳ thị người đồng tính cũng mang lại lợi ích cho xã hội và phát triển kinh tế. Ở Mỹ, khi vụ việc này được đưa lên Tòa án Tối cao, chúng tôi có đơn đệ trình được ký bởi 379 doanh nghiệp (DN) lớn ủng hộ và Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết thống nhất cho phép kết hôn đồng tính trên toàn liên bang.
* Pháp luật Việt Nam không còn cấm nhưng cũng chưa công nhận kết hôn đồng giới. Nhiều người cho rằng nếu những người đồng tính yêu nhau, họ cứ sống với nhau, không cần phải kết hôn. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Những người đồng tính cũng chia sẻ những giá trị nhân bản cốt lõi như bất kỳ một con người nào khác trong xã hội: gia đình, sự tôn trọng, tình yêu thương. Khi đến với nhau, họ cũng có tình yêu, có chung hy vọng và những cam kết như mọi người. Vì vậy, họ cần có sự công nhận của xã hội.
Việc không công nhận quyền kết hôn của những người đồng tính, vô hình trung đẩy họ tách khỏi cộng đồng. Còn nếu công nhận, rõ ràng họ là một phần của gia đình, của những giá trị đó, nhận được sự hỗ trợ và đóng góp trở lại với xã hội, cho phép họ nằm trong chuỗi giá trị mà xã hội Việt Nam tôn trọng.
Mặt khác, khi nói đến sự kết hôn của người đồng tính, đó không đơn giản là câu chuyện tình yêu giữa một cặp đôi mà nó liên quan đến cả một cộng đồng, đến bố mẹ, con cái của họ, gia đình hai bên...Pháp luật cần có những cơ chế để khuyến khích, gắn kết những người đồng tính với gia đình, xã hội thông qua sự công nhận chính thức.
* Ở Mỹ, để đạt được sự công nhận hôn nhân đồng tính trên toàn liên bang cần tới gần 40 năm. Với Việt Nam, một đất nước phương Đông, việc này có vẻ còn khó khăn hơn?
- Tôi cho rằng Việt Nam không cần nhiều thời gian như nước Mỹ vì có xuất phát điểm tốt hơn. Hiện nay có 24 quốc gia đã công nhận quyền kết hôn đồng giới, ước tính có tới 1 tỉ người đồng tính trên thế giới được hưởng quyền này. Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ hệ thống pháp luật của các quốc gia khác.
Những năm gần đây, tôi thấy Chính phủ, các cơ quan công quyền ở Việt Nam đã có rất nhiều sự thay đổi, ủng hộ cụ thể dành cho người đồng tính, Quốc hội cũng ngày càng cởi mở hơn. Ngày càng có nhiều DN muốn đầu tư vào Việt Nam và những DN này đều có sự ủng hộ chấm dứt sự kỳ thị với người đồng tính. Nhiều người dân Việt Nam luôn thể hiện sự công bằng, quyết tâm xóa bỏ sự kỳ thị đối với người đồng tính.
Các nhà hoạt động xã hội vì quyền của người đồng tính ở Việt Nam cần có sự cộng tác, thúc đẩy hơn nữa đối với Chính phủ và các cơ quan nhà nước để tiến tới chấm dứt sự kỳ thị người đồng tính. Cũng cần phải có những hoạt động tích cực hơn để xã hội biết những người đồng tính thực sự là ai và họ có thể đóng góp những gì cho xã hội. Khi có môi trường tích cực, trong đó tiếng nói của người đồng tính được ủng hộ và ghi nhận, Chính phủ, những người làm luật và DN sẽ dễ dàng đưa ra những quyết định ủng hộ cho người đồng tính.
* Được biết ông đang chung sống với người chồng đồng tính của mình. Ông có thể chia sẻ về câu chuyện tình yêu và cuộc sống hiện tại của mình không?
- Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở TP New York - Mỹ cách đây 15 năm. Sau khi quen và yêu nhau được khoảng 10 năm, đến năm 2011, chúng tôi kết hôn tại New York, được sự công nhận của pháp luật, có lễ cưới vui vẻ như bao cặp đôi khác, nhận được sự ủng hộ, chúc mừng của gia đình, bạn bè, người quen. Tôi cho rằng điều mạnh mẽ nhất là chúng ta chia sẻ một ngôn ngữ chung trên toàn thế giới, đó là ngôn ngữ của tình yêu.
Luật sư có nhiều ảnh hưởng
Là nhà sáng lập, kiêm chủ tịch Tổ chức Tự do Hôn nhân - một chiến dịch giành quyền kết hôn cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) tại Mỹ - ông Wolfson được công nhận rộng khắp là người dẫn đầu phong trào vận động cho quyền kết hôn của người đồng tính tại Mỹ, được Tạp chí Luật Quốc gia vinh danh là 1 trong 100 luật sư ảnh hưởng nhất nước Mỹ năm 2000. Tuần báo Newsweek của trang The Daily Beast phong Wolfson là “Cha đẻ của hôn nhân đồng tính” và Tạp chí Time từng vinh danh ông là 1 trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2012, ông Wolfson nhận giải xuất sắc Barnard cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bình luận (0)