Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 13-7 ra lệnh điều tàu tuần tra đường lãnh hải tranh chấp nhằm thể hiện “quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia".
Động thái trên diễn ra sau khi PCA phán quyết “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố không có cơ sở pháp lý. Đáng chú ý, PCA cũng cho rằng đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng) là “bãi đá” chứ không phải là đảo nên không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Quyết định triển khai tàu chiến từ TP Cao Hùng của Đài Loan có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày 13-7, Trung Quốc dọa sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân thậm chí còn ca ngợi hành động của Đài Loan.
Theo giới phân tích, tuy tẩy chay phiên tòa song Bắc Kinh dường như có bắt tay với Đài Loan để vận động hành lang. Chính quyền của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu khi đó có nộp lên tòa những tài liệu đòi công nhận vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo Ba Bình.
Hôm 12-7, bà Thái cho rằng phán quyết của PCA không có hiệu lực đối với Đài Loan vì PCA không chính thức mời Đài Loan tham gia phiên tòa.
Theo trang Bloomberg, những phát ngôn của bà Thái đẩy bà rơi vào tình huống khó xử với đồng minh Mỹ, nước đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Ông Jerome Cohen, Giáo sư luật Trường ĐH New York, nhận định việc bà Thái bác bỏ phán quyết của PCA là một sai lầm lớn.
"Bà Thái sẽ bị người dân Đài Loan chỉ trích vì đi theo con đường vô luật lệ của Trung Quốc trong khi chính Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho việc Đài Bắc bị loại khỏi quá trình xét xử” - ông Cohen nói thêm.
Ông Nick Bisley, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường ĐH La Trobe (Úc), cũng cho rằng bà Thái đang ở “thế khó” bởi những tuyên bố của Đài Loan và Trung Quốc thực tế là giống nhau. “Đưa ra cách giải quyết duy trì được quan điểm của Đài Loan mà không giống với lập trường của Trung Quốc thật sự rất phức tạp” - chuyên gia này nhận định.
Bình luận (0)