Theo tài liệu của Bộ Khoa học Trung Quốc mà trang Bloomberg tiếp cận được gần đây, phiên bản dưới biển của một trạm không gian này có thể nằm ở độ sâu đến 3.000 m.
Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về dự án được công khai, như địa điểm và tiến độ xây dựng, ước tính chi phí... “Việc xây dựng một cơ sở ngầm có người ở lâu dài chưa từng được thực hiện ở độ sâu như thế nhưng đây không phải là điều bất khả thi. Tàu ngầm có người điều khiển đã lặn xuống độ sâu như vậy trong gần 50 năm qua. Thách thức là làm sao duy trì hoạt động của cơ sở trong nhiều tháng liền” - chuyên gia Bryan Clark của Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách (Mỹ) nhận định.
Không chỉ muốn bành trướng dưới biển, Bắc Kinh còn muốn kiểm soát bầu trời biển Đông thông qua kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Phát biểu về nguy cơ này tại một hội thảo ở Philippines hôm 7-6, ông Ernest Bower, người đứng đầu chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), nhấn mạnh nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc, thậm chí là các quốc gia châu Âu sẽ thách thức hành động này bằng cách đưa máy bay chiến đấu đến đó.
Trước đó, Bắc Kinh đã vấp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế khi đơn phương áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông. Cũng tại vùng biển này, Lầu Năm Góc hôm 7-6 cáo buộc 2 chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm đối với máy bay do thám RC-135 của Không quân Mỹ trên không phận quốc tế.
Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn bỏ ngoài tai lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc tuân thủ phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan sắp đưa ra về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8-6 tái khẳng định không chấp nhận và không tham gia vụ kiện, đồng thời thúc giục Philippines chấm dứt kiện tụng, giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này kỳ vọng PCA ra phán quyết trong tháng này. Từ giờ cho đến đó, Manila sẽ giữ im lặng. Tuy nhiên, theo ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (Mỹ), phán quyết của PCA không thể chấm dứt ngay căng thẳng biển Đông. “Đây là một thách thức dài hạn, có thể kéo dài 10, 15 hoặc 20 năm. Giải pháp duy nhất theo tôi là các bên liên quan cùng các cường quốc như Mỹ, Nhật, Úc cùng gây sức ép để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán” - ông Poling nói.
Bình luận (0)